Phát triển du lịch nhờ điện ảnh

Với lợi thế của mình, điện ảnh là một công cụ quảng bá vô cùng hiệu quả và đóng góp quan trọng cho tăng trưởng ngành du lịch tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng ở nước ta, đây vẫn là vấn đề còn đang “bàn thảo”, hình ảnh đất nước, con người chỉ được sử dụng như một công cụ cho phim ảnh.


Những bài học trên thế giới


Một bộ phim hấp dẫn hẳn sẽ khiến khán giả tò mò và có tình cảm với địa danh mà bộ phim đó đề cập đến. Chắc chắn, những người yêu điện ảnh còn nhớ, nhờ có phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” mà thế giới biết đến New Zealand nhiều hơn, nhờ phim “Bí mật ngôi mộ cổ” mà người ta hiểu thêm Campuchia.

Một cảnh trong bộ phim Đông Dương.


Người ta cũng thống kê, du khách đến Chicago (Mỹ) đông hơn sau khi phim “Transformer” công diễn ở các rạp trên thế giới. Còn “The Hangover II” và “Nhật ký tiểu thư Jones II”, đã đưa du khách đến với Bang Kok (Thái Lan) đông hơn.


Ở Việt Nam, những bộ phim gắn với các địa danh du lịch cũng không ít. Bộ phim “Người tình” từng giúp cho du lịch Sài Gòn có thêm nhiều khách phương Tây, phim “Đông Dương” đã giúp đưa hình ảnh vịnh Hạ Long đi xa hơn, phim “Chuyện của Pao” đã thu hút ngày càng đông du khách đến với Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.


Năm 2012, bộ phim Việt gây ấn tượng với khán giả “Thiên mệnh anh hùng” đã lấy bối cảnh là hàng loạt địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Khu du lịch Tràng An, khu văn hóa tâm linh Bái Đính, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình); Đền Đô và chùa Bút Tháp (Bắc Ninh)… với những góc quay đẹp, ánh sáng tinh tế đã tạo thành những khung cảnh mờ ảo, đậm chất sử thi. Trước đó, tại Liên hoan phim California, những khung hình “đẹp hơn tranh” đã mang về cho bộ phim “Ngọc Viễn Đông” giải thưởng: “Phim có cảnh quay đẹp nhất”. Xem phim, khán giả quốc tế bị hấp dẫn bởi sự mê hoặc của ngôi nhà giữa sương mù ở Sa Pa, Đà Lạt mộng mơ với những con dốc quanh co, Phan Thiết ám ảnh với những đồi cát mênh mang, biển xanh, nắng vàng…


Đó chỉ là số ít trong rất nhiều những tên phim đã khai thác vẻ đẹp của cảnh sắc, địa danh du lịch vào câu chuyện điện ảnh. Trên thực tế, điện ảnh gắn với vùng đất, con người mà câu chuyện của nghệ thuật thứ 7 đề cập. Đưa điện ảnh vào phát triển du lịch là câu chuyện chúng ta làm thế nào để hấp dẫn người xem điện ảnh đến với địa danh trong phim.


Cần đầu tư thích đáng


Trong khi các nhà làm phim trong nước còn đang băn khoăn cách làm thì nước bạn Hàn Quốc- một quốc gia không ngừng quảng bá văn hóa trong mỗi tác phẩm điện ảnh đang làm rất tốt việc này. Kể cả phim truyền hình cũng đặc biệt coi trọng quảng bá hiệu quả cho hoạt động du lịch. Trong các tour du lịch tới Hàn Quốc, du khách luôn có các điểm tham quan những địa danh nổi tiếng như Đảo Jeju, đảo Nami, công viên Lotte World, bến phà Abai..., từng xuất hiện trong các phim: Nàng Dae Jang Geum, Nấc thang lên thiên đường, Bản tình ca mùa đông, Trái tim mùa thu... Ở các điểm từng làm những bộ phim đó, họ dựng panô lớn chụp hình diễn viên và bối cảnh cùng các lời chú thích thú vị. Do bị hấp dẫn bởi những bộ phim Hàn Quốc, du khách gần xa, đặc biệt là du khách châu Á nườm nượp xếp hàng đợi chụp hình.


Nếu làm một phép so sánh, Vịnh Hạ Long với đảo Jeju của Hàn Quốc, đều là hai kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Cảnh thiên nhiên, nét văn hóa đặc sắc ở Vịnh Hạ Long đều không kém điểm du lịch nổi tiếng xứ “Kim Chi”, thế nhưng công tác quảng bá bằng điện ảnh thì lại là khoảng cách rất xa nhau.


Đạo diễn, nghệ sỹ ưu tú Vũ Đình Thân cho rằng: “Chúng ta cần một chiến lược dài hơi cho sự kết hợp giữa điện ảnh và du lịch. Phim về du lịch phải gắn vào câu chuyện, đưa câu chuyện vào không gian đó thì mới có sức hút với khán giả. Làm phim để quảng bá du lịch cho một thành phố cần phải có chiến lược, phải có sự đầu tư. Đầu tư ở đây là của nhà nước, đầu tư của các nghệ sỹ để xây dựng những kịch bản tốt nhất với câu chuyện gắn kết vào với không gian đẹp của vùng du lịch mà chúng ta muốn thu hút khách. Chứ vẫn làm theo kiểu những câu chuyện chỉ có những cảnh phục vụ cho bộ phim thôi thì còn nhiều hạn chế”.


Sự gắn kết giữa du lịch với điện ảnh vẫn còn nhiều khoảng trống. Ngay cả Vịnh Hạ Long, nơi 2 lần được UNESCO công nhận là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới cũng vẫn chưa có được một chiến dịch quảng bá đúng tầm bằng điện ảnh. “Chúng ta còn bị ảnh hưởng nhiều bởi nguồn kinh phí hạn hẹp. Tài chính dành cho những tác phẩm điện ảnh để làm ra những thước phim cần có sự đầu tư thích đáng. Nó cần phải có sự quan tâm ở góc độ có một tác phẩm điện ảnh ra tấm ra miếng, truyền tải được tầm cỡ thì cần có sự tham gia của những nhà làm phim, những doanh nghiệp du lịch thì sẽ có những tác phẩm điện ảnh tầm cỡ”, ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh khẳng định.


Hạnh An

Tour giá rẻ làm 'sứt mẻ' hình ảnh du lịch Việt Nam
Tour giá rẻ làm 'sứt mẻ' hình ảnh du lịch Việt Nam

Cứ vào mùa du lịch đón khách quốc tế (từ cuối tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau), loại hình tour giá rẻ lại được quảng bá tràn lan trên mạng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm và hình ảnh du lịch Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN