Phát hiện hầm mộ của thầy tế cổ đại Ai Cập

Các nhà khảo cổ học Cộng hòa Séc cho hay thầy tế cổ đại này được chôn cất tại Abusir thuộc khu lăng mộ hoàng gia và ông đã phục vụ dưới triều đại của một vị vua cách đây 4.400 năm về trước.

Cánh cửa giả, biểu tượng phân chia giữa hai thế giới.


Trong lúc đang tiến hành khai quật tại Abusir, địa điểm nằm cách thủ đô Cairo (Ai Cập) 27 km về phía nam, một nhóm các nhà khảo cổ học người Séc đã phát hiện hầm mộ đá vôi của một thầy tế hoàng gia cấp cao từ khoảng năm 2.400 trước công nguyên.

Với vai trò là người đứng đầu các thầy lang của Thượng và Hạ Ai Cập, Shepseskaf-Ankh đã phục vụ hoàng gia dưới vương triều thứ năm. Ông đặc biệt thân cận với một vị vua có tên Niuserre, vị pharaoh đã trị vì Ai Cập trong ít nhất 1 thập kỉ.

Miroslav Bárta, giám đốc của nhóm khảo cổ Viện Ai Cập học của Séc, tỏ ra tương đối hài lòng với những chi tiết lịch sử có trong khu hầm mộ cũng như sự bảo tồn kiến trúc của nó. Ông nói: “Những chi tiết thu nhỏ này phản ánh những xu hướng chung thịnh hành trong xã hội thuở đó”.

Bárta cho biết vua Niuserre đã đi theo chính sách gả một số trong số các con gái của mình cho những người thuộc hoàng tộc để cứu vớt những tham vọng của mình bởi đây chính xác là thời điểm mà đế chế bắt đầu sụp đổ do những chi phí tốn kém và sự gia tăng tính tự chủ của các gia đình quyền lực.

Đó cũng là thời điểm khi các vị pharaoh của Ai Cập đã cạn sạch phòng tại các khu hầm mộ hoàng gia ở thung lũng Giza, địa điểm có những kim tự tháp khổng lồ của triều đại thứ tư. Vào thời đó, họ đang cho xây dựng những kim tự tháp nhỏ hơn, thô hơn và xa hơn về phía nam.

Hầm mộ của thầy lang Shepseskaf-Ankh là hầm mộ thứ ba của một thầy lang được tìm thấy trong khu vực này. Những người có quyền hành khác cùng các thầy tế cấp cao cũng được an táng tại đây để họ được ở gần với những vị pharaoh họ từng phục vụ.

Shepseskaf-Ankh xuất thân trong một gia đình danh giá của Ai Cập. Trong một phần của khu hầm mộ, bao quanh một kiến trúc được gọi là cửa giả, địa vị của ông được xác định bởi những danh hiệu như "thầy tế của Re" trong những ngôi đền của mặt trời, "thầy tế của Khnum" và "thầy tế của Ma thuật".

Kích thước của ngôi hầm mộ với chiều rộng 14m, dài 21m và cao 4m là những thông tin khác nói lên sự quan trọng của vị thầy tế. Tổ hợp chôn cất còn có một khu vực sân rộng và 8 phòng chôn dành cho Shepseskaf và gia đình. Với địa vị là một vị thầy lang hoàng tộc, có vẻ như sự thành công danh giá của ông và gia đình đã được đảm bảo chắc chắn, không chỉ khi họ còn sống trong thế giới này mà còn ở cả thế giới bên kia.

Nhóm các nhà khảo cổ học Cộng hòa Séc dự định sẽ khai quật những cấu trúc bên dưới hầm mộ để xem liệu nó có thể tiết lộ thêm những bí mật gì nữa hay không.

Abusir là một phần của khu lăng mộ hoàng gia trải dài từ Giza tới Saqqara ở vùng sa mạc phía tây sông Nile. Mặc dù nạn trộm cướp đã gia tăng từ sau cuộc cách mạng năm 2011, phát hiện này đã cho thấy rằng một số khu vực vẫn giữ được nguyên hiện trạng bất chấp những rối loạn hiện tại.


A.M (Theo National Geographic)

Bí mật hầm mộ cổ Ai Cập

Nếu nhìn vào hình chạm khắc trên những bức tường còn lại của thành phố cổ Amarna (Ai Cập), đời sau sẽ thấy một cuộc sống tươi đẹp, trù phú hiện ra với những chú bò được vỗ béo trong sân, những nhà kho đầy ắp ngũ cốc và cá...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN