Những người Nhật yêu Việt Nam “cuồng nhiệt”

Đạo diễn, NSƯT Tất Bình và Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận đều dùng từ “cuồng nhiệt” cho tình yêu mà những nhà sản xuất, nhà viết kịch bản, đạo diễn, diễn viên của đoàn làm phim Nhật Bản “Cuộc sống mới ở Việt Nam” (bộ phim hợp tác Việt Nam- Nhật Bản) dành cho đất nước và con người Việt Nam.


Đoàn làm phim giới thiệu về bộ phim.


Và với nữ nhà văn Nhật Bản Komatsu Miyuki, tác giả của tiểu thuyết “Quãng đời cuối cùng ở Việt Nam”- nguồn cảm hứng để ra đời bộ phim này, thì tình yêu với Việt Nam càng cuồng nhiệt hơn hết thảy. Nếu không, làm sao chị lại quyết định sang Việt Nam dạy tiếng Nhật, rồi ở luôn lại Việt Nam, công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Không những thế, chị đã quyết định đưa người mẹ của mình sang Việt Nam để sống những năm cuối đời và người mẹ cũng đã rất hài lòng, mãn nguyện với cuộc sống của mình ở Việt Nam.


Mối cơ duyên mang tên “Việt Nam”


Mọi “cơ duyên” đều bắt đầu từ cuốn tiểu thuyết ấy, cuốn tiểu thuyết mà cũng chính là tự truyện của Komatsu Miyuki, về cuộc đời của chị, về những ngày sống và làm việc ở Việt Nam, yêu rồi gắn bó máu thịt với mảnh đất xinh đẹp này. Nếu chỉ có vậy, chuyện chắc sẽ chưa đủ để cảm động những người Nhật Bản đã đọc cuốn sách một cách sâu sắc đến thế. Chuyện là, Komatsu Miyuki có người mẹ già sống ở Nhật Bản. Theo lẽ thường, người già ở Nhật Bản thường được sống trong trại dưỡng lão, con cái cũng ít khi tới thăm được. Không muốn mẹ mình trải qua những ngày tháng cô đơn như vậy, Komatsu Miyuki đã quyết định đưa mẹ sang sống quãng đời còn lại tại Việt Nam - nơi mình làm việc và sinh sống với công việc là một giáo viên dạy tiếng Nhật. Và cuộc sống yên bình ở Việt Nam đã thực sự là một môi trường gắn kết tình cảm nhân văn giữa hai mẹ con… 


Đạo diễn Tất Bình giới thiệu về bộ phim.


Xúc động như vậy nên Công ty ARGO PICTURES đã quyết định sản xuất bộ phim này, với ê kíp gồm những người làm phim nổi tiếng của Nhật Bản: Đạo diễn Kabuki Omori, nhà sản xuất Yutaka Otaka, nhà viết kịch Uichiro Kitazato, nữ diễn viên chính Keiko Matsuzaka. Về phía Việt Nam, có sự tham gia của đạo diễn – NSƯT Tất Bình và Công ty Cổ phần Phim truyện 1, với nhiều nghệ sĩ điện ảnh quen thuộc; cùng sự hỗ trợ của Đông Đô Show và Nhà hát Tuổi trẻ.


“Tôi đã rất xúc động khi đọc kịch bản của bộ phim. Lịch bản phim đã đề cập đến một vấn đề mà không chỉ người Nhật Bản hay người Việt Nam quan tâm, mà cả thế giới đều phải nghĩ đến: Vấn đề người già. Đặc biệt, toàn bộ kịch bản phim đã toát lên một tình cảm vô cùng trân trọng của những người Nhật Bản dành cho đất nước và con người Việt Nam”, đạo diễn Tất Bình chia sẻ.


Gắn kết và đồng cảm

Đạo diễn Kabuki Omori: "Tôi tin bộ phim sẽ rất thành công".


Bộ phim “Cuộc sống mới ở Việt Nam” dự định sẽ bấm máy quay tại Việt Nam trong 40 ngày , từ ngày 10/11/2014 đến ngày 20/12. Bộ phim có sự tham gia diễn xuất của nhiều diễn viên Việt Nam và các diễn viên của Nhật Bản. Về phía diễn viên Việt Nam có sự tham gia của: Thu Phương (vai người bà 72 tuổi), Huệ (vai người mẹ 53 tuổi), Lan (vai cô con gái 20 tuổi), Hoàng (vai thợ làm bánh 60 tuổi), Mạc (vai người khách chơi cờ tướng 40 tuổi), Thảo (vai người khách chơi cờ tướng 40 tuổi), Tướng quân (80 tuổi), Minh (người giúp việc 14 tuổi), Vinh (em trai của Minh 6 tuổi, Long (em trai của Minh 4 tuổi), Hạnh (bà chủ quán mì, vợ của Mạc 40 tuổi), Khánh (vai nhân viên chăm sóc người già, con gái của Hoàng độ tuổi khoảng từ 25 đến 30), Xuân (vai người vợ của người Nhật còn ở lại Việt Nam, 88 tuổi), Đào (vai con trai của bà Xuân, 67 tuổi), Tuấn (vai trưởng Đài phát thanh VOV), Ngọc (vai phó trưởng Đài phát thanh, nữ), học sinh trường tiếng Nhật 1, 2, 3, 4, người đàn ông trung niên chạy xe gắn máy), người đạp xích lô và một số diễn viên quần chúng.


Nhà sản xuất Yutaka Otaka: "Việc hợp tác làm phim có giá trị giao lưu văn hóa rất lớn".


Theo đạo diễn Tất Bình, hiện tại đoàn làm phim đã tìm được một số không gian để quay phim rất “Hà Nội”, nhưng cũng sẽ “rất khó khăn” cho việc quay bởi những “đặc trưng” của phố xá Thủ đô. Nói vui như đạo diễn Tất Bình là trước khi bước vào làm phim, nữ diễn viên chính sẽ phải trải qua một “khóa học đi xe máy trên đường phố Hà Nội” để có thể thực hiện quay phim trong không gian này. “Đặc biệt, sẽ có những trường đoạn rất thú vị, thể hiện cách nhìn của người Nhật Bản với con người, đất nước Việt Nam, khiến bản thân chúng ta cũng phải bất ngờ”, đạo diễn Tất Bình chia sẻ.


Nữ diễn viên chính Keiko Matsuzaka: "Tôi thấy cuộc sống và con người Việt Nam rất nhân văn, được sống ở đây con người rất hạnh phúc,đây là một nơi thật sự tôn trọng và yêu quý con người".


Về phía mình, tác giả kịch bản Uichiro Kitazato cũng chia sẻ, để xây dựng kịch bản này, ông đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu về con người Việt Nam. “Khi bắt tay viết kịch bản, tôi không biết làm sao để có thể diễn tả được chân dung người Việt Nam, nên đã đọc sách về Việt Nam, về lịch sử, phong tục tập quán của Việt Nam, nhưng vẫn thấy mình chưa hiểu hết được. Tôi quyết định đọc những tiểu thuyết của Việt Nam được dịch ra tiếng Việt, đọc khoảng 5-6 cuốn tiểu thuyết thì tôi hiểu ra rằng: Người Việt Nam cũng rất nhân văn, có tình yêu, nỗi buồn, niềm vui, sự căm giận giống như những dân tộc khác. Và trong tác phẩm của mình, tôi đã không đi vào diễn tả con người Việt Nam, mà diễn ra tính nhân văn đó của người Việt Nam”, ông Uichiro Kitazato chia sẻ.


Rất hào hứng với tác phẩm, nhà sản xuất khẳng định: Họ hy vọng sẽ tạo ra một bộ phim thực sự thu hút khán giả, bởi ý nghĩa nhân văn, sự cuốn hút trong những tình tiết nhẹ nhàng, hấp dẫn đáng để mỗi người phải suy ngẫm. Bên cạnh đó, bộ phim cũng giới thiệu những làng quê yên bình của Việt Nam, giá trị truyền thống chăm sóc thương yêu người cao tuổi “thương già, già để tuổi cho”. “Bộ phim nhắc nhớ những giá trị truyền thống mà trong cuộc sống văn minh đô thị ngày nay đã dần bị lãng quên”, đại diện đoàn làm phim chia sẻ.


T.A

Ảnh: Thế Toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN