Sách là kho tàng kiến thức vô giá của nhân loại. Từ xưa đến nay, người người đọc sách để lĩnh hội kiến thức, tự trau dồi, hoàn thiện bản thân, từ đó hình thành một nét văn hóa tốt đẹp - văn hóa đọc. Trong thời đại 4.0, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều thư viện, nhà xuất bản cũng chủ động thích ứng với xu hướng chuyển đổi số. Nhờ vậy, văn hóa đọc ngày càng phát triển khi người đọc có thể dễ dàng tiếp cận với những cuốn sách giá trị ở mọi lúc, mọi nơi. Và cũng nhờ ứng dụng chuyển đổi số, những cuốn sách không bị bỏ quên hay biến mất trong bộn bề công việc và những trò chơi hiện đại.
Khuyến khích phát triển văn hóa đọc
Để khuyến khích phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đặc biệt, để đưa văn hóa đọc phổ biến rộng rãi hơn, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thay thế cho Ngày Sách Việt Nam. Qua đó, khẳng định vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; góp phần khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; xây dựng xã hội học tập.
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các trường học, thư viện… trên cả nước đồng loạt tổ chức ngày hội sách dành cho mọi tầng lớp nhân dân. Các hoạt động được tổ chức đồng bộ, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân khắp mọi miền đất nước cũng như các nhà xuất bản trong nước, quốc tế. Có thể kể đến các hoạt động như triển lãm, trưng bày, tuyên truyền, giới thiệu sách; vẽ tranh theo sách; xếp sách nghệ thuật; giao lưu giữa tác giả với độc giả; hội thảo, tọa đàm, trao đổi kiến thức về xu hướng đọc... Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc còn huy động được sự đóng góp, hỗ trợ cho các thư viện, tủ sách ở các địa phương còn khó khăn. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả cũng được các địa phương triển khai để phát triển văn hóa đọc.
Tại vùng biên giới Lạng Sơn, những năm qua, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân chung tay quyên góp, ủng hộ sách, tư liệu học tập, xây dựng tủ sách, không gian đọc sách, hình thành những điểm truy cập internet trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, giúp người dân có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, cách thức làm ăn, sản xuất, kinh doanh từ khắp nơi để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu...
Đưa sách đến gần hơn với người đọc, những chuyến xe thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” của Thư viện tỉnh Thái Bình đã đến nhiều trường học trên địa bàn, mang hàng nghìn đầu sách đến với học sinh nông thôn, giúp các em dễ dàng tiếp cận với sách…
Ở vùng đất Tây Nguyên, để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, tỉnh Đắk Lắk tăng cường xây dựng tủ sách pháp luật, tủ sách điểm bưu điện - văn hóa xã, tủ sách đồn biên phòng… Tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh luân chuyển sách về vùng đồng bào dân tộc…
Tại Hậu Giang, Thư viện tỉnh tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “Hành trình ánh sáng tri thức” mang sách đến vùng sâu, vùng xa bằng xe thư viện lưu động đa phương tiện.
Ngoài ra, một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… đã hình thành những “Đường sách”, “Phố sách”, mang đến điểm hẹn văn hóa cho những người yêu sách; đáp ứng nhu cầu đọc sách thường xuyên; gặp gỡ, trao đổi, giao lưu của tác giả và độc giả. Từ đó, góp phần thu hút độc giả tìm đến với sách như một cách giải trí lành mạnh thay vì những thú tiêu khiển hay những trò chơi điện tử gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, trí não…
Nhằm tôn vinh, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có những thành tích nổi bật, cách làm hay, những đóng góp tích cực trong động phát triển văn hóa đọc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc hằng năm. Phát động từ năm 2018, đến nay, sau 5 lần tổ chức, đã có 121 tập thể, cá nhân tiêu biểu được nhận giải thưởng uy tín này.
Chuyển đổi số, đưa sách gần công chúng hơn
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Thế nhưng, nước ta lại có đến 70% người dân sử dụng internet, nằm trong nhóm đầu thế giới. Để phát huy giá trị của sách, những người làm xuất bản, in phát hành đã chủ động chuyển đổi, kết hợp hài hòa thói quen của người đọc để lựa chọn sách, đưa sách đến gần hơn với họ thông qua môi trường số.
Nói về vấn đề này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định Trần Kim Kha chia sẻ: Công nghệ số là con đường ngắn nhất để đến tương lai. Công nghệ số cũng sẽ là công cụ giúp rút ngắn con đường để người đọc tiếp cận với sách. Trong bối cảnh chúng ta không đủ thời gian để đọc hết những cuốn sách vài trăm trang, nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ, người đọc hoàn toàn có thể tiếp cận với những đầu sách hay không giới hạn ngôn ngữ, không gian và thời gian.
Đây cũng chính là mong muốn của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng nhiều địa phương khi tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 và các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4. Năm nay, triển lãm, hội chợ sách online trên nền tảng số quốc gia vietnam.vn được tổ chức để phục vụ bạn đọc trong và ngoài nước. Độc giả cũng có thể mua sách thông qua sự kết nối trực tiếp giữa nền tảng số quốc gia vietnam.vn với sàn mua bán sách trực tuyến Books365.vn.
Tại nhiều địa phương, thư viện tỉnh linh hoạt tổ chức các triển lãm, hội sách trực tuyến trên các nền tảng công nghệ; Hội sách trực tiếp kết hợp với trực tuyến; Hội sách thanh toán không sử dụng tiền mặt; quảng bá sách và văn hóa đọc trên các chuyên mục báo điện tử, mạng xã hội…
Tích cực hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, tôn vinh giá trị của sách, bên cạnh các hoạt động truyền thống, năm nay, Thư viện Quốc gia tổ chức “Thư viện số” dành cho các bạn nhỏ. Thư viện có trên 10.000 đầu sách với hơn 50 ngôn ngữ khác nhau nhằm khuyến khích bạn đọc nhỏ tuổi tiếp cận với loại hình thư viện số, nâng cao kiến thức và kỹ năng, trau dồi khả năng ngoại ngữ, nuôi dưỡng thói quen đọc sách mọi lúc mọi nơi. Thư viện còn tổ chức hoạt động “Gieo mầm tri thức” kết hợp giữa đọc sách với thực hành âm nhạc, xem phim, phát triển tài năng nhằm cung cấp những trải nghiệm vui vẻ bên cạnh khám phá điều thú vị từ sách.
Thư viện tỉnh Lào Cai xứng đáng với Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI năm 2024 khi tổ chức các sự kiện, hoạt động phát triển văn hóa đọc hằng năm với quy mô lớn. Để bắt kịp với xu thế chuyển đổi số, Thư viện Lào Cai đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý người sử dụng và lưu tài nguyên thông tin, rút ngắn thời gian phục vụ bạn đọc… Công tác thông tin, tuyên truyền liên tục được đổi mới với việc trưng bày, triển lãm, xếp mô hình sách nghệ thuật bằng các hình thức trực tiếp và trực tuyến trên các kênh truyền thông: Trang thông tin điện tử, zalo, facebook, youtube Thư viện tỉnh, báo, đài Phát thanh và Truyền hình... Nhờ đó, số lượt truy cập trang Thông tin điện tử của Thư viện tỉnh đạt 652.447 lượt/năm. Riêng năm 2023, Thư viện tỉnh đã phục vụ 251.200 lượt người sử dụng, tăng 15.600 lượt so với năm 2021.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ: Trong quá trình chuyển đổi số, đang có sự xuất hiện các hình thức kết hợp giữa bản thảo truyền thống với công nghệ hiện đại như sách điện tử, sách nói, ứng dụng tóm tắt sách... Các loại hình sách mới như: Ebook, audiobook, videobook xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường xuất bản Việt Nam.
Để thích ứng với câu chuyện chuyển đổi số, nhiều nhà xuất bản đã mở thêm kênh xuất bản sách điện tử, từ thể loại lật đơn giản như sách truyền thống đến sách tương tác, sách 3D, hay gần đây nhất là sách nói…
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng gợi mở, trong thời kỳ chuyển đổi số, khi một quyển sách ra đời thì phải nghĩ ngay đến các phiên bản của nó trên Facebook, TikTok, Zalo hay phiên bản để Google tìm kiếm... Một bản sách in có thể tiếp cận được hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn người, nhưng với hình tướng ngắn gọn trên đa nền tảng thì nội dung sách có thể tới được với hàng triệu người và nhiều hơn thế nữa, giá trị của sách qua đó cũng tăng lên.
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, nhiều con số ấn tượng đã được đưa ra như: Đến hết năm 2023, cả nước đã có 21 đơn vị được cấp Giấy xác nhận hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử. Trong năm 2022 và năm 2023, tổng số doanh thu từ sách nói đã đạt khoảng 116,1 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra...