Những chiếc áo mẹ đan

Nếu như ngày nay, khi mùa đông giá rét đầy khắc nghiệt tới, trẻ nhỏ thường được khoác lên mình những chiếc áo, quần dày, đẹp đẽ và ấm áp, thì với bọn trẻ ở thời của chúng tôi, khi cái ăn còn luôn đồng hành với thiếu đói, đứt bữa, thì cái mặc cũng đâu lấy gì là đủ đầy, nếu không muốn nói là quá thiếu thốn.


Thiếu cái mặc vào các mùa khác trong năm còn đỡ, chứ không có đủ đầy quần áo vào những ngày mùa đông tháng giá thì quả là một nỗi cùng cực của khổ ải. Trẻ nhỏ chúng tôi, bố mẹ cố gắng lắm mới mua cho được một bộ, tạm gọi là tươm tất nhất để mặc đến trường, hay thi thoảng đi theo người lớn đi ăn đám cỗ mà thôi. Các bộ quần áo khác toàn là mặc thừa lại của các anh, các chị, hoặc sửa chữa lại từ quần áo của người lớn. Để chống lại thời tiết giá lạnh, mẹ tôi năm nào cũng chuẩn bị công việc đan len từ rất sớm, nghĩa là khi mới bắt đầu tiết thu mẹ đã lo đan những chiếc áo ấm cho chồng, con. 

Thời đó, len dùng để đan áo còn hiếm và đắt giá, nên mẹ hay dùng sợi để đan cho rẻ. Sợi mẹ mua theo lạng mà người ta thu lượm được từ bao bố xi măng, bao gạo, hay bao đựng bột mì..., bởi những mẩu sợi đó trước khi được đan áo, chúng thường được dùng vào việc khâu miệng bao. Khi rút từ miệng bao ra, những đoạn sợi đó được mang giặt sạch bụi bẩn cho trắng, sau đó mới ghép thành sợi dài rồi mới cuộn thành từng cuộn một theo định lượng. Loại sợi này giá thành rẻ, tuy nhiên khi đan áo, đan khăn sẽ bị hạn chế bởi nhiều khớp mấu nối, mà người đan phải khéo léo giấu những mấu nối này vào mặt trái của mảnh đan thì áo, khăn nhìn mới đẹp.

Trước mùa đông nào mẹ cũng chuẩn bị đan cho mỗi thành viên trong gia đình một thứ, không áo thì khăn. Mẹ là người rất khéo tay, đan giỏi, vì vậy mà có khi chỉ non tuần lễ là một chiếc khăn, hay độ nửa tháng là một chiếc áo hoàn thành. Tôi là út trong nhà, lại được mẹ cưng chiều hơn so với các anh chị, nên năm nào mẹ cũng đan cho tôi cả khăn lẫn áo. Áo mẹ đan thường dài tay, cổ lọ bó sát nên kể cả những hôm trời giá rét nhất tôi cũng không còn cảm nhận thấy lạnh. Đã vậy, lúc đi học ngoài đường tôi thường quàng cổ thêm chiếc khăn đan dài, vì thế mà càng thêm ấm nực người.

Vì tôi là út nên những chiếc áo mẹ đan năm này thường sang vài năm sau là không thể mặc vừa được nữa, bởi mỗi năm tôi lại lớn nhiều hơn. Chính vì vậy mà hầu như năm nào mẹ cũng phải đan áo cho tôi là vì thế. Những chiếc áo mẹ đan, khi không còn mặc vừa nữa, tôi không cho ai, mà giặt sạch sẽ rồi xếp ngay ngắn vào chiếc hòm gỗ để làm kỷ niệm. Khi tôi vào cấp 3 trường huyện, lúc này đời sống kinh tế gia đình đã khá giả hơn đôi chút, dẫu chưa thể có nhiều tiền để mua được áo bu dông, hay áo khoác đắt tiền để chống lạnh mùa đông, nhưng mẹ không còn đan sợi rẻ tiền nữa, mà chuyển qua mua len để đan. Len đan vừa nhanh, khi thành khăn, nên áo mặc lại vừa ấm, vừa đẹp. Những chiếc áo len, khăn len mẹ đan dày dặn, đẹp chẳng hề kém cạnh so với cùng sản phẩm dệt bằng máy.

Dẫu chăm chỉ đan áo để đuổi giá rét cho chồng cho con là vậy, nhưng dường như mẹ chẳng mấy khi lo cho bản thân mình. Thương mẹ, nhiều lần tôi nói mẹ đan cho mình đi mẹ, thì mẹ thường cười rồi thoái thác nói mẹ đủ áo ấm rồi!

Lại một mùa đông sắp về, và dẫu tôi sống nơi thành phố đầy đủ áo ấm, nhưng ở quê năm nào mẹ tôi cũng vẫn nhắn nhủ tôi về lấy khi thì cái áo, lúc lại cái khăn mà mẹ đan cho, bởi mẹ tôi vẫn giữ thói quen đan len cho vui tuổi già...
Trịnh Hiệp
Rộn rã Trung thu quê
Rộn rã Trung thu quê

Những cơn mưa nặng hạt từ vài hôm trở lại đây đã khiến cho bọn trẻ xóm tôi như ngồi trên… đống lửa. Đợi chờ suốt cả năm, chỉ mong cho mau đến Tết Trung thu để được cùng bạn bè đi rước đèn ông sao vậy mà trời cứ mưa thế này thì làm sao không bồn chồn, lo lắng cho được.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN