Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng - Tác giả ca khúc ‘Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai’ qua đời

Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng, tác giả ca khúc rất quen thuộc "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai" đã từ trần vào hồi 6h30 phút, ngày 20/12/2020 (tức ngày 7 tháng 11 năm Canh Tý) tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 73 tuổi.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng những ngày cuối đời bên người vợ hiền.

Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng là người cùng quê hương của Đô đốc Thượng tướng quân Phùng Phúc Kiều - Người có công khai phá vùng biển Cửa Lò - Nghệ An.

 Ông mồ côi bố từ năm lên 7 tuổi. Tuổi thơ của ông là những tháng ngày lẫm chẫm theo mẹ đi khắp mọi chốn của làng quê. Khi còn học cấp I, cấp II, ông đã biết yêu thơ, tập làm văn vần và biết biến thể cả những câu ca dao tục ngữ thành thơ của mình.

Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn đại học Sư phạm Vinh, sau đó theo học trường bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế Trường chính trị cao cấp (Moskva, Nga).

Từ năm 1972 - 1977, ông là giáo viên trung học, Phó bí thư, Bí thư tỉnh đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ Tĩnh.

Từ năm 1987 - 1991, ông là Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương.

Từ năm 1992 - 2002, ông giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam.

Từ năm 2003, ông là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em trung ương. Năm 2007, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Ngày 1/10/2009, ông nghỉ hưu trước tuổi vì lý do sức khỏe, lúc 59 tuổi. Từ đó đến nay, ông sống an vui bên người vợ hiền hết lòng chăm sóc ông, đó là nhà giáo Nguyễn Thị Ngọc Lan.

Ngoài công tác quản lý nhà nước, ông còn sáng tác thơ, viết văn cho thiếu nhi. Ông trở thành Hội viên Hội nhà văn năm 1993. Các tác phẩm chính đã xuất bản: Bé Hương và mèo con (thơ, 1989), May áo cho mèo (thơ, 1992), Khoảng trời thẫm (thơ, 1996), Chùa tiên, giếng tiên (thơ, 1997), Gọi bạn (thơ, 1999), Trẻ em và biển (thơ, 2001), Mùa thơ Hà Nội (năm 2008).

Ông đã đạt các giải thưởng trong cuộc đời cầm bút của mình: Giải thưởng thơ viết cho nhi đồng do Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCSHCM năm 1987. Giải B giải thưởng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn năm 1989 cho tập "Bé Hương và mèo con". Giải thơ báo Văn nghệ các năm 1990, 1995, 2000. Giải thưởng cuộc thi thơ báo Phụ nữ Việt Nam năm 1995. Giải thưởng cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 2001-2002.

Nghĩ về nghề văn, nhà thơ Phùng Ngọc Hùng viết: “Thơ là đời, là nghiệp, là số phận, sang trọng và thủy chung. Thơ trước hết là cho mình…”

Chú thích ảnh
Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng và con gái Phùng Lan Hương.

Ông là nhà thơ, nhà văn viết cho thiếu nhi, cả một đời sáng tác và làm những công việc gắn bó mật thiết với trẻ em. Những bài thơ trong tập thơ Bé Hương và mèo con đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với bạn đọc nhỏ tuổi, bởi ông luôn dành những tình cảm đặc biệt cho thiếu nhi:

“… Bé Hương ngồi nấu cơm

 Lọ lem vương lên mặt

Mèo con nhìn trố mắt

      Tưởng bạn nào đến chơi”.

                                                                              (Bé Hương và mèo con)

Trong cơn lốc đô thị hóa, ở thành thị cũng như nông thôn, quỹ đất phục vụ dân sinh ngày càng bị thu hẹp bởi các công trình, dự án, sân chơi của trẻ thơ bị thu hẹp, chúng không còn nhiều không gian vui chơi, trước tình cảnh ấy, nhờ thơ viết:

“ …Sân làng chia bán mất rồi

                      Trẻ con ngơ ngác đứng ngồi mà thương…”

                                                                                  (Sân làng)

Trẻ em với trí tưởng tượng phong phú và đa dạng, ông đã viết về thế giới tuổi thơ với những ước mơ, khám phá vũ trụ mênh mang ấy:

“…Ngày mai lên sao Kim

Xem có gì trên đó

Có nắng và có gió

 Có ngày và có đêm.

     Ngày mai lên sao Kim

Xem có gì trong đó

   Nếu những gì chưa có

             Thì chúng mình mang thêm…

                                                                       (Lên sao Kim)

Với tấm lòng yêu trẻ, mong muốn thế giới quan tâm đến trẻ em - vì trẻ em hôm nay là thế giới của ngày mai, nhà thơ Phùng Ngọc Hùng đã làm bài thơ “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” vào năm 1991.

Năm 1992, trong một lần Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em Việt Nam tập huấn về nghiệp vụ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho toàn quốc tại khách sạn Khăn quàng đỏ, nhạc sĩ Lê Mây tới dự. Trò chuyện cùng nhạc sĩ, nhà thơ Phùng Ngọc Hùng đã đưa bài thơ “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” vừa đăng báo ra khoe.

Nhạc sĩ Lê Mây cầm tờ báo, đọc kỹ bài thơ vài ba lần. Sau chừng 15 phút, nhạc sĩ reo lên: “Đây rồi, tôi sáng tác xong rồi”. Tối đó, ngủ lại khách sạn, nhạc sĩ Lê Mây đã phổ nhạc xong bài hát “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Sáng hôm sau, trong hội nghị tập huấn, nhạc sĩ Lê Mây đã dạy hát cho toàn thể đại biểu trong khán phòng dự tập huấn và mọi người đã hát vang bài hát này một cách say sưa. Khi đó, nhà thơ Phùng Ngọc Hùng đã lắng nghe lời bài hát được phối nhạc mà trong lòng trào dâng niềm vui khôn xiết.

Bài hát “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” đã được ca sĩ Phan Muôn cùng Đội Sơn ca Đài TNVN hát vang trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó, bài hát này nhanh chóng được thiếu nhi cả nước hát và được công chúng coi như là quốc ca của trẻ em.

Đặc biệt, bài hát “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” được tuyển chọn là một trong 50 ca khúc hay nhất của thế kỷ XX viết cho trẻ em, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Hàng năm, bài hát “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” vang lên trong Tháng hành động Vì trẻ em từ 1/6-30/6 và những hoạt động liên quan đến trẻ em. Hàng tuần, vào chiều thứ 5, bài hát đang được chọn làm nhạc hiệu cho Chương trình truyền hình Vì trẻ em.

Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng đã trở về với đất Mẹ, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, nơi ông cất tiếng khóc chào đời. Với những cống hiến vì trẻ thơ qua các tác phẩm thơ và thơ được phổ nhạc, thiếu nhi Việt Nam sẽ mãi nhớ tên ông – một nhà thơ của thiếu nhi…

Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng sinh ngày 29 tháng 12 năm 1950 (theo Kỷ yếu của Hội Nhà văn Việt Nam) tại xã Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.
Ông đã từ trần hồi 6h30 phút ngày 20 tháng 12 năm 2020 (tức ngày 7 tháng 11 năm Canh Tý) tại nhà riêng phòng 307 –N2, ngõ 40, Vạn Bảo, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP Hà Nội, hưởng thọ 73 tuổi (ông sinh 1948, theo cáo phó của gia đình).
Lễ viếng vào hồi 9h15 phút, ngày 25 tháng 12 năm 2020 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 11 giờ ngày 25 tháng 12 năm 2020, hỏa táng tại Đài Hóa thân Hoàn vũ, Văn Điển - Thanh Trì - Hà Nội.
Lễ an táng lúc 14h ngày 26 tháng 12 năm 2020, tại quê nhà, khu 8, phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, Tỉnh Nghệ An.
Phùng Hoàng Anh
Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - một nhà thơ lớn, một dịch giả tài hoa
Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - một nhà thơ lớn, một dịch giả tài hoa

Ngày 27/11, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu và những người yêu văn học cả nước cùng tiễn biệt nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - đại diện cuối cùng của phong trào Thơ Mới (1930-1945), một nhà thơ lớn, một dịch giả tài hoa, ông đã ra đi ở tuổi tròn 100.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN