Gần đây nhất, việc lên kế hoạch cho chùm 12 chương trình livestream trên nền tảng số của Cục Nghệ thuật biểu diễn và 12 nhà hát trực thuộc Bộ VH,TT&DL là minh chứng cho điều này.
Cụ thể, vào tối 14/8 tới, chương trình mang tên Ở nhà cùng vui sẽ diễn ra tại 5 đầu cầu: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng) và đầu cầu ở TP Hồ Chí Minh - tại nhà riêng của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh. Đây cũng chính là những lực lượng sẽ tham gia chương trình, để phát sóng trực tiếp trên kênh YouTube của Cục Nghệ thuật biểu diễn và nhiều nền tảng xã hội khác.
Đây được coi như số tiếp theo trong chuỗi 12 chương trình nghệ thuật online có tên "San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch" được ngành văn hóa lên kế hoạch thực hiện và hoàn thành trong năm 2021. Như chia sẻ từ những người trong cuộc, chuỗi chương trình này được kỳ vọng sẽ xây dựng một thương hiệu nghệ thuật online với nhiều format khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng trong giai đoạn phòng chống đại dịch COVID-19.
Cần nhắc lại, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên toàn quốc gần như không thể diễn ra theo cách “truyền thống” từ vài tháng qua. Trong bối cảnh ấy, mạng Internet đã trở thành hướng đi phù hợp nhất để các tiết mục đến với khán giả - vừa như một lời động viên trong những ngày giãn cách, vừa như một giải pháp để nghệ sĩ được thỏa khao khát sáng tạo của mình.
Thực tế, dù là những MV được thực hiện công phu hay những clip theo kiểu “cây nhà lá vườn”, khán giả cả nước đã trở nên khá quen thuộc với những “thực đơn” nghệ thuật này trong chuỗi ngày giãn cách. Ở đó, không chỉ có các ca sĩ, nhiều gương mặt trong những lĩnh vực tuồng, chèo, cải lương... cũng sẵn sàng nhập cuộc với các tiết mục cổ vũ chống dịch - mà trường hợp MV Bắc Ninh - Bắc Giang, niềm tin chiến thắng do Lê Thế Song soạn lời, NSND Tự Long hát quan họ kết hợp với nghệ sĩ Xuân Hồng hát cải lương đã thu hút gần 2 triệu lượt người xem là một ví dụ.
Xuất phát từ những sáng tạo - cũng như trách nhiệm công dân - của các nghệ sĩ, không có gì lạ khi chuỗi chương trình biểu diễn oline của Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình từ các đơn vị tham gia. Thậm chí, như chia sẻ của những người trong cuộc, chương trình còn kỳ vọng sẽ thu hút sự góp mặt của các nghệ sĩ đang hoạt động ở nước ngoài trong thời gian tới, để cùng chung sức trong cuộc chiến chống đại dịch bằng nghệ thuật.
Trên thực tế, trước Ở nhà cùng vui vào tối 15/8 tới, chuỗi chương trình San sẻ yêu thương cũng đã có 2 số thử nghiệm đầu tiên với các tên gọi Tổ quốc trong tim và Cháy lên. Trong đó, Cháy lên - chương trình được phát sóng trực tuyến với sự có mặt của các đơn vị Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam vào tối 1/8 - đã tạo được ấn tượng khá đậm nét.
Tại đó, dù các sân khấu “đầu cầu” không có người xem trực tiếp, những tiết mục âm nhạc, xiếc, trích đoạn sân khấu... vẫn được biểu diễn với tất cả sự nhiệt tình và cầu thị của các nghệ sĩ sau một chuỗi ngày phải tạm dừng làm nghề. Và, chỉ riêng trên kênh livestream của NSƯT Xuân Bắc - MC chương trình, con số hơn 12 ngàn lượt like, 11 ngàn lượt bình luận và gần 2 ngàn lượt chia sẻ sau hơn nửa chương trình đã cho thấy sự đón nhận tích cực của khán giả với Cháy lên trong mùa dịch.
Nhưng, như chính sự chia sẻ khá thẳng thắn của Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, những người trong cuộc vẫn luôn xác định rõ: Sự đón nhận ấy không hẳn đến từ việc chương trình quá xuất sắc. Thực tế hơn, nó gắn với việc Cháy lên xuất hiện đúng thời điểm và được làm một cách chỉn chu, không giống kiểu livestream thông thường của một cá nhân. Còn lại, những người trong cuộc vẫn cần phải nghiên cứu lại tính tương tác, cũng như phát huy sự chân thật của một chương trình biểu diễn như thế này.
Sự thực, đó cũng là những băn khoăn đang đặt ra với nhiều nhà hát - khi mà ý tưởng thực hiện các chương trình tương tự cũng đang được đặt ra ở một số đơn vị. Bởi, ai cũng rõ, thế mạnh truyền thống của sân khấu biểu diễn vẫn luôn là khả năng tương tác và tạo cảm xúc trực tiếp với khán giả đồng thời khơi gợi cảm hứng sáng tạo từ các nghệ sĩ biểu diễn. Thêm vào đó, bên cạnh những điều kiện cần thiết về âm thanh, ánh sáng và hệ thống đường truyền Internet, việc bố trí các góc quay để phần nào bù đắp được khoảng cách của người xem so với việc chứng kiến trên "sân khấu hộp" cũng là một vấn đề.
Nhưng, khi họ nhập cuộc với tâm thế của những nghệ sĩ truyền cảm hứng tới cộng đồng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, những rào cản ấy hẳn rồi cũng sẽ được tháo gỡ trong sự đồng cảm và sẻ chia từ khán giả.