Đây cũng là sự kiện trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Viêt Nam, 70 năm Hội Nhà báo Việt Nam và chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam (12/2020).
Nhà báo Phan Quang năm nay đã 92 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn, nhanh nhẹn, vẫn giữ phong thái làm việc nghiêm túc, mẫu mực của một nhà báo lão thành đa tài.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu, khách mời đã được nghe, được kể về những kỷ niệm sâu sắc, gần gũi, thân thiết với nhà báo Phan Quang, về những hoạt động sôi nổi trong lãnh đạo quản lý báo chí, trong quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè, người thân. Những câu chuyện được chia sẻ đã làm nổi bật những cống hiến to lớn của nhà báo Phan Quang với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, cũng như những đóng góp của ông trên mỗi cương vị khác nhau của một tấm gương sáng về tư cách làm báo, tư cách của người làm công tác quản lý báo chí, có công lớn trong thời kỳ đổi mới.
Trong cuộc đời làm nghề của mình, nhà báo Phan Quang đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin; nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội; nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương, nguyên Tổng Thư ký Hội nhà báo Việt Nam (khoá V), Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (Khoá VI)… và nhiều chức vụ quan trọng khác.
Nói về nhà báo Phan Quang, đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá: “Nhà báo Phan Quang là người có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam trên nhiều phương diện, cũng như đối với Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng. Nhà báo Phan Quang là một trong những nhà báo tiêu biểu hàng đầu trong lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam. Đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, nhà báo Phan Quang thực sự là một tấm gương điển hình, có tầm ảnh hưởng và lan toà nhiều giá trị nghề nghiệp, cần tuyên truyền, học tập, tri ân”.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, nhà báo Phan Quang tâm niệm: “Cuộc đời viết lách của tôi giống một cuộc hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, dù đang yêu người khác. Tôi yêu văn học nhưng lại làm báo chí, và cuối cùng trong cuộc hôn nhân lý trí này, dần dà tôi cũng tìm thấy tình yêu chân thực, và tôi đã sống hết mình, suốt đời chung thuỷ với nghề báo…”.
Hơn 70 năm cầm bút, ông đã cho ra đời 60 đầu sách thuộc nhiều thể loại; trong đó có không ít truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, các tiểu luận văn học… Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu như: Lửa hồng (truyện ngắn đầu tay năm 1949), Đất rừng (1955)…, một số sách được tái bản nhiều lần như: Bút ký “Đồng bằng sông Cửu Long”, “Một mình giữa đại dương”…
Nhà báo Phan Quang khẳng định: “Ai yêu nghề, người ấy khắc có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức báo chí bắt nguồn từ cái tâm, cái đức của người làm báo. Chúng ta vì nước, vì dân mà tác nghiệp, tránh không để tay bị nhúng chàm vì lợi vì danh - đơn giản thế thôi… Tấm lòng ta sáng, cái đức ta trong, ta tôn trọng sự thật, ta phụng thờ lẽ phải, ta viết báo vì lợi ích những người đọc chúng ta, đó là đạo đức”.