Anh miệt mài lao động, sáng tạo, tỉ mỉ từ cách làm con rối đến biểu diễn, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Trọn đời với múa rối nước
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sinh ra trong một gia đình 7 đời biểu diễn múa rối nước ở thôn Trạch (xã Nam Chấn, huyện Nam Trực, Nam Định). Cha anh là nghệ nhân Phan Văn Ngải, tác giả của thủy đình đang được hầu hết các nhà hát, các phường rối nước sử dụng hiện nay, cũng là "cha đẻ" của chú Tễu đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp). Bởi vậy, từ nhỏ, anh đã được tiếp xúc với các con rối, cách làm các đạo cụ, tình yêu với sân khấu rối nước ngày một lớn thêm.
Anh Liêm cho biết: Dù được thừa hưởng truyền thống từ gia đình nhưng để thành công trong nghệ thuật nhất định phải có đam mê, tình yêu với nghề đủ lớn mới có thể theo đuổi nó lâu dài. Đặc biệt, với nghề diễn rối nước, một nghề vô cùng vất vả, niềm đam mê ấy phải lớn hơn gấp bội.
Anh chia sẻ, thuở nhỏ anh cũng có nhiều đam mê khác. Nhưng đam mê rối nước lớn hơn tất cả. Tình yêu với môn nghệ thuật dân gian này luôn chảy tràn trong anh. Suốt cả tuổi thơ đến khi trưởng thành, Phan Thanh Liêm được theo phường nghệ thuật của cha đi biểu diễn khắp các sân khấu lớn nhỏ. Thời gian rảnh, anh tự tìm tòi, khám phá.
“Nghệ thuật không có điểm dừng. Những gì các cụ để lại, mình phải biết tiếp thu nhưng cũng phải sáng tạo thêm, không thể chỉ mãi đi theo một con đường được” - anh Liêm nói. Năm 2001, lần đầu tiên anh cho ra mắt mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ, đặt tại nhà của mình. Cả thủy đình và bể nước chỉ rộng hơn 1m2, chứa khoảng 2/3 mét khối nước, chỉ cần một người biểu diễn. Anh quyết định làm mô hình thu nhỏ bởi “múa rối nước truyền thống có nhược điểm cồng kềnh, không giống tuồng, chèo, cải lương, đứng đâu cũng diễn được. Nó rất phức tạp khi quảng bá, giới thiệu, khó tổ chức nếu tới những không gian nhỏ”. Mô hình mới gọn nhẹ hơn, thuận tiện hơn, có thể đi đến các gia đình, cơ quan, lớp học, đi lưu diễn nước ngoài.
Có lẽ bởi vậy, với mô hình mới, anh cùng với em trai của mình đã từng đi lưu diễn ở rất nhiều quốc gia như: Hàn Quốc, Canada, Thái Lan, Nhật Bản... Anh muốn mang nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình tới tất cả bạn bè thế giới; sử dụng mặt nước làm sân khấu, những con rối vô tri vô giác trở nên có hồn. Bởi đây là ngôn ngữ hình động, khán giả dù không biết tiếng vẫn có thể xem con rối biểu diễn và hiểu ý nghĩa hành động của chúng.
Nhà hát múa rối nước thu nhỏ của anh Thanh Liêm đến nay có hai cơ sở: Ngõ 260 phố chợ Khâm Thiên, quận Đống Đa và tại 22, ngõ 145, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Có mặt ở cơ sở mới nhất của anh tại phường Thạch Bàn, chúng tôi bị thu hút bởi những con rối được làm rất tỉ mỉ, công phu. Ở đây có diện tích rộng hơn, tầng một dùng để đón khách, tầng hai giới thiệu quá trình làm ra con rối, tầng ba là biểu diễn. Phòng biểu diễn có sức chứa khoảng 40 người. Những bức ảnh đánh dấu kỉ niệm lưu diễn nước ngoài, những giải thưởng giá trị, hình ảnh lao động miệt mài làm ra sản phẩm biểu diễn được trưng bày theo dọc cầu thang khiến du khách đến đây không khỏi thích thú.
Đã hơn 20 năm Phan Thanh Liêm theo đuổi mô hình rối nước thu nhỏ. “Đối tượng hướng đến khi bắt đầu làm là các em thiếu nhi, rồi đến mọi lứa tuổi. Sau này, chủ yếu là khách nước ngoài”, anh Liêm chia sẻ. Thỉnh thoảng, có nhiều đoàn là học sinh, sinh viên Việt Nam, tò mò, muốn tìm hiểu để biết yêu và gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc. Tại sân khấu nhỏ ở nhà mình, có những tháng anh tiếp đón 30 đoàn khách. Tức nghệ sĩ Phan Thanh Liêm biểu diễn tất cả các ngày trong tháng. Người nước ngoài vô cùng háo hức khi xem những con rối biểu diễn. Họ còn muốn tự trải nghiệm cách làm ra chúng. Tuy nhiên, có những tháng sân khấu mini chỉ vài tour đặt lịch.
Sự hưởng ứng của người xem là một động lực lớn cho người nghệ sĩ biểu diễn. Anh Liêm nói: “Tư nhân hay nhà nước, đáp số cuối cùng là phục vụ cho khán giả”. Nhiều lần, có những em nhỏ xem hết vở diễn vẫn không muốn về. Anh buộc phải chiều lòng, làm một vài trò nữa để các cháu xem thêm.
Không bao giờ bỏ cuộc...
Làm sân khấu biểu diễn nghệ thuật tư nhân chưa bao giờ là điều dễ dàng. Trò chuyện với anh Phan Thanh Liêm về những khó khăn đã đi qua, anh cho biết: “Nghề này không phải nghề kiếm ra tiền như những nghề khác. Mình kiếm tiền để nuôi bản thân, gia đình, rồi tái sản xuất để phục vụ khán giả. Nếu tự do bán vé mà sống là rất khó. Bán đắt người ta không mua, bán rẻ thì không đủ chi phí”. Trước mỗi vở diễn, anh luôn phải chuẩn bị công phu, bởi nếu cứ đứng giữa một không gian, thoại nhiều quá, người nghe cũng không thích. Do đó, anh phải tính toán hoạt động của con rối thì không khí buổi biểu diễn mới sôi nổi. Để làm mô hình rối nước tại nhà, anh Liêm phải tự làm đủ thứ, từ chuẩn bị ấm chén, dọn dẹp nhà cửa, đến biểu diễn trực tiếp. “Làm rối sức nước cản rất đau tay. Trước đây anh làm một tay. Bây giờ bị quá tải, phải hai tay mới làm được”, anh kể.
Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch COVID-19, phòng diễn của anh Liêm đã bỏ trống hơn ba tháng và không biết kéo dài đến bao giờ. Dẫn chúng tôi tham quan phòng biểu diễn tầng 3 tại cơ sở Thạch Bàn, anh Liêm cúi xuống gỡ từng chiếc kẹp rèm của bể nước, mấy tháng “ngủ quên”. Khó khăn nối tiếp khó khăn nhưng trên đôi môi của người nghệ sĩ này luôn nở nụ cười, bởi với anh, mọi thứ đều có giai đoạn nhất định của nó. Niềm đam mê, tình yêu với nghề diễn rối nước giúp anh không bao giờ bỏ cuộc, ngày một sáng tạo hơn, làm nhiều hơn nữa cho những giá trị để lại của cha ông.
Hơn ba tháng nghỉ dịch không phải là ngắn. Khi không có khách, anh tranh thủ làm thêm vài con rối mới, xem xét sửa chữa những con rối cũ. Thời gian này cũng giúp anh có cơ hội tìm tòi vở diễn mới, nhìn lại những kịch bản đã làm để rút ra kinh nghiệm. Từ đó, anh điều chỉnh hoạt động con rối sao cho sống động hơn, thú vị hơn.
Múa rối nước không chỉ là di sản của riêng anh, của gia đình, mà còn của cả thế giới. Người nước ngoài không mời những ban nhạc hiện đại, họ mời Phan Thanh Liêm để gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, dễ bị con người thời đại mới lãng quên.
Hơn 20 năm theo đuổi nghệ thuật múa rối nước, cái tên Phan Thanh Liêm đã có một vị trí nhất định trong lòng những người yêu nghệ thuật. Khi được hỏi về định hướng cho con trai theo nghề của bố, anh Liêm một lần nữa nhấn mạnh: “Nếu con mình có niềm đam mê thì nó sẽ theo”. Với riêng anh, ông chủ đầu tiên của rối nước thu nhỏ, chắc chắn anh sẽ làm hết mình, cống hiến tình yêu và công sức cho một nghệ thuật được cả thế giới tôn vinh.