Nói về bài thơ “đầu tay” của mình đại tá- nhà thơ Mai Nam Thắng kể: “Bài thơ đầu tiên được đăng báo của tôi là một bài thơ về chiến tranh. Có lẽ cũng vì thế mà đề tài chiến tranh và người lính cứ “đeo” mãi theo tôi đến tận bây giờ. Đó là bài thơ “Bài địa lý sáng nay” đăng ở Tạp chí
Sông Hương (số tháng 3-1979). Hồi đó, tôi là sinh viên sư phạm, khoa sử, đi thực tập ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Sáng Chủ nhật ngày 17-2-1979, khi Đài Tiếng nói Việt Nam loan tin quân Trung Quốc bất ngờ nổ súng tràn qua biên giới phía Bắc, cả nước sục sôi hướng về biên cương, sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Sáng hôm sau, trong giờ lên lớp đầu tuần bài lịch sử 3 lần đánh tan quân Nguyên, tôi đã “diễn thuyết” rất hùng hồn về những vấn đề thời sự nóng bỏng đang diễn ra trên biên giới phía Bắc. Các học trò của tôi đã lắng nghe rất say sưa và nhiều em giơ tay phát biểu rất sôi nổi. Trong hoàn cảnh đó, một tứ thơ đã vụt đến và tôi đã tưởng tượng ra đó là một giờ địa lý để gắn với những địa danh đang nóng bỏng ở biên giới và bài thơ “Bài địa lý sáng nay” ra đời:
Có những điều chưa kịp vào trang sách
Mà sao em nói rạch ròi?
Thoáng ngỡ ngàng thầy đã hiểu em ơi
Khi đất nước lại lên đường đuổi giặc
Có bài giảng nào hùng hồn, sâu sắc
Bằng những âm thanh vang dội chiến trường…”
Trong cuộc đời sáng tác của mình, cũng có lúc nhà thơ Mai Nam Thắng đã phải trăn trở rất nhiều khi đặt nặng trách nhiệm của một người lính lên trên hết, nhất là trước những hi sinh mất mát của đồng đội. 3 bài thơ về địa danh lèn Hà (Sim tím đồi Hà, Tiếng hú ở lèn Hà, Đọc ở hang Hà) thể hiện rõ sự trăn trở đó khi ông đã dùng những câu thơ của mình để “phủi bụi thời gian”, để mọi người biết tới công lao và sự hi sinh của 13 đồng đội trong một tiểu đội thông tin ở lèn Hà.
“Cả 3 bài thơ tôi viết về lèn Hà là bằng tất cả sự tri ân của mình với những người đồng đội đi trước đã ngã xuống.
Thăm thẳm Trường Sơn da thịt chưa liền
Chót vót lèn Hà tượng hình tiếng gọi
Đồng đội về đây hú tìm đồng đội
Tôi về lèn Hà hú gọi tìm tôi
Khi đến thăm nơi đây, tôi mới biết đó là 1 cái hang có 1 đơn vị thông tin bị đánh bom chết cả 13 người cùng một lúc. Và điều ngạc nhiên là tại sao nơi đây lại chưa được ai biết đến ngoài lời kể của những người dân ở đây. Bởi thế, tôi đã nung nấu ngay ý định tìm hiểu rõ về đơn vị thông tin này, thậm chí cũng phải bỏ thời gian, công sức để đi tìm nhân chứng, tài liệu về vụ đánh bom đó. Rất may là tôi đã làm được và ngay sau đó cùng với 3 bài thơ của tôi, địa danh lèn Hà đã được công nhận là di tích (5/2009) và đơn vị thông tin đó được công nhận là đơn vị anh hùng”.
Với đại tá- nhà thơ Mai Nam Thắng, đề tài chiến tranh là đề tài rất nhiều người đã khai thác, tuy nhiên mỗi người có một góc nhìn và cách thể hiện khác nhau, nhất là với những nhà thơ đã từng là lính chiến, nên nó vẫn luôn có những giá trị đặc biệt, kể cả trong thời bình.
Có lẽ bởi thế mà ông vẫn miệt mài với đề tài đó khi mới đây NXB Quân đội nhân dân lại cho ra mắt tập thơ mới của ông mang tên “Từ thuở binh nhì” nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân. Với khoảng hơn 20 bài thơ như một sự hồi cố vềmột thời kỳ đáng ghi nhớ trong cuộc đời, “thuở binh nhì” cùng những kỷ niệm “chập chững” của một anh lính mới bắt đầu binh nghiệp, đó cũng là sự nhìn lại mộtchặng đường thi ca của một người lính nặng lòng với chiến tranh, với đồng đội.
Tạ Nguyên