Nâng cao văn hóa ứng xử, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Chiều 31/12, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm “Phát huy hiệu quả việc thực hiện hai Quy tắc ứng xử, tạo tiền đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Chú thích ảnh
Tái hiện không gian sinh hoạt và kiến trúc đặc trưng của Hà Nội xưa. Ảnh minh họa: TTXVN

Từ năm 2017, thành phố Hà Nội ban hành Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trực thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Sau khi ban hành, 100% các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã triển khai trong các cơ quan, đơn vị, trường học, qua đó, đã cải thiện rõ rệt văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; góp phần cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính thân thiện. Đối với Quy tắc ứng xử nơi công cộng, việc triển khai đã góp phần xây dựng nếp sống văn minh tại các công viên, vườn hoa, các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, nhà hát, thư viện... Nhiều địa phương đã có các hoạt động thiết thực hưởng ứng thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng với các phong trào, cuộc vận động khác, xây dựng được nhiều tuyến phố xanh, sạch, đẹp.

Phó phòng Văn hóa - Thông tin quận Đống Đa Đặng Thị Tuyến cho biết, trong thời gian qua, quận Đống Đa đã lồng ghép thực hiện hai quy tắc ứng xử vào các chương trình của quận, phường, gắn với bình xét gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Quận đã treo 156 bảng Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các vườn hoa, công viên, chung cư; in các tờ Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để trên bàn làm việc; in 3.000 cuốn quy tắc ứng xử văn minh du lịch; triển khai nhiều mô hình văn hóa ứng xử... Việc thực hiện hai Quy tắc ứng xử đã thay đổi tư duy thái độ, tăng cường kỷ luật công vụ và ý thức của người dân tại nơi công cộng.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những vướng mắc trong triển khai, cụ thể như sự chuyển biến chưa đồng bộ, một số không gian công cộng sự chuyển biến chưa rõ nét, vẫn còn hiện tượng nói tục, ăn mặc không phù hợp ở nơi công cộng... Các cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để khắc phục những hạn chế trong thời gian vừa qua.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ những cách làm hay trong triển khai Quy tắc ứng xử tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Điển hình như huyện Đông Anh gắn thực hiện Quy tắc ứng xử với mô hình tang lễ văn minh, tiến bộ; mỗi năm tổ chức một cuộc thi về Quy tắc ứng xử gắn với một chủ đề cụ thể; một số quận, huyện, cơ quan gắn thực hiện Quy tắc ứng xử với xây dựng môi trường cơ quan, môi trường khu dân cư xanh, sạch, đẹp đạt hiệu quả cao...

Các đại biểu cũng đề xuất cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hình thức tuyên truyền vận động thực hiện Quy tắc ứng xử; tăng cường tổ chức các hội thi để tuyên truyền kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến... Đặc biệt, các đại biểu đều đề xuất phải có chế tài đối với thực hiện Quy tắc ứng xử để khắc phục những trường hợp thiếu ý thức trong thực hiện Quy tắc ứng xử.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, để phát huy hơn nữa hiệu quả hai quy tắc ứng xử, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần gắn tuyên truyền với các phong trào thi đua, với những cách làm thiết thực, hiệu quả. Hiện Hà Nội có 10 mô hình thực hiện Quy tắc ứng xử đang phát huy tốt, vì vậy cần nhân rộng các mô hình và cải tiến thêm nhiều nội dung, giải pháp. Bên cạnh đó, cần có chế tài khen thưởng, xử phạt. Với những quy tắc đã có quy định trong luật pháp thì đối chiếu để xử lý theo quy định nhằm tăng tính nghiêm túc trong quá trình triển khai vào cuộc sống.

Đinh Thuận (TTXVN)
Bồi đắp văn hóa ứng xử người Hà Nội
Bồi đắp văn hóa ứng xử người Hà Nội

Dù được nhắc đến nhiều, thực hiện đã lâu nhưng văn hóa ứng xử đối với người dân Hà Nội chưa bao giờ là vấn đề cũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN