Nâng cao chất lượng để phát triển bền vững phim Việt

Ngày 25/11, tại thành phố Vũng Tàu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng Phim Việt Nam trong hội nhập quốc tế”.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, việc đầu tư sản xuất những tác phẩm điện ảnh Việt Nam đã “manh nha” những tín hiệu đáng mừng, số lượng  phim điện ảnh đang phát triển “nóng” và đang là ngành vượt doanh thu Nhà nước giao. 

Chú thích ảnh
Đại biểu đại diện chủ trì tại Hội thảo phát biểu. 

Bên cạnh những điều đáng mừng, chất lượng phim là điều cốt lõi của điện ảnh Việt Nam cần được quan tâm. Để hội nhập quốc tế phải có nguồn nhân lực như đội ngũ đạo diễn, nhà sản xuất nhưng hiện nay đang khan hiếm. Các phim tham gia Liên hoan rất hạn chế, phải tìm đường riêng cho mình, không nên chạy theo phong trào. Bản sắc văn hóa Việt Nam trong phim Việt cần được đề cao thì mới hội nhập được quốc tế và điện ảnh thế giới cũng đã trải qua thời kỳ như vậy.

Thông tin từ Cục Điện ảnh cho biết, những năm gần đây, việc đầu tư sản xuất, sáng tạo những tác phẩm phim Việt đã thể hiện sự chuyên nghiệp, văn minh của đội ngũ làm điện ảnh trong cả nước. Chỉ ba năm trở lại đây, số lượng phim Việt Nam sản xuất và phát hành trên thị trường chiếu rạp có xu hướng tăng, chiếm khoảng 15% tổng số phim được phát hành tại rạp, mang về hơn 23% tổng doanh thu phim chiếu tại rạp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất phim có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập, đầu tư nước ngoài tăng lên kéo theo sự gia tăng của cơ hội việc làm cho người lao động; đồng thời cũng là động lực thúc đẩy, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Sản xuất phim được tiếp cận với công nghệ làm phim mới tạo nên những tác phẩm điện ảnh vừa có tính nghệ thuật vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.  

Bên cạnh đó, với một đội ngũ sáng tác trẻ, đa dạng trong cách thể hiện, điện ảnh Việt Nam có những màu sắc mới, nhiều phim thương mại doanh thu cao bên cạnh một số phim được đánh giá tốt về tay nghề, kỹ thuật, kỹ xảo. Những tác phẩm điện ảnh của thế hệ sáng tác mới đã có những thành công được ghi nhận tại các liên hoan phim quốc tế. 

Chú thích ảnh
Đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo. 

Hàng năm, Cục Điện ảnh thường xuyên tổ chức các Tuần phim Việt Nam tại nhiều quốc gia, nhằm giới thiệu các tác phẩm điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo tới khán giả khắp nơi trên thế giới.

Nhà báo Ngô Minh Nguyệt, Tổng Biên tập Tạp chí Điện ảnh Việt Nam cho biết, thực trạng của điện ảnh Việt Nam hiện nay nhìn một cách tổng quát có 3 mảng lớn: Một là các hãng phim Nhà nước vẫn đang trông chờ vào nguồn ngân sách để làm những phim lớn, phim kỷ niệm nhân năm chẵn, sự kiện đặc biệt hay thử nghiệm, dò tìm một phương thức tài trợ, bắt tay với tư nhân trong một mô hình mới có khả năng thu hút khán giả và thu hồi vốn mà điển hình là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Hai là sự lớn mạnh, năng động của khu vực tư nhân chứng minh xu thế xã hội hóa đã có những tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường, hình thành một lớp đạo diễn, nhà sản xuất năng động; tạo ra một lớp khán giả trẻ yêu thích đến rạp và có xu hướng ủng hộ những bộ phim Việt có chất lượng; giúp phim Việt có thêm sức sống, sự hiện diện và sức cạnh tranh trên thị trường.

Mảng thứ ba là các đạo diễn, các nhà sản xuất theo đuổi dòng phim độc lập, phim tác giả đang cố gắng định hình phong cách, ghi dấu tại các đấu trường khu vực, quốc tế.

Từ thực tế đó đã đặt ra cho điện ảnh Việt Nam nhiều thách thức. Bên cạnh nền sản xuất còn nhiều đứt gãy, thiếu liên kết, sự lấn át của phim ngoại nhập với hơn 200 đầu phim nhập về mỗi năm so với khoảng 40-50 phim nội đã đặt ra những áp lực không nhỏ. Yếu về nguồn lực, kinh phí, công nghệ, kỹ xảo, nhiều phim Việt đã thua trên sân nhà khi không thể đấu lại các "ông lớn" lắm tiền, trường lực với chiến lược PR khủng, sự đầu tư công nghệ, kỹ thuật bài bản…

Một thách thức nữa đến từ mạng lưới phát hành khi phần lớn hệ thống rạp đang nằm trong tay các nhà phát hành ngoại như CGV, Lotte cinema. Khó khăn trong sản xuất, khó khăn khi không có một mạng lưới phát hành mạnh hỗ trợ, nhiều phim Việt thua ngay trên sân nhà. Về lâu dài, tình trạng này sẽ làm các nhà sản xuất, nhà đầu tư chùn bước khi rủi ro từ thị trường khiến cho việc làm phim trở nên khó dự báo, chịu nhiều áp lực, khó khăn trong thu hồi vốn và tái sản xuất.

Nghệ sĩ Ưu tú, Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ, đáng buồn là hầu hết những nhà sản xuất phim có khả năng ở Việt Nam hiện đều học nghề từ Mỹ, Anh, Singapore hoặc Hàn Quốc. Hai trường đại học lớn góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực cho điện ảnh Việt Nam là Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội và Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh chưa có nhiều cải tiến về chất lượng, thiếu những giáo trình, những giờ học thực tế khả dĩ có thể đào tạo và cung cấp cho ngành điện ảnh nguồn nhân lực chất lượng. Bên cạnh đó, thị trường phim Việt Nam rất cần những nhà sản xuất phim được đào tạo bài bản và những người có vai trò quyết định nguồn tiền đầu tư sản xuất, trào lưu các thể loại phim, đặc biệt là cầu nối hai chiều lợi ích của Điện ảnh Việt Nam với thị trường Điện ảnh quốc tế. Ngoài ra, nhiều vị trí quan trọng trong ê kíp sản xuất phim cùng các kỹ năng nghề nghiệp khác cần được chuẩn hóa và đào tạo nghiêm túc.

Tại Hội thảo, các đạo diễn, nhà phê bình phim, những người làm phim tham dự đã có nhiều ý kiến quan tâm tới sự phát triển của Điện ảnh Việt Nam, hội nhập với điện ảnh đương đại thế giới. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về chất lượng phim Việt hiện nay, mong muốn có dòng phim chủ đạo. Nhiều giải pháp được đề xuất tại hội thảo để nâng cao chất lượng phim Việt như: đầu tư cho tài năng điện ảnh trẻ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách hỗ trợ các đơn vị điện ảnh...

Tin, ảnh: Huỳnh Sơn (TTXVN)
Khai mạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI
Khai mạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI

Tối 23/11, tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khai mạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN