Mong chờ ngày Việt Nam góp mặt tại Hội chợ nghệ thuật Seoul - Kỳ cuối

Hiện nay chúng ta mới chỉ quảng bá các sản phẩm du lịch, còn các sản phẩm văn hóa ở nước ta vẫn đang thiếu tính chiến lược trong việc xúc tiến và quảng bá chương trình nghệ thuật ra nước ngoài.

     CÁCH LÀM NGHỆ THUẬT MANG TÍNH CHUYÊN NGHIỆP CAO

Đại diện PAMS cho biết, thông qua hội chợ nghệ thuật này, Hàn Quốc mong muốn sẽ ngày càng có nhiều chương trình nghệ thuật, từ âm nhạc hiện đại như Kpop, cho đến nghệ thuật cổ truyền, nghệ thuật múa đương đại của Hàn Quốc sẽ được giới thiệu ở các nước, các Festival. Đồng thời các nhà hát ở Hàn Quốc cũng có cơ hội chọn lựa các sản phẩm nghệ thuật của các nước để giới thiệu tới với khán giả nước mình.

Có thể nói, đây là một cách làm rất hay, năng động, bởi sự giao lưu hai chiều này luôn tạo sự kích cầu và tạo ra các sản phẩm nghệ thuật gắn liền với du lịch thương mại, chứ không để cho sản phẩm văn hóa đó bị chết cứng và chỉ phục cho khán giả nội địa; đồng thời qua đó góp phần thúc đẩy mạnh du lịch và giao lưu văn hóa.

Đoàn đại biểu các nước tham dự PAM.

Trong 10 năm tổ chức Hội chợ biểu diễn nghệ thuật Seoul - Performing Arts Market in Seoul, Hàn Quốc cũng đã xây dựng được một mạng lưới trong việc quảng bá, giới thiệu văn hóa cùng với du lịch, thương mại. Có một số chương trình nổi tiếng của Hàn Quốc như Nanta Cooking đã trở thành chương trình nổi tiếng có thương hiệu toàn cầu, hiện nay cùng lúc có tới 3 đoàn nghệ thuật của Nanta Cooking đi lưu diễn khắp thế giới. Hay những chương trình ca nhạc Kpop hiện nay xâm chiếm cả châu Âu. Rõ ràng bài học về quảng bá, xúc tiến thương mại là bài học rất bổ ích cho Việt Nam.

Trong chuyến tham gia PAMS này, đoàn Việt Nam đã được học hỏi cách quảng bá văn hóa này của Hàn Quốc; đồng thời được thăm quan các thiết chế văn hóa có tính chất tiêu biểu như Seoul Art Center và Doosan Art Center, là những Trung tâm biểu diễn nghệ thuật mà có rất nhiều mô hình biểu diễn cùng hoạt động một lúc; điều mà Việt Nam đang thực sự thiếu vắng.

Hiện nay chúng ta mới chỉ có những rạp hát phục vụ cho một loại hình nghệ thuật, một chương trình biểu diễn; mà thiếu những địa điểm tương tác có tính chất, quy mô mở rộng hơn, những địa điểm đa năng về mặt nghệ thuật. Đây thực sự là điểm còn thiếu trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa trong tương lai của Việt Nam; mà nếu làm được, chúng ta sẽ đẩy hoạt động văn hóa lên một bước, đồng thời thể hiện  sự bài bản và chuyên nghiệp hơn trong chiến lược phát triển văn hóa.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam mới chỉ có các Festival nghệ thuật, mà chưa tổ chức được các Hội chợ nghệ thuật như đã đầu tư tổ chức Hội chợ quảng bá sản phẩm du lịch. Nên chăng chúng ta cũng nên bổ sung thêm một hình thức vào trong việc xúc tiến du lịch, văn hóa của mình, đó là tham gia giới thiệu các sản phẩm nghệ thuật trong các hội chợ để quốc tế, qua đó có cơ hội nhiều hơn trong việc đưa các sản phẩm văn hóa của Việt Nam đến với thế giới. Hiện nay chúng ta mới chỉ quảng bá các sản phẩm du lịch, còn các sản phẩm văn hóa ở nước ta vẫn đang thiếu tính chiến lược trong việc xúc tiến và quảng bá chương trình nghệ thuật ra nước ngoài. Đây thật sự là một lỗ hổng lớn.

Hãy thử nhìn cách làm của Hàn Quốc, ngay với Việt Nam, họ cũng đã có chiến lược để quảng bá văn hóa. Hàn Quốc từng tham gia các chương trình quảng bá nghệ thuật như Festival carnaval Hạ Long, Festival Huế; họ cũng đã biết đến các Lễ hội chè quốc tế ở Thái Nguyên, Lễ hội du lịch biển Nha Trang và rất mong muốn có cơ hội tham gia các Festival nghệ thuật được tổ chức có tính chất định kỳ đương đại như “Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa”  tại Hà nội và các chương trình nghệ thuật lớn ở TP Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, giới trẻ Việt Nam cũng đã được biết đến thể loại âm nhạc hiện đại như K-pop của Hàn Quốc, nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng của Hàn Quốc mà Việt Nam chưa được biết đến. Bởi vậy, việc thúc đẩy giao lưu giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng rất nên được đẩy mạnh, để có thể giới thiệu thêm về nghệ thuật Hàn Quốc cho khán giả Việt Nam; đồng thời ngược lại đưa văn hóa, nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đến với công chúng Hàn Quốc. Một việc có thể làm ngay là tham gia tích cực hơn vào Hội chợ nghệ thuật Seoul - Performing Arts Market in Seoul  những năm tới. Rất hy vọng, trong tương lai gần, sẽ có các chương trình nghệ thuật của Việt Nam được PAMS lựa chọn tham gia biểu diễn hoặc giới thiệu tại hội chợ nghệ thuật này.

Trương Nhuận (Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ)
Mong chờ ngày Việt Nam góp mặt tại Hội chợ nghệ thuật Seoul  - Kỳ 1
Mong chờ ngày Việt Nam góp mặt tại Hội chợ nghệ thuật Seoul - Kỳ 1

LTS: Đoàn đại biểu Việt Nam, do giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận cùng bà So yang Kim - đại diện của Trung tâm giao lưu Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội vừa tham dự Hội chợ nghệ thuật Seoul 2015 - Performing Arts Market in Seoul 2015 (PAMS) trở về. Giám đốc Trương Nhuận đã chia sẻ những ghi nhận riêng cho báo Tin Tức về chuyến đi nhiều ấn tượng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN