Giữ trọn tình yêu với kịch hát dân tộc
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang tên thật là Nguyễn Thế Khoán, sinh năm 1917 trong một gia đình yêu nước dòng dõi khoa bảng ở Bình Định. Từ năm 5 tuổi, cậu bé Nguyễn Thế Khoán đã làm quen với những nhân vật nổi tiếng của sân khấu tuồng cổ như Tiết Cương, Trương Phi, Địch Thanh, Đổng Kim Lân... Bộ môn nghệ thuật độc đáo này đã theo ông suốt thời niên thiếu, trong cả những tháng năm lên thành phố Quy Nhơn học.
Trong kháng chiến chống Pháp, Mịch Quang là cán bộ tuyên văn trung đoàn 94 ở Liên khu 5. Từ năm 1954, ông tập kết ra Bắc, hoạt động trong nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật. Sớm tiếp thu những tinh hoa văn hóa truyền thống của quê hương cùng với những sáng tạo không mệt mỏi, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã có nhiều đóng góp có giá trị trên 2 lĩnh vực: nghiên cứu và soạn giả sân khấu.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, con gái của soạn giả Mịch Quang từng tâm sự rằng 5 chị em trong gia đình không ai hiểu hết giá trị những công trình mà người cha kính yêu đang theo đuổi. Họ chỉ biết rằng cha mình luôn dành trọn tâm sức cho công việc sáng tác, nghiên cứu. Một đời cha không biết đến gì khác ngoài nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật tuồng.
“Những kịch bản của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang sáng tác từ ngôn ngữ đến cấu trúc, hình tượng nhân vật được ông đầu tư rất công phu, đặc biệt là nhân vật người phụ nữ. Điểm mạnh của Mịch Quang là ông biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa những mảng miếng, trò diễn của Tuồng truyền thống như “Thượng thành”, “Qua ải”, “Ngũ biến”... để nâng lên làm bà đỡ cho các lớp trò”- Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ghi nhận.
Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam khẳng định rằng: nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang như một biểu tượng về sự trường tồn của nghệ thuật dân tộc. Khoảng 30 năm trở lại đây, ông liên tục cho công bố những công trình quan trọng nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, như “Đặc trưng nghệ thuật tuồng”, “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc”, “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”, “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”, “Thanh gươm hát bội”, “Giấc mộng hồ hoa”, “Bà mẹ làng Sen”, “Tên sát nhân và nhà tu hành “, “Đời tôi trong nghệ thuật”... Trong cả cuộc đời của soạn giả Mịch Quang, thời gian dành cho sự nghiệp nghiên cứu nghệ thuật dân tộc và sáng tác kịch bản Tuồng có lẽ gần như chiếm trọn số tuổi đời ông.
Đặt nền móng cho lý luận sân khấu
Mê tuồng từ nhỏ, lại được chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã biến những điều đó thành tư liệu sáng tác; sau này, nhiều sáng tác trong đó trở thành giai thoại của sân khấu Việt. Đặc biệt, công trình lý luận nghiên cứu đầu tiên về kịch hát dân tộc "Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật tuồng" hoàn thành năm 1963 mang lại hiệu ứng tích cực, thúc đẩy ông tiếp tục viết công trình "Đào Tấn nhà soạn tuồng kiệt xuất". Những trang viết đầu tiên cho tập sách "Đặc trưng nghệ thuật tuồng" cũng lần lượt hình thành trong khoảng thời gian này cùng hàng loạt vở tuồng thành công khác như "Chị Ngộ", "Má Tám", "Hộp truyền đơn"...
Khi vợ mất, các con trưởng thành, về hưu, ông vẫn giữ thói quen cũ, sống lặng lẽ, thanh bạch và miệt mài nghiên cứu. Những sáng tác, công trình của ông, dù được đánh giá cao nhưng không phải là nguồn kinh tế chủ lực để chăm lo cho gia đình. Những khó khăn của cuộc sống, sau nhiều lần chuyển nhà, nhiều tư liệu, sáng tác của Mịch Quan đã bị thất lạc. Đây là điều con cái trong gia đình tiếc nuối nhất tới tận bây giờ vì luôn biết rằng gia tài mà ông niu trân quý là sách, các sáng tác, công trình nghiên cứu.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ khẳng định: với các công trình nghiên cứu của mình, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang là một trong những người mở đường, đặt những viên gạch đầu tiên và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng lý luận sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống. Ông là nhà nghiên cứu Việt Nam đã nêu ra một số lý thuyết có tính phổ quát được giới nghệ thuật học quốc tế quan tâm. Nhờ các công trình nghiên cứu và hơn 80 tiểu luận đăng trên các tạp chí của Mịch Quang, khát vọng xây dựng hệ thống lý luận cơ bản của nghệ thuật dân tộc, phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc từng bước được hiện thực hóa.
Đến nay, nhiều phát hiện, khám phá về nghệ thuật truyền thống dân tộc của Mịch Quang đã trở thành tài sản chung của giới nghệ thuật học dân tộc. Các khái niệm như “hiện thực tả ý”, “phương pháp mô hình hóa”, “sân khấu tổng thể tích hợp”, “tự sự kịch tính trữ tình”, “cấu trúc động mở” hay các phạm trù mỹ học dân tộc như “cái hùng”, “cái hậu”, “cái nhu” do Mịch Quang tổng kết đã được các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc có uy tín cùng nhiều nhà nghệ thuật học thế hệ sau vận dụng và phát triển.
Nói về nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc cho rằng mình đã tìm thấy cảm hứng và thích thú, kính phục “lão tướng Tuồng” Mịch Quang trong suy nghĩ, lý giải những vấn đề "hóc búa" ở mỗi công trình. Các công trình của Mịch Quang từ lý luận đến các vở tuồng đều mang tính phản biện rất cao và ông luôn là người phát hiện vấn đề. Đây chính là yếu tố quan trọng đã đưa Mịch Quang thành "đại bút" trong ngành nghiên cứu nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại.
Kết quả nghiên cứu của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang được công nhận không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Chính từ các kết quả này, một nhịp cầu nối mới đã hình thành, đưa tên tuổi của soạn giả Mịch Quang đến với nhiều nhà nghiên cứu có uy tín trên thế giới. Đặc biệt, tiểu luận "Cấu trúc động mở, đặc thù quán triệt âm nhạc dân tộc Kinh" còn được Giáo sư, Tiến sĩ Terry Miller, Đại học Kent (Hoa Kỳ) ví von như "một tiểu luận khai phóng trí tuệ".
Ở trong nước, các sáng tạo nghệ thuật, đóng góp về mặt nghiên cứu của soạn giả Mịch Quang cũng đã được ghi nhận bằng rất nhiều giải thưởng qua các kỳ liên hoan, hội diễn. Ông cũng đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật trong các năm 2001 và 2017.