Đối với họa sĩ trẻ Mai Xuân Bách, năm 2022 được coi là một năm của các sự kiện và những chuyến đi đáng nhớ, đánh dấu bước đầu thành danh trong làng hội họa Pháp. Tháng 6/2022 tại thủ đô Paris, cùng tác giả kịch bản Maxime de Lisle, Mai Bách cho ra mắt cuốn truyện tranh "Le Passage intérieur- Voyage essentiel en Alaska", tạm dịch là "Inside Passage, chuyến thám hiểm không thể bỏ qua ở Alaska" và tổ chức triển lãm 25 bức tranh nguyên gốc, được chọn trong bộ sưu tập tranh của cuốn truyện nói trên. Tiếp đó là những chuyến đi ký tặng sách đáng nhớ tại các hội chợ sách ở các tỉnh thành phố của Pháp như Saint-Malo, Lorient, Nantes, Bordeaux, Nanterre…
Với một họa sĩ trẻ mới ra trường, đây quả là một sự khởi đầu xuôn xẻ, đặc biệt trong bối cảnh lập nghiệp tại một môi trường vốn được coi là chiếc nôi của văn hóa và nghệ thuật thế giới gắn với nhiều tên tuổi nổi tiếng.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp về quá trình đến với hội họa của con trai, ông Mai Văn Viện cho biết : “Khi cháu 2 tuổi, bố mẹ đã phát hiện thấy cháu có năng khiếu về vẽ. Cứ thấy giấy bút là cháu cầm lên vẽ, và đường nét khi đó đã thể hiện một thiên hướng về hội họa. Đến 10 tuổi, Bách đã có thể vẽ những câu chuyện bằng tranh, mô tả những chuyến đi chơi của gia đình và các hoạt động ở trường lớp của mình”.
Dù trong nhà không có ai đi trên con đường nghệ thuật, nhưng Mai Bách luôn được gia đình tạo điều kiện để đến với hội họa, đặc biệt là ông ngoại luôn động viên để Bách theo đuổi đam mê nghệ thuật.
Sau khi tốt nghiệp cấp III, năm 2012, Mai Bách đã đăng ký thi và đỗ vào Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nhưng chỉ theo học ở đó một năm. Cậu sinh viên trẻ Mai Bách, với mong muốn đến những nơi có điều kiện phát triển cao hơn, đã lựa chọn Pháp là điểm đến để theo đuổi con đường học vấn về nghệ thuật của mình. Giải thích về sự lựa chọn này, Mai Bách cho biết: “Pháp là tâm điểm nghệ thuật ở châu Âu với rất nhiều bảo tàng văn hóa và nghệ thuật nổi tiếng, và nhiều sự kiện, chương trình liên quan đến các lĩnh vực nghệ thuật được tổ chức hàng năm. Đây là điều kiện tốt để mọi người có thể giao lưu và hỏi lẫn nhau, và cũng là một nơi lý tưởng để sinh viên quốc tế thực hiện ước mơ tìm hiểu nghệ thuật của mình”.
Năm năm theo học ở hai trường nổi tiếng ở Pháp là Đại học mỹ thuật ứng dụng và Học viện nghệ thuật truyện tranh Delcourt đã giúp cho anh có một hành trang nho nhỏ, đủ để tự tin dấn thân và môi trường nghệ thuật ở Pháp, nơi có nhiều họa sĩ thế giới đã thành danh từ đây.
Nói về quá trình học tập trên đất Pháp, Mai Bách tâm sự rằng anh gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất khi đến Pháp học, chính là những rào cản về ngôn ngữ, khiến anh phải luôn cố gắng đề trau dồi tiếng Pháp, vì đó là phương tiện quan trọng để có thể tiếp thu kiến thức nghệ thuật nói riêng và văn hóa Pháp nói chung. Bù lại, nước Pháp tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các bạn trẻ theo học, với những chương trình ưu đãi và các hệ đào tạo phù hợp với sinh viên quốc tế, giúp họ có thể tiếp cận tốt hơn văn hóa và nghệ thuật Pháp.
Thành công từ tác phẩm đầu tay
Kể chuyện bằng tranh là đam mê từ nhỏ và cũng là lĩnh vực anh lựa chọn để khởi đầu sự nghiệp của mình. Theo Mai Bách, truyện tranh là ngành nghệ thuật ra đời muộn, được ví như là nghệ thuật thứ 9. Vì ra đời sau nên nó có sự tổng hoà của một số bộ môn nghệ thuật ban đầu như nghệ thuật thứ 3 hay còn gọi là nghệ thuật thị giác bao gồm tranh và họa hình, nghệ thuật thứ 5 là văn học và thi ca. “Ra đời muộn nên truyện tranh cũng còn nhiều khía cạnh chưa được khai thác hết và tôi rất muốn tìm tòi thể nghiệm những tiềm năng của nó, từ việc kể chuyện cho đến cách sử dụng hình ảnh thật độc đáo”, anh tâm sự.
Năm 2019, được các thầy giáo đánh giá cao, tin tưởng và giới thiệu, Mai Bách đã gặp và cùng phối hợp với tác giả kịch bản Maxime de Lisle để cho ra đời cuốn truyện tranh đầu tay của cả hai bạn trẻ: "Le Passage intérieur- Voyage essentiel en Alaska". Đây cũng là lần đầu tiên một tác phẩm truyện tranh đầu tay của một họa sĩ trẻ Việt Nam được chào đón ở thị trường truyện tranh Pháp, một trong những quốc gia xuất bản và tiêu thụ nhiều truyện tranh nhất thế giới.
Nói về người bạn đồng hành với mình, tác giả kịch bản Maxime de Lisle cho biết anh rất thích phong cách vẽ tranh của Mai Bách và đó là lý do họ đã làm việc cùng nhau để tạo nên tác phẩm. Theo Maxime, phong cách vẽ của Mai Bách “hoàn hảo, siêu thực tế, đầy năng động, có thể khơi dậy được nguồn năng lượng của Alaska”.
Thầy dạy vẽ của Mai Bách, ông Derian Eric, giảng viên Học viện nghệ thuật truyện tranh Delcourt đánh giá cao thành công của cậu học trò hiền lành, hơi có phần nhút nhát đến từ Việt Nam. Ông cho biết việc một tác phẩm truyện tranh đầu tay của họa sĩ trẻ mới vào nghề được trưng bày tại một phòng tranh nổi tiếng ở trung tâm Paris không chỉ là niềm tự hào của cá nhân Mai Bách mà còn là niềm vui của những người đào tạo.
Còn cha của anh, ông Mai Văn Viện, thì không giấu nổi niềm tự hào khi ông bày tỏ sự “ngỡ ngàng trước kết quả ban đầu của Bách và vui mừng khi được chứng kiến đam mê của con bước đầu đã có những thành công”.
Dù truyện tranh là đam mê đặc biệt, nhưng Mai Bách cũng chú ý đào sâu tìm hiểu các lĩnh vực khác của hội họa vì theo anh, đó là những nền tảng tốt để có thể kết hợp với nhau, tạo ra những tác phẩm độc đáo của mình.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, anh cho biết sẽ tổ chức một số triển lãm tại các cuộc liên hoan truyện tranh tại Pháp và tiến hành thực hiện một số dự án sáng tác truyện tranh tiếp theo. Với mong muốn đem truyện tranh của mình đến với độc giả nơi quê nhà, Mai Bách đã đề xuất với nhà xuất bản ở Pháp tìm kiếm cơ hội để làm việc với các đối tác ở Việt Nam.
Chúc cho họa sĩ trẻ người Việt sẽ tiếp tục gặt hái thành công trên còn đường sự nghiệp của anh, thành danh ở một nơi được ví như kinh đô của văn hóa, nghệ thuật và hội họa thế giới và từ đó mang thành quả về quê hương Việt Nam để đồng bào có thể được thu hưởng tài năng của họa sĩ trẻ Mai Bách.