Lo dân ca Nam Bộ bị lấn át


Trong thời kỳ hội nhập, âm nhạc truyền thống nói chung, dân ca Nam bộ nói riêng, đang bị lấn át bởi nhiều dòng nhạc khác, điều này tạo ra mối lo ngại lớn đối với các cấp lãnh đạo, những nhà nghiên cứu. Vì lẽ đó, có nhiều người cho rằng, có một việc nếu không làm được ngay, đó là “Bảo tồn và phát huy vốn dân ca Nam bộ” trong đời sống âm nhạc ngày nay, thì dân ca sẽ bị mai một dần. Và như thế đồng nghĩa với việc, người dân Nam bộ sẽ mất hẳn đi một phần vốn quý văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, để công tác “Bảo tồn và phát huy dân ca Nam bộ” thật sự lan tỏa cần có những cách làm hiệu quả hơn nữa.

Dân ca Nam Bộ đã mang đến sự thành công cho ca sĩ Cẩm Ly



Bảo tồn và phát huy chưa tích cực

Mục đích của công tác sưu tầm là tìm kiếm, phát triển những làn điệu dân ca đặc sắc độc đáo của các dân tộc và vùng miền khác nhau còn tiềm ẩn trong dân gian. Nghiên cứu bảo quản những tư liệu quý giá là tiến hành đưa vào ứng dụng trong công tác đào tạo, biểu diễn sáng tác và nghiên cứu. Thế nhưng đến nay, công tác sưu tầm và nghiên cứu chỉ mới dừng lại ở việc bảo tồn một cách khép kín.

Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng - giảng viên Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh tâm sự: Trước đây, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang cùng nhóm nghiên cứu của mình đã bỏ nhiều công sức để sưu tầm các bài hát dân ca chưa được biết đến khắp Nam bộ thế nhưng những tư liệu mà hai người tìm thấy lại không được công bố rộng rãi. Ngay cả những nghệ sĩ trong nghề cũng rất khó tiếp cận với những tư liệu quý giá này. Nhiều lần chúng tôi lên Phân viện nghiên cứu (nghiên cứu về văn hóa trước đây, nay đã được đổi tên khác) tìm tài liệu để nghiên cứu, nhưng không phải lúc nào cũng mượn được. Do đó, những nghệ sĩ, nhạc sĩ thế hệ sau không có cơ hội được tiếp xúc với những làn điệu mới được khám phá, sưu tầm; dẫn đến, những sáng tác của nhiều nhạc sĩ trẻ chỉ mãi lẩn quẩn với làn điệu dân ca cũ. Không những thế, một số nghiên cứu về dân ca sưu tầm được chỉ mới được ứng dụng vào giảng dạy ở một số trường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Có nhiều phương pháp để phát huy dân ca như: đặt lời mới theo giai điệu cũ; sáng tác những ca khúc mới mang âm hưởng dân ca; thành lập nên những đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp… Những cách làm này ban đầu đã thực hiện rất đúng mục đích bảo tồn, nhưng càng về sau, càng vấp phải những sai lầm đáng tiếc. Chẳng hạn: cải tiến ca từ, giai điệu làm mất đi sự trong sáng của dân ca; những buổi biểu diễn nặng về tính thương mại….

Tiến sĩ Bá Xuân Phụ - Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhận định: Chúng ta chưa làm được bao nhiêu trong công việc tìm lại, giữ gìn và phát huy kho tàng quý báu dân ca Nam bộ. Nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết thuộc về các nhà quản lý, thiếu nhất quán về mặt nhận thức; nguồn lực kinh phí cho đầu tư phát triển dân ca chưa được đầu tư đúng mức, dẫn đến đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả; cũng như chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chính quyền và cơ quan truyền thông (truyền hình, đài phát thanh). Hậu quả, những bài hát dân ca thường được phát sóng vào những giờ mà mọi người đều đi làm...

Những giải pháp mang tính cấp thiết

Vấn đề đặt ra là, các sở, ban, ngành liên quan đến văn hóa nghệ thuật phải có những việc làm cụ thể, thiết thực để phát triển âm nhạc dân tộc nói chung dân ca Nam bộ nói riêng. Công việc này cần được cụ thể hóa bằng chỉ đạo của cơ quan, ban, ngành, chứ không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, nghiên cứu. Đây là công việc đòi hỏi thời gian và nhất thiết phải có kế hoạch để từng bước thực hiện một cách hữu hiệu.

Nghệ sĩ Hải Phượng chia sẻ: Những năm trước đây, khi Giáo sư Lưu Hữu Phước là Viện trưởng Viện nghiên cứu âm nhạc miền Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư đã rất tâm huyết về chương trình đưa âm nhạc dân tộc vào trong trường học và đã có nhiều khóa giảng dạy cho các em ở trường tiểu học Triệu Thị Trinh (Thành phố Hồ Chí Minh). Chương trình đã tạo ra sự chuyển biến rất lớn trong nhận thức của các em nhỏ về dân ca. Rất tiếc, do nhiều điều kiện khách quan, chương trình này đến nay không còn có thể tiếp tục được nữa. Nên chăng, sắp tới, chúng ta sẽ phát động lại chương trình này? Hiện tại, chúng ta cũng chưa có bảo tàng cho âm nhạc truyền thống, để lưu lại những gì gọi là di sản trong âm nhạc. Do vậy, nên có một bảo tàng để lưu giữ những làn điệu dân ca đã được các nhà nghiên cứu sưu tầm được. Cho phép mọi người đến tham quan, tìm hiểu. Song song đó, tại bảo tàng sẽ dựng lại những không gian sinh hoạt ngày xưa như chèo thuyền, đi cấy…. Những hoạt cảnh này gắn liền nội dung bài hát để thông qua đó, mọi người (đặc biệt trẻ em) hiểu rõ nội dung bài hát hơn.

Ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm: Sở đang chỉ đạo Nhà hát ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen (đơn vị trực thuộc Sở) từ nay đến tháng 12/2011 phải đưa ra được Chương trình biểu diễn dân ca, nhằm từng bước giới thiệu rộng rãi đến quần chúng. Từ bây giờ nhà hát sẽ bắt tay vào việc lập kế hoạch đưa dân ca vào học đường (thời gian, địa điểm trường, chọn lọc những bài hát dân ca phù hợp…). Cách đưa như thế nào thì Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Giáo dục Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cùng nhau bàn bạc cách tiến hành. Và nhất thiết, trong việc đưa dân ca vào học đường phải có sự đóng góp của các nhà nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu sẽ trực tiếp tham gia vào các tiết học nhạc dân ca, để diễn giải cho các em về ý nghĩa bài hát. Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp với Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, tiếp tục tìm kiếm những nghệ nhân còn lưu giữ những bài dân ca xưa để ghi hình, làm tư liệu, nhằm phát sóng trên truyền hình vào những thời điểm phù hợp…/.

Lan Phương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN