Giải đấu hay nhất thế giới? Hay một cuộc đua chỉ có hai ngựa? Tạp chí bóng đá Four Four Two lý giải tại sao sự thống trị của Barcelona và Real Madrid Madrid ở Liga có thể hủy hoại giải đấu vẫn được tô vẽ là hấp dẫn bậc nhất hành tinh này.
Lời thú nhận của Manuel Pellegrini
Mùa trước, Real Madrid đã từng hủy diệt Malaga 7-0 ở Bernabeu. Bạn có thể nghĩ rằng điều đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì nó chỉ là sự tiếp nối của một chuỗi những chiến thắng khủng bố kiểu như thế. Madrid đã trút tám bàn vào lưới Almeria, sáu bàn vào lưới Sevilla và Valencia, năm bàn trước Bilbao. Barcelona cũng thế. Họ đè bẹp Almeria 8-0, và dưới thời huấn luyện viên Pep Guardiola, thì 5-0 là tỉ số xuất hiện nhiều thứ hai trong các trận của Barcelona, thậm chí còn thường xuyên hơn các kết quả 1-0 hoặc 2-1.
Nhưng mọi chuyện không chỉ đơn giản như thế. Sau thảm bại, huấn luyện viên của Malaga, ông Manuel Pellegrini (và cũng là người tiền nhiệm của ông Jose Mourinho), tiết lộ rằng ông đã chấp nhận rằng cuộc đối đầu với Real Madrid là một trận đấu... vứt đi. Pellegrini đã chọn đội hình B, vì cảm thấy đội bóng của ông không hề có cơ hội chiến thắng: “Cuộc chiến của chúng tôi không nằm ở đó, mà sẽ đến vào cuối tuần kia”. Cuối tuần ấy, họ gặp Osasuna. Malaga tiếp tục thua và cơn mưa chỉ trích lại rơi xuống đầu ông Pellegrini. Những lời thú nhận trước đó bị coi là một thứ ngụy biện màu mè cho thảm bại. Tuy nhiên, vứt đi một trận đấu mà bạn không thể thắng có phải là một ý tưởng tồi?
Không thể thắng, thì đừng có thử, tinh thần của Pellegrini là như thế đấy. Và bất chấp những lời chỉ trích nhắm vào huấn luyện viên người Chile, vẫn có một người đứng ra bảo vệ ông. Trên kênh radio Onda Cero, cựu huấn luyện viên của Real Zaragoza, Jose Aurelio Gay, thậm chí còn cho rằng điểm khác biệt duy nhất giữa ông Pellegrini và các huấn luyện viên khác ở Liga chính là việc huấn luyện viên người Chile dám... nói thật. “Tôi đảm bảo rằng mọi huấn luyện viên khác ở Liga đều nghĩ đúng như thế” - ông Gay bảo. Cũng theo ông, các đội còn lại ở Liga thường sử dụng đội hình yếu hơn thường lệ trong các cuộc chiến chống lại Real Madrid và Barcelona để tránh nguy cơ chấn thương và thẻ phạt.
Với nhiều siêu sao như Lionel Messi, Barcelona là một thế lực cực lớn tại Liga- Ảnh Getty
Những gì mà ông Gay tiết lộ rất đáng để lưu tâm. Ông đã từng trải qua cảm giác bị Real Madrid và Barcelona vùi dập. Tháng 3/2010, Barcelona đè bẹp Zaragoza, khi ấy được dẫn dắt bởi Gay, trong một trận đấu mà Lionel Messi đã lập hat-trick. Sau đó, ông bảo rằng Messi chính là cầu thủ hay nhất mà ông từng được chứng kiến. Vài tháng sau, đội bóng của Gay lại bị Real Madrid tàn sát, và lần này, ông lại khen lấy khen để Cristiano Ronaldo.
Những lời thú nhận của Gay không có nghĩa là ông cho rằng các đội khác ở Liga là thứ rác rưởi. Nếu thật sự tồn tại một cuộc đua song mã, thì cũng không có nghĩa là phần còn lại chỉ là những chú lừa khốn khổ. Nhưng sự thống trị của Real Madrid và Barcelona thực sự đang đe dọa đến tương lai lâu dài của Liga.
Liga là của riêng Real Madrid và Barcelona
“Esta no es nuestra liga”, tức “Liga không phải là của chúng ta”, biến thành một câu “thần chú” quen thuộc của phần còn lại ở Liga. Phải, họ có thể ngồi chung mâm với Real Madrid và Barcelona, nhưng họ không bao giờ chơi bóng để giành chức vô địch, như 2 thế lực siêu cường kia.
Những người theo phe ủng hộ một Liga “dân chủ” có thể chỉ ra rằng Deportivo đã đăng quang vào mùa 1999-2000, Valencia cũng đã giành hai chức vô địch vào các mùa 2001-2002 và 2003-2004, hay việc Real Sociedad suýt chút nữa đã lên ngôi vào mùa 2002-2003, hoặc tương tự là Sevilla, đội về thứ ba mùa 2006-2007. Hơn thế, ngay cả một giải đấu hàng đầu châu Âu lẫn thế giới khác là Premier League cũng bị đặt dưới sự thống trị của ba thế lực nổi bật là Manchester United, Arsenal và Chelsea. Vậy thì Liga có cần phải rên rỉ vì sức mạnh của Real Madrid và Barcelona?
Câu trả lời: Nỗi sợ hãi không nằm ở chỗ Real Madrid hay Barcelona thường xuyên giành chức vô địch, mà nằm ở một thực tế là dường như chỉ có họ là có khả năng vô địch, với sự áp đảo kinh khủng trong các trận đấu với phần còn lại ở Liga. Vì thế, các cây bút bình luận Liga cho rằng nên so sánh giải Tây Ban Nha với giải vô địch Scotland, hơn là Premier League. Tại Anh, dù mùa bóng này được xem như cuộc đua tam mã giữa hai đội bóng thành Manchester và Chelsea, nhưng Liverpool đang trở lại, và Arsenal, với nền tảng rất vững chắc, chắc chắn sẽ trở lại. Còn cả Tottenham, đội từng đánh bại cả hai đối thủ kể trên.
Quay lại với Liga: Mùa 2009-2010, Real Madrid đã phá kỷ lục về điểm số của chính họ ở Liga, nhưng vẫn không thể đăng quang với 99 điểm. Mùa trước, Real Madrid đạt 90 điểm, nhưng một lần nữa lại về nhì. Họ đã ghi 102 bàn. Có năm đội, xin nhấn mạnh là cả một đội bóng, không ghi nhiều bàn bằng một mình Ronaldo, và cầu thủ người Bồ Đào Nha cũng chỉ ghi ít hơn một bàn so với ba đội bóng khác ở Liga.
Hai năm trước, Pep Guardiola đã phải văng tục khi nói về số điểm kinh khủng của Real Madrid và Barcelona giành được: “Dã man đ*ch tưởng”. Mùa trước, Valencia - đội về thứ ba ở Liga - thua kém á quân Madrid những 21 điểm, dù thậm chí, đó có thể xem như một sự... tiến bộ so với mùa giải trước đó. Chưa thể bì với giải Scotland, với khoảng cách giữa đội thứ ba Hearts và nhà vô địch Rangers lên đến 30 điểm, nhưng chỉ thế thôi cũng là một thực tế đáng lo ngại cho Liga.
Điều sẽ hủy hoại bóng đá Tây Ban Nha là việc các đội bóng khác của Liga sẽ có tâm lý buông xuôi trong các cuộc chiến chống lại Real Madrid và Barcelona, không phải là trong một cuộc trường chinh kéo dài gần một năm, mà ngay cả ở một trận cầu cụ thể. Và một giải đấu có 38 vòng bỗng chốc chỉ được định đoạt trong hai trận đấu: Các trận “El Clasico” (“Kinh điển”). Nguy cơ ấy càng hiển hiện, khi mà cả Madrid và Barcelona đều không xem (và không có nghĩa vụ phải xem) đó là một nguy cơ.
Real Madrid sẵn sàng chi “tiền tấn” để làm khuynh đảo thị trường chuyển nhượng- Ảnh Getty
Khác biệt trên thị trường chuyển nhượng
Sự chênh lệch khủng khiếp còn được thể hiện trên thị trường chuyển nhượng. Năng lực tự đào tạo các ngôi sao của Barcelona thật đáng kinh ngạc, với các ngôi sao trưởng thành từ học viện La Masia trứ danh của họ là Valdes, Pique, Busquets, Iniesta, Xavi, Pedro, Messi... Nhưng kinh khủng hơn, Barcelona vẫn có thể bỏ ra những khoản phí rất lớn để chiêu mộ các ngôi sao. Họ đã mua Daniel Alves với giá 36 triệu euro, Villa giá 40 triệu, Zlatan Ibrahimovic, một bản hợp đồng thất bại, cũng tiêu tốn 69 triệu, và thậm chí, Barcelona sẵn sàng bỏ ra 35 triệu chỉ để đón Cesc Fabregas trở về. Tại Madrid, cuộc “chạy đua vũ trang” cũng diễn ra hối hả. Ba năm trước, đội hình vô địch EURO 2008 của Tây Ban Nha chỉ có hai cầu thủ của Real Madrid (Casillas và Ramos). Sau đó, họ mua về Raul Albiol, Xabi Alonso và Alvaro Arbeloa. Những cầu thủ xuất sắc của phần còn lại ở Liga, như Seydou Keita (Sevilla), Esteban Granero (Getafe), Sergio Canales (Racing), thậm chí chấp nhận đến Madrid và Barcelona để đánh bóng băng ghế dự bị.
Với Real Madrid và Barcelona, thành công được nhân lên nhiều lần theo kiểu lãi mẹ đẻ lãi con, và các danh hiệu càng tô vẽ sức hấp dẫn của họ. Ngược lại, với các đội bóng còn lại, thành công (thường chỉ như một cơn gió thoảng qua) thậm chí báo hiệu một sự sụp đổ. Các cầu thủ giỏi không muốn chơi cho đội nào khác ngoài Real Madrid và Barcelona. Vì sao thế? Ngoài sự đãi ngộ, thì tâm lý của họ cũng tương tự như hầu hết các huấn luyện viên ở Liga: Không thể đánh bại Real Madrid và Barcelona? Vậy thì hãy gia nhập hai đội ấy, hoặc tìm đường rời Liga.
Sự thống trị của Madrid và Barcelona đang hủy hoại Liga. Mới đây, Juan Mata, cựu cầu thủ Valencia và hiện chơi cho Chelsea, đã phát biểu trên tạp chí Four Four Two rằng các cầu thủ chơi ở các đội bóng khác tại Liga không hề cảm thấy khả năng cạnh tranh, và vì thế, những đóng góp của họ cho đội cũng thiếu đi động lực thật sự lớn lao: “Tôi hy vọng rằng các đội bóng khác cũng có thể tham gia một cách thật sự vào cuộc đua giành chức vô địch. Điều này tốt cho tính cạnh tranh của Liga”. Trong vài năm qua, chúng ta có thể thống kê được rất nhiều cầu thủ hay bậc nhất của giải đấu đã phải rời Liga để đi tìm tính cạnh tranh, là Diego Forlan, Sergio Aguero, hay David Silva.
“Atletico Madrid và Valencia đã bán mình”
Valencia không đủ sức chống chen chân vào cuộc đua tay đôi giữa Real Madrid và Barcelona- Ảnh Getty
Vào thời điểm mà tài chính chi phối bóng đá hơn bao giờ hết, sự chênh lệch về kinh tế đảm bảo cho sự thống trị của Madrid và Barcelona. Bản quyền truyền hình là cốt lõi vấn đề. Chính sách để cho các câu lạc bộ tự thương lượng tiền bản quyền truyền hình, hơn là tập hợp trong một miếng bánh chung và các nhà tổ chức Liga sẽ phân phối lại, đã “tiếp tay” cho sức mạnh kinh khủng của Madrid và Barcelona. Họ kiếm được trung bình 125 triệu euro/năm từ tiền bản quyền và các phụ phí khác về hình ảnh mà chỉ họ có quyền được hưởng. Phần còn lại thì sao? Valencia, chỉ xếp sau Madrid và Barcelona, thu về vỏn vẹn 42 triệu, thấp hơn những gì mà Middlesbrough nhận được ở mùa 2009-2010, khi đội bóng này bị đánh tụt hạng khỏi Premier League. Ở dưới đáy của Liga, các hãng truyền hình trả tiền thậm chí cảm thấy rất khó khăn khi phải trả 15 triệu/ mùa cho các đội bóng nhỏ, và đó là một mức phí mà phải trải qua đấu tranh, những “gã nhà nghèo” mới có thể mon men đến miếng bánh ấy.
Trong một năm, số tiền chênh lệch như thế có thể được chấp nhận. Nhưng khi thống kê lại những gì đã diễn ra trong năm năm qua, thì quả thật Madrid và Barcelona đã bỏ xa phần còn lại nhiều năm ánh sáng. Valencia kiếm được ít hơn chừng 415 triệu so với Real Madrid và Barcelona trong nửa thập kỷ qua. Với những đội như Racing Santader, con số ấy có thể lên đến hơn nửa tỷ euro (525 triệu)! Làm sao mà cạnh tranh nổi với sự phân hóa kinh khủng như thế? Giám đốc thể thao Monchi của Sevilla bảo rằng “Liga đang tiến tới nguy cơ trở thành một giải Scotland thứ hai”. Chủ tịch Real Madrid Zaragoza mô tả giải TBN như “một thứ gì đó buồn ngủ nhất ở châu Âu”.
Tóm lại, điều tồi tệ nhất đang diễn ra hàng ngày: Ngoài Madrid và Barcelona, bóng đá Tây Ban Nha không hề lớn mạnh, thậm chí còn thụt lùi. Mùa này, giải phải khởi tranh muộn vì Hiệp hội cầu thủ TBN (AFE) đình công, để đòi số tiền 50 triệu mà các câu lạc bộ đang nợ lương cầu thủ. Vào thời điểm kinh tế TBN đang khủng hoảng, những khoản tài trợ cũng chỉ được rót xuống một cách nhỏ giọt.
Cuối mùa trước, một thỏa thuận chung về bản quyền truyền hình cho 18/20 câu lạc bộ ở Liga đã được ký kết. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, ở Liga tồn tại một cơ chế bảo vệ các đội xuống hạng bằng khoản phí trích ra từ bản quyền truyền hình theo gói. Việc bị đánh tụt hạng sẽ khiến số tiền thu được từ bản quyền truyền hình tụt từ tối thiểu 12 triệu/mùa xuống còn tối đa 2 triệu, và đó là nguyên nhân khiến một đội bóng bị xuống hạng thường kéo theo nó là một đống những nợ nần.
Tạo ra cơ chế bảo vệ những đội bóng xuống hạng và ngăn ngừa khủng hoảng tài chính đã đặt nền móng cho một Liga “dân chủ” hơn, nhưng nó sẽ không phá vỡ nổi thế lưỡng cực hiện tại ở Liga. Một thỏa thuận bản quyền tập thể có thể giúp quản lý số tiền ấy tốt hơn, và thu được nhiều tiền hơn, nhưng không bao giờ tạo ra sự công bằng. 45 % số tiền bàn quyền ấy thuộc về nhóm 16 câu lạc bộ “chiếu dưới”, được xếp theo số lượng người xem, vị trí của họ trên bảng xếp hạng và một vài tiêu chí lặt vặt khác. 55% còn lại thuộc về bốn đội bóng còn lại. Atletico Madrid và Valencia, những đội chỉ nổi tiếng sau Madrid và Barcelona ở Tây Ban Nha, nhận 11%, trong khi “phe Real Madrid - Barcelona” nuốt trọn 35%.
“Nếu tôi là một cổ động viên của Atletico hoặc Valencia, tôi hẳn đã rất tức giận” - Giám đốc thể thao của Espanyol, ông Joan Collet, nói. “Bằng cách ký vào thỏa thuận này, họ đã thừa nhận rằng mình chỉ chiến đấu vì các vị trí thứ ba và thứ tư. Ký vào đó, họ cũng thừa nhận rằng vô địch là nhiệm vụ bất khá thi”. Chủ tịch Sevilla, ông Jose Maria del Nino, bảo rằng đó là hành vi “bán mình” của Atletico và Valencia.
Giám đốc của một hãng truyền hình trả tiền từng bảo rằng “thảm họa sẽ xảy ra” nếu một đội bóng khác không phải Real Madrid hoặc Barcelona đoạt chức vô địch Liga. Nhưng sự thống trị tuyệt đối hiện tại của họ cũng không khác gì một thảm họa. “Chúng ta cần nhận ra rằng các đội bóng nhỏ hơn cũng cần phải được cạnh tranh” - Chủ tịch Villarreal, ông Fernando Roig, bày tỏ bức xúc. “Sau cùng, 15 trận Kinh điển ở Bernabeu và 15 trận Kinh điển khác ở Camp Nou, thì đá mãi mà xem không chán à?” Hài hước hơn, Chủ tịch Sevilla, Del Nino, thậm chí còn đề nghị đuổi cổ Madrid và Barcelona khỏi Liga, cho họ “sang Bồ Đào Nha, Pháp, hoặc xó xỉnh nào đó cũng xong”.
Ở vòng khai màn mùa này, sau khi Real Madrid đại thắng 6-0, còn Barcelona, 5-0, ông Del Nino đã kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, và khách mời bao gồm đại diện của tất cả các câu lạc bộ, trừ Real Madrid và Barcelona. Tất cả đều thống nhất rằng cần phải làm một cái gì đó để thoát khỏi các bóng của hai con “quái vật” ấy, nhưng chỉ vài tuần sau, trong cuộc thảo luận bàn tròn của tất cả các đội bóng, Del Nino lại cảm thấy ông như bị đâm sau lưng. Chỉ có Villarreal và Espanyol là công khai ủng hộ những đề xuất của Chủ tịch câu lạc bộ Sevilla. Còn lại thì sao? “Vấn đề là khi Florentino Perez (Chủ tịch Real Madrid) cất lời, thì cả lũ đều câm như hến” - Giám đốc điều hành Joan Collet của Espanyol chua chát nói.
Madrid và Barcelona không cần (và không có nghĩa vụ) phải nhướn mày nhìn xuống đám đông và cảm nhận sự bất công đang tồn tại hàng ngày. Mùa trước, các cổ động viên Deportivo thậm chí còn giăng ra một tấm biểu ngữ có nội dung “Chúng tôi không muốn xem giải Scotland nữa”. Ông Del Nino, Chủ tịch Sevilla, thậm chí còn bảo rằng Liga đang bị “điếm hóa”, và không khác gì một “đống rác rưởi. Đống rác rưởi lớn nhất thế giới”.
Nhưng Barcelona và Madrid không quan tâm xem rác rưởi đang chất như núi ở đâu. Họ chỉ lo trang hoàng cho cung điện sạch sẽ của mình, đóng cửa lại, bịt tai, và thống trị trong tiếng rên xiết của phần còn lại ở Liga.
Theo thethaovanhoa.vn