Các pháo thủ gieo pháo. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Liên hoan có 7 đội thi tham gia. Kết quả, hạng mục tập thể nội dung pháo tiểu, đội xã Đại Hợp (huyện Tứ Kỳ) giành giải Nhất. Nội dung pháo đại, đội xã Ứng Hòe (huyện Ninh Giang) giành giải Nhất. Ban tổ chức cũng trao giải Pháo thủ dài dây cho 3 cá nhân, trong đó giải Pháo thủ dài dây nhất thuộc về Nguyễn Văn Việt, đội pháo xã Nghĩa An (Ninh Giang).
Chia sẻ một trong những bí quyết giành giải cao của đội mình, pháo thủ Bùi Văn Minh, đội xã Ứng Hòe (Ninh Giang) cho biết, khâu chọn đất phải rất kỹ. Đất màu được lấy ở ruộng, không lẫn sỏi đá và rễ cây, sau đó được kỳ công sơ chế cho nhuyễn, dẻo. Sau hội thi, đất được gia cố lại, bọc vào ni lông và chôn xuống đất để có thể tái sử dụng trong những lần sau.
Các pháo thủ nặn pháo chuẩn bị thi đấu. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Theo anh Lâm Thanh Tuấn (thôn Lâm, xã Minh Đức, Tứ Kỳ) - người có hơn 30 năm tập luyện, thi đấu trò chơi dân gian này, để gieo được quả pháo thành công, dài dây, tiếng nổ lớn đòi hỏi pháo thủ có thể lực tốt và kỹ thuật nặn pháo để quả pháo cân đối, nâng pháo đều tay với sự hỗ trợ của 5 - 7 đồng đội. Khi gieo pháo phải chuẩn từng động tác để quả pháo được gieo xuống không bị đứt manh.
Pháo đất là trò chơi dân gian lâu đời xuất phát từ các vùng nông thôn ở Hải Dương. Có nhiều giả thuyết về sự ra đời của trò chơi này. Trong đó, có truyền thuyết kể rằng, trong trận đánh giặc Nguyên Mông năm 1288, để cứu con voi chiến của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, nhân dân đã ném đất xuống khúc sông Luộc nơi tiếp giáp giữa các địa phương của Hải Phòng, Thái Bình để voi thoát lên. Về sau, những lúc nông nhàn, người dân thường tụ tập diễn lại cảnh này. Trong tâm niệm của người dân Hải Dương, trò chơi pháo đất thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, cũng là để trai tráng trong làng rèn luyện sức khỏe. Trong các hội thi, tiếng pháo nổ to sẽ dự báo một mùa mùa màng bội thu, công việc thuận lợi.
Các pháo thủ gieo pháo. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Hiện nay, nhiều nơi trong tỉnh Hải Dương vẫn gìn giữ, bảo tồn được trò chơi pháo đất như: xã Nghĩa An, xã Ứng Hòe và Tân Quang (Ninh Giang), xã Đức Xương (Gia Lộc), xã Minh Đức và Quang Khải (huyện Tứ Kỳ)… Thi pháo đất thường được các địa phương tổ chức vào dịp lễ hội tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch.
Tặng cờ lưu niệm cho các đội tham gia liên hoan. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Đặc biệt, ở xã Nghĩa An (Ninh Giang), nhiều gia đình có mấy thế hệ đều say mê tập luyện và chơi pháo đất. Vào các dịp lễ hội, xã tổ chức thi pháo đất giữa các thôn. Năm 2023, pháo đất xã Nghĩa An đã được tỉnh Hải Dương công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao thuộc lĩnh vực văn hóa, du lịch. Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, đội pháo đất Nghĩa An đã nhận được nhiều lời mời đi biểu diễn ở các nơi. Nâng tầm trò chơi dân gian thành sản phẩm OCOP đã góp phần khích lệ người dân tích cực tập luyện, gìn giữ, trao truyền bộ môn này, mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng khai thác bền vững các giá trị về du lịch cộng đồng...