Lịch sử và huyền thoại Việt Nam tái hiện trên sân khấu Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm nửa thế kỷ quan hệ ngoại giao Pháp - Việt và nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến tranh kết thúc ở Việt Nam, tuần vừa qua tại Thủ đô Paris, đạo diễn Olivier Dhénin Hữu đã mang tới công chúng Pháp 3 vở kịch và nhạc kịch độc đáo dựa trên những câu chuyện cổ tích và lịch sử Việt Nam.

  

Chú thích ảnh
Một cảnh trong vở ca kịch "Con Rồng Vàng" của đạo diễn Pháp lai Việt Olivier Dhénin Hữu. Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN

Các đêm diễn đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả về sự giao hòa giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây.

Với tiêu đề "Con Rồng Vàng" (Le Dragon d'Or) và "Người Đánh Cá Trong Tách Trà" (Le pêcheur au fond de la tasse à thé), hai vở ca kịch độc đáo dựa trên những câu chuyện cổ tích Việt Nam là kết quả của sự hợp tác giữa nhà viết kịch, nhà thơ và đạo diễn người Pháp lai Việt Olivier Dhénin Hữu với nhà soạn nhạc tài năng Benjamin Attahir.

Cả hai tác phẩm đều đã được trình diễn tại Nhà hát Opera Sài Gòn và Nhà hát Hồ Gươm Hà Nội vào tháng 11/2023 trong khuôn khổ chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam.

Bộ đôi tác phẩm ca nhạc kịch nhỏ gọn này dựa trên hai huyền thoại được người Việt Nam truyền miệng qua nhiều thế hệ. Phiên bản sân khấu mới này dành cho ba ca sĩ chính cùng với dàn đồng ca trẻ em thể hiện các linh vật thiêng liêng của Việt Nam: lân, rồng, phượng hoàng và rùa.

"Con Rồng Vàng" kể về một người Trung Hoa đến An Nam để tìm kiếm con rồng vàng dưới đáy hồ, với niềm tin rằng nếu đặt được hài cốt của cha mình vào miệng rồng, ông sẽ trở thành vua. Một người đánh cá trẻ tuổi đã nhận lời thực hiện nhiệm vụ này nhưng lại đánh tráo hài cốt, đặt xương cha mình vào miệng rồng thay vì xương của người Trung Hoa. Người đánh cá này sau đó trở thành vua Đinh Tiên Hoàng.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong vở ca kịch "Người Đánh Cá Trong Tách Trà" của đạo diễn Pháp lai Việt Olivier Dhénin Hữu. Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN

"Người Đánh Cá Trong Tách Trà" là câu chuyện buồn về Trương Chi, một người đánh cá xấu xí nhưng có giọng hát mê hoặc lòng người, đặc biệt là nàng công chúa Mỵ Nương. Tuy nhiên, khi hai người gặp nhau, công chúa kinh hãi trước vẻ ngoài của anh. Với trái tim tan vỡ, Trương Chi qua đời và hóa thành viên ngọc. Khi viên ngọc được chạm khắc thành tách trà và dâng lên công chúa, hình ảnh của người đánh cá hiện ra cùng giọng hát ngọt ngào. Xúc động và hối hận, Mỵ Nương rơi nước mắt vào tách, khiến nó tan biến và giải thoát linh hồn Trương Chi.

Các tác phẩm này không chỉ là sự kết hợp giữa opera và kịch nghệ mà còn là cuộc gặp gỡ giữa phương Đông và phương Tây. Olivier Dhénin Hữu đã lấy cảm hứng từ sân khấu truyền thống Việt Nam, đặc biệt là hát bội và cải lương. Ông cũng tham khảo các trào lưu nghệ thuật sân khấu phương Đông từng ảnh hưởng đến các đạo diễn bậc thầy phương Tây như Edward Gordon Craig, Antonin Artaud và Bertolt Brecht.

Trả lời phỏng vấn báo chí, đạo diễn Olivier Dhénin Hữu chia sẻ về lý do chọn kết hợp sân khấu và opera để kể các câu chuyện này: "Tôi cảm thấy rằng không thể chỉ dùng lời thoại đơn thuần để diễn đạt chiều sâu cảm xúc và lịch sử mà vở diễn này đòi hỏi. Opera mang lại những cảm xúc thăng hoa rất mạnh, còn sân khấu thì cho phép kể chuyện gần gũi và đi vào lòng người hơn. Kết hợp cả hai, tôi muốn khơi dậy một thứ gì đó chân thật và lắng đọng trong lòng khán giả."

Sân khấu được thiết kế bởi nghệ sĩ Lê Phi Long với nhiều lớp màn che mang tính biểu tượng: một tấm voan xanh da trời, một bức bình phong vẽ tinh tú lấy cảm hứng từ trần nhà của nhà hát Minh Khiêm Đường trong quần thể Lăng Tự Đức ở Huế, và những màn hoa hư ảo. Những chiếc đèn lồng Trung thu đại diện cho cá và rồng trên sông Hồng, tạo nên lời tri ân cho nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.

Nếu như "Con Rồng Vàng" và "Người Đánh Cá Trong Tách Trà" là cầu nối văn hóa bằng truyện cổ tích, thì vở kịch "Partition vietnamienne" (tạm dịch là "Mảnh ghép Việt Nam") lại là câu chuyện lịch sử liên quan đến sự chia cắt đất nước, sự phân mảnh của ký ức, văn hóa và bản sắc Việt Nam - đặc biệt là đối với những người Việt hải ngoại và con cháu của họ.

Vở kịch kể về quá trình nhân vật chính Antonin tìm kiếm lịch sử gia đình thông qua những mảnh ghép rời rạc: những bức ảnh cũ, những câu chuyện của bà nội, những trang sách lịch sử... Cậu cố gắng ghép những mảnh vụn này lại với nhau để tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh về nguồn gốc và bản sắc của mình.

Thông qua hành trình của nhân vật, khán giả được dẫn dắt qua nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của Việt Nam, từ thời kỳ vua Duy Tân ở đầu thế kỷ 20 đến những năm 1950-1960. Vở kịch đi sâu hơn vào lịch sử Việt Nam và mối quan hệ với Pháp trong suốt một thế kỷ, cũng như cuộc đời của những người Việt ở hải ngoại. Thành công của vở kịch đã mở ra triển vọng cho những buổi trình diễn tiếp theo.

Là người Pháp lai Việt, đạo diễn bị thu hút bởi sự đan xen giữa lịch sử cá nhân và lịch sử tập thể: "Tôi lớn lên trong một gia đình nơi mà ông bà từng là lính thuộc địa. Có những điều không bao giờ được kể lại - chỉ có những im lặng và những cái nhìn. Điều đó khiến tôi luôn tự hỏi: điều gì đã bị che giấu? Điều gì đã bị lãng quên?"

Chú thích ảnh
Một cảnh trong vở ca kịch "Con Rồng Vàng" của đạo diễn Pháp lai Việt Olivier Dhénin Hữu. Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN

Để tiếp cận lịch sử Việt Nam, ông Olivier Dhénin Hữu đã đọc, gặp gỡ và nói chuyện với những người Việt ở Pháp, những người mang trong mình ký ức từ nhiều phía. "Điều quan trọng nhất với tôi không phải là phán xét, mà là lắng nghe và kể lại. Vở diễn này chỉ giúp mọi người hiểu rằng chiến tranh để lại vết sẹo cho tất cả mọi người - dù họ ở bên nào."

Các đêm diễn đã nhận được những tràng vỗ tay không ngớt của công chúng. Khán giả đã bày tỏ nhiều cảm xúc mạnh mẽ sau khi xem các vở kịch. Bà Petmanie, một khán giả gốc Việt, thừa nhận ban đầu, bà không kỳ vọng nhiều vào vở diễn: "Tôi vốn không đi xem kịch, càng không đi xem opera. Tôi sợ sẽ chán. Nhưng cuối cùng, tôi đã bị cuốn vào vở diễn từ đầu đến cuối. Rất cảm động!"

Ông Nicolas, một khán giả người Pháp, lại quan tâm nhiều hơn về thông điệp của vở diễn: "Rất nhiều thông điệp về chiến tranh. Chúng khiến ta nghĩ đến các cuộc chiến hiện nay, và vở diễn này cho thấy hậu quả của các cuộc xung đột đối với các thế hệ sau. Chúng ta phải dừng những điều điên rồ này lại!"

Đạo diễn Olivier Dhénin Hữu cũng xúc động trước phản ứng của khán giả: "Khi thấy người xem rơi nước mắt, hoặc đến bắt tay tôi và nói rằng họ thấy mình trong câu chuyện, tôi cảm thấy chúng tôi đã làm điều đúng đắn. Nhiều người gốc Việt nói rằng đây là lần đầu họ thấy câu chuyện của mình hiện diện trên sân khấu. Điều đó rất có ý nghĩa với tôi!"

Quả thực, Olivier Dhénin Hữu đã tìm thấy cách để kết nối hai nền văn hóa Pháp và Việt Nam thông qua nghệ thuật, và như ông nói: "Đó là nguồn cảm hứng để tái tạo những gì đã mất, để bù đắp phần còn thiếu bằng trí tưởng tượng và thơ ca".

Bài và ảnh: Nguyễn Thu Hà (TTXVN)
'Hẹn ước Bắc - Nam' - Chương trình nghệ thuật chính luận với sân khấu thực cảnh lớn nhất
'Hẹn ước Bắc - Nam' - Chương trình nghệ thuật chính luận với sân khấu thực cảnh lớn nhất

Chiều 10/4, Ban tổ chức Chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc – Nam” tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Chương trình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN