Lễ hội - một lợi thế của du lịch

Cùng với tiềm năng thiên nhiên, tiềm năng nhân văn đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển của du lịch. Điều này được khẳng định, bởi một trong những mục đích của du lịch là tìm hiểu, khám phá những nền văn hóa mới lạ nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết đa dạng của con người. Vả lại, quá trình phát triển du lịch văn hóa đồng thời là quá trình khai thác những nét độc đáo và vốn quí văn hóa, một phương thức giới thiệu sinh động với quảng đại du khách trong và ngoài nước những nét đặc trưng thần thái của mỗi dân tộc.

Việt Nam là đất nước có mấy ngàn năm lịch sử, có truyền thống văn hóa lâu đời, có Thủ đô ngàn năm văn hiến. Song, cảm nhận bằng cách nào đối với khách du lịch (đặc biệt là khách du lịch quốc tế lần đầu đến nước ta) đều phải rất cụ thể, rõ ràng, sinh động. Cho nên, lễ hội trở thành lợi thế lớn của quá trình khai thác và phát triển du lịch văn hóa.

Nhiều lễ hội đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Lê Phú


Những năm gần đây, kinh tế đất nước ổn định và phát triển, lễ hội được phục hồi rất nhanh ở khắp các địa phương. Nhưng để lễ hội thực sự trở thành sản phẩm và tạo ra được lợi thế cho du lịch là cả quá trình đầu tư trí tuệ và tiền của. Trên thực tế hầu hết các lễ hội là để đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân trong vùng đối với một anh hùng dân tộc, một vị thành hoàng làng hay một nhân vật xuất chúng. Vậy làm sao để người du lịch có thể dễ dàng hòa đồng nhu cầu tâm linh với nhân dân địa phương? Đó là một việc làm không dễ dàng gì. Mặt khác, do một thời gian dài không có điều kiện đầu tư vốn văn hóa truyền thống ấy, nên hầu hết các lễ hội còn sơ sài và na ná nhau, hiếm khi tìm thấy ở đó những nét thật đặc sắc. Nếu chỉ với những sản phẩm đơn sơ ấy mang trình làng, hẳn khó tránh khỏi nhàm chán.

Ý thức được điều đó, Tổng cục du lịch đã chọn được 20 lễ hội tiêu biểu trong cả nước thể nghiệm đầu tư nhằm biến sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch. Kết quả thật khả quan, đặc biệt có những lễ hội rất thành công như lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở Hưng Yên, lễ hội Kiếp Bạc (Hải Dương), chọi trâu ở Đồ Sơn, Quan thế âm ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Bà Chúa Xứ ở An Giang, hội Chăm ở Ninh Thuận, đua ghe ngo ở Sóc Trăng… Bên cạnh những lễ hội truyền thống ấy, có một số địa phương được Tổng cục Du lịch hỗ trợ tạo ra lễ hội mới như lễ hội “Hành trình về quá khứ” tại phố cổ Hội An với lịch sử 400 năm, lễ hội 1 tháng 5 tại Quảng Ninh.

Đây là lễ hội của sự đan cài giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống với hiện đại, tạo được nét đặc trưng cao, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Một trong những thành công đáng kể khác là lễ hội Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hải Phòng). Lễ hội trở nên đặc biệt còn bởi vì cụ Trạng Trình là một biểu tượng văn hóa lớn từ thế kỷ 16. Không chỉ vào dịp lễ hội mới đông du khách mà ngày thường cũng có hàng trăm du khách đến thăm viếng cụ.

Cả nước trong một năm có tới gần một vạn lễ hội, diễn ra ở cả bốn mùa, nhưng nhiều nhất diễn ra vào mùa xuân. Lễ hội lớn nhất là lễ hội Đền Hùng, tôn vinh các giá trị văn hóa thời Hùng Vương, thu hút hàng triệu khách. Lễ hội kéo dài nhất (gần trọn ba tháng đầu năm) là lễ hội Chùa Hương. Ở các tỉnh phía Nam còn những lễ hội thu hút đông khách như lễ hội Dinh Thầy - Thím, lễ hội KaTê, lễ hội Đua Voi, lễ hội Dinh Cô… Sự thành công của những lễ hội nói lên sự đầu tư của Trung ương và các địa phương đã đúng hướng.

Dẫu sao, đây mới là bước đánh thức tiềm năng, cũng như mọi sự đầu tư khác, để có được sản phẩm du lịch thực thụ cần có một quá trình chăm lo từ nhận thức của nhân dân địa phương đến sự hưởng ứng của xã hội và cuối cùng là sức hút của chính sản phẩm đó đối với du khách. Và điểm mấu chốt có lẽ thuộc về kịch bản của xã hội, mà ở đó những yếu tố hiện đại phải được tận dụng tối đa trên cơ sở khai thác triệt để nét đặc trưng của văn hóa truyền thống, vì mục đích cuối cùng là hấp dẫn, bổ ích đối với các đối tượng du khách.

Nếu nói du lịch ở ta đứng trước hai hướng phát triển là tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế và đẩy mạnh du lịch nội địa, thì chính hoạt động lễ hội là yếu tố quan trọng kích thích cho hoạt động du lịch nhằm đáp ứng hai hướng phát triển ấy. Vả lại, lợi ích kinh tế của du lịch phụ thuộc vào số lượng khách du lịch. Nó không chỉ thể hiện ở doanh thu của chính các doanh nghiệp du lịch mà còn ở doanh thu xã hội từ du lịch. Thực tế cho thấy, lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta, cùng với lượng khách trong nước đang ngày một tăng là bằng chứng thuyết phục cho sự đầu tư và phát triển đúng hướng của du lịch văn hóa, mà hạt nhân là sức hút của những lễ hội giàu sắc thái riêng, được chọn lọc và đầu tư khai thác có hiệu quả thời gian qua.

Tuy nhiên, cũng không còn là sự quá lo xa về tính văn hóa trong các hoạt động du lịch. Xuất phát từ nhận thức, chúng ta từng bước tạo lập được không khí văn hóa tại chính các điểm du lịch, vùng du lịch. Tất nhiên, văn hóa là sự hình thành của quá trình lâu dài, từ giáo dục trong nhà trường đến những ứng xử trong xã hội, chủ yếu qua giao tiếp giữa người với người, giữa người Việt Nam với người nước ngoài. Song, văn hóa du lịch còn thể hiện ở những nguyên tắc cụ thể khác trong hoạt động kinh doanh. Đó là không chạy theo lợi nhuận, không thương mại hóa các hoạt động lễ hội... đây là những nội dung cần được quan tâm tại hầu hết các điểm, các vùng du lịch.

Hy vọng với sự chọn lọc và điều chỉnh kịp thời, du lịch văn hóa sẽ xuất hiện thêm nhiều lễ hội thật sự trở thành sản phẩm du lịch để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách trong và ngoài nước.

Quỳnh Thục

Càng mở rộng, lễ hội càng nhiều tệ nạn
Càng mở rộng, lễ hội càng nhiều tệ nạn

Hiện nay, nhiều hội làng đã được tổ chức với quy mô lớn hơn mang tính chất cấp vùng, cấp tỉnh, quốc gia phục vụ chiến lược phát triển kinh tế du lịch và những tệ nạn nảy sinh ở những lễ hội lớn ấy cũng bởi sự “quá tải” của hội làng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN