Kiến trúc vì mọi người

Với mục tiêu thúc đẩy sáng tạo kiến trúc; tôn vinh các tác giả, tác phẩm xuất sắc; góp phần định hướng phát triển nền kiến trúc Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng về nghệ thuật kiến trúc; Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2016, đã chính thức khởi động.

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2016 có cơ cấu đổi mới, theo hướng tăng thêm số lượng giải, thu hút sự tham gia của nhiều đối tượng kiến trúc sư (KTS) ở các vùng miền khác nhau. “Để góp phần định hướng sáng tạo kiến trúc theo xu hướng tiến bộ, nhân văn, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2016 tập trung vào chủ đề “Kiến trúc vì mọi người” - nhằm đề cao trách nhiệm xã hội của kiến trúc Việt Nam, đặc biệt đối với các cộng đồng yếu thế và chịu nhiều tác động của thiên tai do biến đổi khí hậu…”, đại diện BTC cho biết.

Nhà Quốc hội giành Giải thưởng Lớn tại Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2014.

Như thường lệ, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2016 (trao giải định kỳ 2 năm/lần) sẽ dành cho các thể loại công trình, tác phẩm: Kiến trúc nhà ở (nhà ở nông thôn, nhà ở đơn lập, nhà ở tổ hợp), Công trình công cộng (công trình thương mại/trụ sở, công trình khách sạn, nghỉ dưỡng, trường học/bệnh viện, công trình thể thao - văn hóa /tôn giáo - tín ngưỡng và công trình đặc biệt như sân bay, nhà ga, cầu…; Công trình công nghiệp; Công trình bảo tồn, tôn tạo; Thiết kế nội - ngoại thất; Thiết kế đô thị, Thiết kế cảnh quan; Đồ án quy hoạch xây dựng (Quy hoạch đô thị, Quy hoạch nông thôn); Ấn phẩm kiến trúc. Đặc biệt, BTC cũng sẽ trao giải cho những tác phẩm kiến trúc xuất sắc tại Việt Nam của KTS nước ngoài.

Với lĩnh vực tác phẩm, công trình kiến trúc, tiêu chí đưa ra là các công trình phải có ý tưởng sáng tạo, giải pháp mới, hướng tới tương lai, tạo hình kiến trúc tốt. Bên cạnh đó, cần giải quyết tốt dây chuyền công năng cũng như mối quan hệ giữa công trình kiến trúc với cảnh quan môi trường; có ý nghĩa văn hóa, xã hội và tính nhân văn. Đặc biệt, công trình phải hướng đến tính bền vững theo Tiêu chí Công trình Kiến trúc Xanh Việt Nam và sử dụng vật liệu, công nghệ tiên tiến, hiệu quả.

Với tác phẩm là đồ án quy hoạch và thiết kế đô thị, cảnh quan; yêu cầu BTC đưa ra là phải có ý tưởng sáng tạo, hướng tới tương lai trong thiết kế không gian đô thị và nông thôn, trong khai thác địa hình, cảnh quan và đặc thù văn hóa xã hội của địa điểm lập quy hoạch, thiết kế đô thị và cảnh quan; có giải pháp tổ chức không gian đô thị và cảnh quan đảm bảo tốt môi trường sống và làm việc cho con người. Đặc biệt, tác phẩm cũng phải hướng tới phát triển bền vững và có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

BTC sẽ trao “Giải thưởng Lớn” cho tác phẩm, công trình có tính đột phá đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc, có tính xã hội và nhân văn sâu sắc trong số các tác phẩm xuất sắc nhất; với mức trưởng là 50 triệu đồng. Bên cạnh đó là giải vàng trị giá 30 triệu đồng, giải bạc trị giá 20 triệu đồng, giải đồng trị giá 10 triệu đồng và 1 giải thưởng cho tác phẩm được cộng đồng bình chọn trị giá 10 triệu đồng (cho mỗi thể loại, lĩnh vực chuyên ngành).

“Tại Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2014, vấn đề quy hoạch nông thôn vẫn là mảng “chưa mạnh” trong giải thưởng. Hầu như các tác phẩm gửi về tham dự giải thưởng đều không đạt trong việc định hướng cho phát triển nông thôn, chính vì vậy, hội đồng chỉ trao được duy nhất 1 giải thưởng hội đồng cho công trình “Quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Hồ Rừng, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, Đồng Tháp” của KTS Cao Thành Nghiệp, vì đã đưa ra được định hướng phát triển du lịch cho vùng đất này. Chính vì vậy, chúng tôi rất hy vọng tại Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2016, sẽ có những tác phẩm đột phá trong lĩnh vực này”, một lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ.

Tại Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2014, Giải thưởng Lớn đã thuộc về công trình Nhà Quốc hội của nhóm tác giả: GS.TS.KTS Meinhard Von Gerkan, KTS Nikolaus Goetze, Dirk Hellerr, Joern Ortmann. Công trình này có những ưu điểm nổi bật như: Công trình tồn tại được trong khung cảnh, môi trường của Quảng trường Ba Đình, không làm mất đi trục Bắc Sơn - Lăng Bác và không làm méo mó, ảnh hưởng tới khu di sản; công trình có kiến trúc đơn giản, nhẹ nhàng, không xung đột với môi trường xung quanh; có giải pháp công nghệ chặt chẽ, hợp lý; công năng công trình hợp lý, môi trường làm việc bên trong được quan tâm; vấn đề tiết kiệm nước, năng lượng được giải quyết tối đa…


PV
Văn hóa Chăm qua kiến trúc đền tháp
Văn hóa Chăm qua kiến trúc đền tháp

Tháp Chăm không chỉ là nơi lưu giữ những nét tinh hoa đặc sắc về mặt kiến trúc, kỹ thuật, mỹ thuật và điêu khắc, mà còn là nơi chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Chăm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN