Khúc ca những nữ anh hùng Hà Trung

Trường ca Đò Lèn của nhà thơ Lâm Bằng là khúc tráng ca về Hà Trung một thời chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Tác phẩm đã được Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa trao giải thưởng Lê Thánh Tông (2011).

Trường ca gồm mười ba chương viết về con người, cây cầu, dòng sông từ thuở mở cõi cho đến những ngày chiến đấu chống lại sự phá hoại của giặc Mỹ ngày mùng ba, mùng bốn, tháng tư năm một nghìn chín trăm sáu lăm. Trong đó, tác giả đặc biệt giành hai chương bảy và chương chín ca ngợi những người con gái Hà Trung không chỉ đẹp về thể chất mà đẹp cả về phẩm chất như tám chữ vàng mà Bác Hồ dành tặng “Anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang”.

Minh họa: Trần Thắng



Ở Trường ca Đò Lèn lời thơ mộc mạc, trong sáng, giàu sức gợi. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Trung anh hùng, hơn ai hết Lâm Bằng hiểu rõ về lịch sử dòng sông Đò Lèn và con người ở nơi đây. Đó là sự dữ dằn và êm ả của con sông, tinh thần quyết tử của quân dân trên cầu. Nhất là những người con gái nơi đây, thật đáng yêu, đáng nhớ vô cùng. Chính sự xuất hiện của họ làm tăng chất trữ tình trong Trường ca:

Em là Con gái làng Na
Mười chín tuổi ngực căng sức sống
Chắn vén việc nhà em đi trực chiến
Vành mũ rơm ngúng nguẩy tóc đuôi sam.


Cái ngúng nguẩy của tóc người con gái đã làm mềm đi cuộc chiến vốn đang khốc liệt. Chỉ một chi tiết nhỏ thôi nhà thơ đã lột tả được cái thần thái của người con gái. Họ tham gia cuộc chiến với sự hồn nhiên, vô tư nhưng cũng đầy trách nhiệm. Ngực căng sức sống khi “em” mười chín tuổi vừa thể hiện được vẻ đẹp viên mãn của người con gái vừa cho thấy nhiệt huyết cách mạng đang chảy rừng rực trong tâm hồn trẻ trung kia.

Trong lịch sử văn học dân tộc có rất nhiều nhà thơ, nhà văn viết về người nữ anh hùng. Nhưng đó có thể là những cô gái cũng có thể là những người vợ, người mẹ. Họ bước vào trang sách bên cạnh sự vô tư cho cách mạng còn có cả nỗi lo về chồng, về con. Còn trong Trường ca Đò Lèn của Lâm Bằng, tất cả những người nữ mà anh quan tâm đều đang thì con gái. Việc lựa chọn đối tượng thẩm mỹ của nhà thơ cũng tạo ra một nét riêng trong cái nhìn của tác giả. Đó là một cái nhìn khách quan về hiện thực kháng chiến qua con mắt “xanh non biếc rờn” của tuổi trẻ. Do vậy cuộc chiến dù cam go, khốc liệt nhưng với sự yêu đời họ cống hiến hết sức mình cho cách mạng:

Mọi người gọi em là cô Tấm ngày nay
Bộ đội gọi em là con dâu trận địa
Ngúng nguẩy tóc đuôi sam:
“Em chả dám thế
Em đâu có chồng mà mang phận con dâu”.


Họ là ai? Trong những trang thơ của Lâm Bằng nhân vật nữ xuất hiện rất cụ thể. Đó là Cô gái làng Na, O dân quân làng Kim, Cô dân quân huyện Hà... Họ vừa mang tính cá nhân vừa mang tính đại diện. Họ có tên riêng nhưng tên họ đã hòa vào tên của quê hương, đất nước chung tụ thắp lên ngọn đuốc tiêu diệt kẻ thù, soi sáng niềm tin chiến thắng.

Hai chương Tình sử màu xanh và O dân quân huyện Hà, là những trang thơ mà tác giả dành nhiều tình cảm trân trọng nhất cho những người con gái Hà Trung. Những người con gái đó trong Trường ca Đò Lèn của Lâm Bằng có nét chân chất, bình dị quê đồng chiêm trũng. Họ không đẹp cao sang như các cô gái chốn thị thành nhưng mộc mạc đằm thắm như hoa bưởi hoa nhài. Họ đẹp khỏe khoắn tự nhiên và hơn hết họ có chiều sâu tâm hồn. Họ có nét chung của những người phụ nữ Việt Nam nhưng họ cũng rất Hà Trung. Bởi vì họ bước vào trang sách mang theo cả mùi bùn đất và văn hóa quê nhà. Đó là Ăn cơm chái hè, uống nước mo cau/ Tóc bỏ đằng sau, lời mau đi trước. Người phụ nữ ngoài đồng về ăn vội bữa cơm nơi chái hè có khi chân vẫn còn dính đầy bùn đất. Thế nhưng họ vẫn xinh xắn trong mái tóc gọn gàng và sống rất vui tươi cởi mở ân tình. Đặc biệt họ có tình yêu rất trong sáng thủy chung mà cũng rất lãng mạn: Nhớ chăng cái buổi đầu tiên/ Cùng em đi bên bờ sóng/ Đêm rằm mặt trăng rắc bạc/ Như ngàn vì sao lung linh.

Tình yêu được tác giả gọi bằng ngôn từ rất gợi đó là Tình sử màu xanh. Đó là những câu chuyện tình trong lịch sử còn mãi với thời gian, được tách thành một chương. Nó có màu xanh của sự trong sáng, thuần khiết và hy vọng. Lâm Bằng không dùng thủ pháp ví von như các nhà thơ khác mà đi tìm trong những người con gái kia những cử chỉ, giọng điệu, nết ăn ở, phong cách đánh giặc riêng. Họ bước vào thơ như đời vẫn thế. Và ngay cả tình yêu cũng bộc trực thẳng thắn. Khi những người lính có tình ý bày tỏ tình cảm quan tâm, chăm sóc “em” tỏ vẻ như một đàn chị trêu lại rất tinh nghịch: “Chú em” đừng vô kỷ luật/ Coi chừng, thủ trưởng mà nghe...

Phát huy tác dụng của ngôn ngữ đối thoại là sự hấp dẫn của tập trường ca này. Nhất là đối thoại trong thơ không phải dễ. Ngôn ngữ đối thoại tạo ra sự tình tứ của lứa đôi vừa làm cho các câu thơ thêm sinh động:

Xong trận đánh em rời trận địa
Mũ rơm nghiêng trong ánh chiều tà
- Nhanh về họp khẩu đội em nhá
Ngúng nguẩy tóc đuôi gà:
- Ứ, em chả dám đâu.


Đặc điểm tình yêu của các cô gái hình như tất cả đều chỉ mới là cái rung động đầu đời, nặng về tâm lý chứ chưa nặng về sinh lý. Bởi vậy, tình yêu còn ý tứ, kín đáo, thâm trầm thậm chí yêu mà không dám thổ lộ. Và nếu có thổ lộ chăng thì cũng chỉ qua những cánh thư: Thư không dán tem bưu điện/ Chỉ gửi từ phía... cuối làng.

Tình yêu làm động lực để con người hăng say chiến đấu. Nhưng tình yêu bao giờ cũng đứng sau nhiệm vụ cách mạng. Vì thế khi có giặc thì dù đang đọc dở trang thư cũng gác lại đi làm nhiệm vụ. Thế rồi: Giặc chuồn em ra ruộng cấy/ Lá thư ướt sũng mồ hôi/ Chữ nhòe lổ loang mực tím/ Chỉ còn âm ấm... hơi người. Chỉ một chi tiết nhỏ không kịp đọc hết thư người yêu đã phải vào cuộc chiến đấu và lao động, tác giả đã lột tả được sự hy sinh thầm lặng của họ. Đây là tình yêu đẹp được cộng hưởng, hun đúc từ trong gian khổ cách mạng và có sức lan tỏa đến hôm nay.

Phẩm chất anh hùng của người con gái Hà Trung bộc lộ rõ nhất trong chiến đấu. Không ngại gian khó. Không quản xa xôi nhất là không sợ hy sinh. Họ đi đến bất cứ đâu cần có họ:
Trận địa Bình Lâm, Hà Ngọc, Kim Âu

Trận địa Đồng Chu, Hà Ninh, núi Phấn
Trận địa nào em cũng có mặt
Em, cô dân quân Hà Trung...


Ngay cả cách đánh giặc cũng rất táo bạo: Bắt phi công Mỹ chở bằng xe trâu/ Máy bay bổ nhào gương cao súng bắn... Đó là một cách hạ bệ kẻ thù từ một kẻ ngạo nghễ trên phương tiện vũ khí tối tân thì giờ đây khiếp sợ trước các o dân quân nhỏ bé và phải ngồi trên chính những phương tiện mà chúng vốn xem thường (xe trâu). Đây là sự phát hiện về hiện thực kháng chiến và cũng tạo nên hình ảnh mới trong thơ ca.

Chiến tranh, bom đạn, hy sinh là sự không tránh khỏi nhưng nhà thơ đã có sự phản ánh ngầm. Do đó, dù có sự hy sinh nhưng không bi lụy, hy sinh không vô ích. Trường ca Đò Lèn là khúc tráng ca về chiến thắng vẻ vang của quân dân Đò Lèn.

Thy Lan
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN