Đền thờ được xây dựng trên khu đất rộng hơn 12 hecta (tại thôn Phú Lâm, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), theo lối kiến trúc cổ. Công trình gồm các hạng mục: Sân đậu xe, tường rào, cổng tam quan, sân đón, nhà quản lý, nhà diễn võ, bức bình phong, nhà vọng cảnh, nhà bia, sân hành lễ, Đền thờ, đường nội bộ; hệ thống cây xanh - thảm cỏ - cấp thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng, nội thất. Các hạng mục kết nối hài hòa tạo nên quy mô trang trọng cho khu Đền thờ. Công trình càng được nâng cao giá trị khi có thế “tọa sơn”, phía sau và hai bên được bao bọc bởi dãy núi với những rừng cây, trước mặt là cánh đồng rộng, thoáng đẹp. Đền thờ được xây dựng với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và các nguồn xã hội hóa.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Tây Sơn và xã Tây Phú tổ chức tiếp nhận, quản lý, khai thác công trình đảm bảo phát huy hiệu quả, thiết thực; tiếp tục hoàn thiện các phần việc còn lại, thực hiện công tác duy tu, bảo trì hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường. Sở có kế hoạch, đề án quản lý bảo vệ và phát huy công trình này một cách tốt nhất, nâng cao giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc cảnh quan công trình và khu vực chung quanh; bổ sung thêm các dịch vụ tiện ích, giải trí, kết nối tour du lịch gắn kết với Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn tam kiệt và danh lam thắng cảnh Hầm Hô, để công trình Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng thực sự trở thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn, nơi nhân dân, du khách gần xa đến chiêm bái, tưởng nhớ công đức của tiền nhân, bày tỏ lòng thành kính thiêng liêng đối với người anh hùng dân tộc; tổ chức các hoạt động thiết thực để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Ông Võ Văn Dũng là một trong những người con ưu tú của Bình Định, sinh ra và lớn lên tại thôn Phú Lộc, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ông tham gia phong trào Tây Sơn từ buổi đầu khởi nghĩa, là người thông minh tài trí lại giỏi võ nghệ nên sớm trở thành một võ tướng kiệt xuất của Nhà Tây Sơn.
Võ Văn Dũng là một trong "Thất hổ tướng", "Tứ trụ đại thần" của triều Tây Sơn. Ông được nhân dân ngưỡng mộ, tôn kính. Sau khi ông mất, con cháu thờ phụng ông tại Từ đường họ Võ ở thôn Phú Mỹ và đã gìn giữ lưu truyền nhiều giai thoại, kỷ vật của ông. Ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Từ đường họ Võ là Di tích lịch sử quốc gia. Hằng năm, cứ đến ngày mùng 8/2 âm lịch, người họ Võ cùng chính quyền địa phương tề tựu tại Từ đường tổ chức lễ kỷ niệm Ngày mất của ông.