Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến dự.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc là sự kiện văn hóa - kinh tế, du lịch đầy ý nghĩa, nhằm tôn vinh, ghi nhận sự đóng góp miệt mài của bao người gắn bó với cây hoa, từ người nông dân, hợp tác xã, các chuyên gia, nhà khoa học, đến cộng đồng doanh nghiệp; có cơ hội quảng bá những giá trị về các mặt hàng nông sản đặc sắc của địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, trong đời sống người dân Sa Đéc, hoa, kiểng là người bạn đồng hành trong hành trình vượt khó, thoát nghèo, làm giàu. Hoa và kiểng Sa Đéc giờ đây là thương hiệu của một ngành hàng chủ lực trong nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp với giá trị hơn 6.000 tỷ đồng. Từ một làng hoa khiêm tốn, đến nay, Sa Đéc đã mang hình hài, dáng vóc của một thành phố hoa.
Hoa, kiểng Sa Đéc hiện diện ở nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam và đã bắt đầu hành trình vươn xa ra thị trường quốc tế. Mỗi năm, Sa Đéc cũng đã trở thành điểm đến của hàng triệu lượt du khách để chiêm ngưỡng, trải nghiệm, hòa mình vào không gian xanh mát, đầy màu sắc của cây, lá và hoa. Người trồng hoa, kiểng ở Sa Đéc đang nỗ lực từng ngày, nhạy bén, năng động, sáng tạo để “giữ lửa” cho nghề, truyền nghề và phát triển, vươn xa.
Theo ông Lê Quốc Phong, Festival lần này được kỳ vọng không chỉ mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị, thưởng thức những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mà còn là cơ hội để kết nối, phát huy giá trị kinh tế ngành hàng hoa, kiểng, đưa sản phẩm hoa, kiểng Sa Đéc vươn xa và lên một tầm cao mới. Trong khuôn khổ Festival, bên cạnh hoa, kiểng Sa Đéc, du khách sẽ có điều kiện tiếp cận các sản phẩm của nhiều làng hoa nổi tiếng ở Việt Nam, các quốc gia có thế mạnh về hoa như Hà Lan, Thái Lan qua những gian hàng trưng bày và qua các cuộc tọa đàm, hội thảo.
Lễ hội diễn ra từ ngày 30/12/2023 đến ngày 5/1/2024 với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch ấn tượng, gồm: hội thi trang trí cổng hoa, đường hoa, vườn hoa công sở đẹp; không gian sắp đặt hoa, kiểng nghệ thuật; trưng bày, triển lãm sản phẩm hoa, kiểng trong nước và quốc tế; trưng bày sản phẩm OCOP của các huyện, thành phố trong tỉnh; tôn vinh người trồng hoa, kiểng Sa Đéc; Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng hoa, kiểng; Hội nghị kết nối giao thương các sản phẩm hoa, kiểng; Hội thi thời trang hoa với chủ đề “Sắc hoa bên dòng Sa Giang”…
Làng hoa Sa Đéc được mệnh danh là “Thủ phủ” hoa, kiểng của miền Tây Nam Bộ, đã hình thành và phát triển hàng trăm năm qua. Hiện nay, tổng diện tích trồng hoa, kiểng ở Sa Đéc gần 950 ha, tập trung nhiều ở xã Tân Khánh Đông (324 ha) và phường Tân Quy Đông (320 ha). Hiện thành phố có khoảng 4.000 hộ sản xuất hoa, kiểng, chiếm khoảng 50% số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; hơn 200 cơ sở kinh doanh hoa, kiểng. Sa Đéc có 4 hợp tác xã, 1 quỹ tín dụng, 10 tổ hợp tác và 3 hội quán hoạt động có liên quan đến ngành hàng hoa, kiểng.
Sa Đéc có khoảng 2.000 chủng loại hoa, kiểng, trong đó, kiểng công trình, trang trí nội thất chiếm 65%, hoa các loại là 20%, kiểng cổ bonsai 15%. Các loại hoa phổ biến là cúc mâm xôi, hoa lưu ly, hướng dương, dạ yến thảo, cúc đồng tiền, cát tường, dừa cạn, mẫu đơn, lan các loại… Cùng với các loại hoa, nhiều nhà vườn có thu nhập cao từ nghề trồng kiểng như mai vàng, các loại kiểng lá, các loại kiểng cổ bonsai…
Sản phẩm hoa, kiểng Sa Đéc được đưa đi tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, hoa, kiểng đã được người dân xuất bán sang Lào, Campuchia. Trung bình mỗi năm, ngành công nghiệp hoa, kiểng tại Làng hoa Sa Đéc đã mang về cho địa phương nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung hơn 3.200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.