Dự lễ khai hội có: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng các tăng ni, phật tử, nhân dân và du khách thập phương.
Dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Tam Chúc, lễ khai mạc Hội Xuân Tam Chúc năm Quý Mão 2023, diễn ra với các nghi thức dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mang lại đời sống an bình cho đồng bào, nhân loại.
Tiếp theo là Lễ rước nước - một trong những nghi thức quan trọng, mang ý nghĩa cầu nguyện cuộc sống bình an, trường tồn. Đoàn rước nước đi thuyền ra giữa hồ Tam Chúc, tại vị trí linh thiêng, có cắm trước một cây nêu, lấy nước mang về chùa Ngọc.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết, khôi phục Lễ hội chùa Tam Chúc vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm là niềm mong muốn của nhân dân, đồng bào phật tử địa phương, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, các giá trị văn hóa của quê hương, tạo điều kiện để nhân dân và phật tử trong và ngoài nước đến với Khu du lịch tâm linh Chùa Tam Chúc.
Năm 2023 là năm thứ 5 Chùa Tam Chúc tổ chức Hội Xuân. Năm nay, du khách còn được trải nghiệm Khu du lịch phố cổ Tam Chúc với nhiều trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật, các gian hàng đồ cổ, làng nghề truyền thống…
Ban Quản lý khu du lịch Tam Chúc đã phối hợp với lực lượng chức năng huyện Kim Bảng (Hà Nam) lên phương án hướng dẫn, phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông cho khách đến du Xuân, đồng thời bố trí các thuyền và xe buýt để phục vụ du khách, tránh tình trạng ùn tắc, chia nhiều điểm tư vấn bán vé du lịch kết hợp việc thanh toán online, niêm yết công khai các loại phí, giá dịch vụ.
Chùa Tam Chúc là quần thể du lịch - văn hóa - tâm linh lớn nối liền giữa bốn tỉnh, thành phố là: Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình và Hòa Bình. Căn cứ vào một số di vật được tìm thấy dưới lòng hồ Tam Chúc và các câu chuyện dân gian còn được lưu truyền tại địa phương, cách đây hơn 1.000 năm vào thời Nhà Đinh nơi đây là vùng đất Phật, với ngôi chùa Tam Chúc cổ kính, uy nghiêm và nhân dân địa phương hàng năm vào dịp đầu Xuân đều tổ chức lễ hội để cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và đây cũng là chốn hội tụ của tăng ni, phật tử thập phương.
Với diện tích rộng lớn, cảnh quan nơi đây hoang sơ, hùng vĩ với “Tiền Lục nhạc, hậu Thất tinh”, tức là ba mặt được bao bọc bởi dãy núi Thất tinh thế tay ngai vững chãi, phía trước mặt hồ có 6 quả núi nhô lên nhìn tựa 6 quả chuông của nhà Phật. Chùa Tam Chúc được xây dựng với các công trình kiến trúc chính như: Tháp Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Giáo Chủ, Điện Quán Âm, Nhà thờ Tổ, Nhà Tứ Ân, Cổng Tam Quan nội và Trung tâm Hội nghị Quốc tế...