Khai bút đầu Xuân tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An

Ngày 5/2, tức mùng 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ, tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức Lễ khai bút xuân Ất Tỵ năm 2025 nhằm gìn giữ phong tục Khai bút đầu xuân, tôn vinh truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Chú thích ảnh
Các đại biểu và nhân dân dâng hương tưởng niệm thầy giáo Chu Văn An. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Lễ khai bút thu hút đông đảo nhân dân địa phương và đoàn đại biểu huyện Thanh Trì (Hà Nội) - quê hương thầy giáo Chu Văn An, đại biểu một số tỉnh, thành phố lân cận về tham dự.

Ngay sau nghi lễ dâng hương tri ân "Người thầy vĩ đại của muôn đời", các đại biểu và nhân dân đã cùng ôn lại thân thế, sự nghiệp của thầy giáo Chu Văn An.

Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh Nguyễn Tuấn Hưng cho biết khai bút là “khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp”. Khai bút đầu Xuân không chỉ biểu trưng cho sự hiếu học mà còn là cách thu hút lộc tài trong học hành, thi cử. Đồng thời thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, gửi gắm ước nguyện một năm mới trí tuệ hanh thông, bình an khang cát, thi cử đăng khoa, học hành tấn tới, cầu cho một năm mới được “thuận thiên địa, hợp nhân tâm, vạn sự thành”.

Chú thích ảnh
Nhà thư pháp Phạm Hùng trình diễn khai bút chữ Hán với 4 chữ: Hưng Vượng Phát Đạt. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Tại buổi lễ, nhà thư pháp Phạm Hùng trình diễn khai bút chữ Hán với 4 chữ: Hưng vượng phát đạt. Tiếp đó, các đại biểu, lãnh đạo khai bút 10 chữ quốc ngữ: Nhân thuận bách niên, phúc gia hòa, vạn sự hưng. Các chữ này được rước vào đền dâng trình lên thầy Chu Văn An. Các em học sinh về dự lễ cũng đồng loạt khai bút trên phôi chữ Học.

Dịp này, 21 học sinh thành phố Chí Linh và huyện Thanh Trì  (Hà Nội) có thành tích xuất sắc trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024, giành giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp năm học 2024 đã được trao thưởng. Quỹ khuyến học thành phố Chí Linh đã tiếp nhận trên 600 triệu đồng ủng hộ. Địa phương cũng vinh danh các doanh nghiệp đã đồng hành với Quỹ khuyến học thành phố. Cùng với Lễ khai bút, tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An, năm nay là lần đầu tiên diễn ra hoạt động giao lưu thư pháp của các nghệ nhân thư pháp Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh Hải Dương.

Chú thích ảnh
Các đại biểu khai bút 10 chữ quốc ngữ: Nhân thuận bách niên, phúc gia hòa, vạn sự hưng. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Thầy giáo Chu Văn An sinh năm 1292, tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học. Do có tài năng xuất chúng, kiến thức uyên bác, tấm lòng trong sạch, đạo đức thanh cao, ông được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Đến khi Trần Dụ Tông lên ngôi, thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông đã dâng thất trảm sớ xin chém 7 tên nịnh thần nhưng không được vua nghe nên ông trả mũ áo từ quan, về núi Phượng Hoàng, Chí Linh dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, viết sách lưu lại cho hậu thế. Ông mất ngày 26/11 năm Canh Tuất 1370. Ông đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, học đi đôi với hành. Quan điểm của ông có giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với quan điểm giáo dục của UNESCO ngày nay. Với công lao to lớn và đóng góp cho nền văn hóa, giáo dục nước nhà, ông được hậu thế tôn vinh là "Người thầy của muôn đời". Đền thờ ông nằm trong quần thể danh thắng Phượng Hoàng thuộc phường Văn An, thành phố Chí Linh.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng khen thưởng học sinh của thành phố Chí Linh có thành tích học tập tốt. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng khen thưởng học sinh giỏi của thành phố Chí Linh. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu khen thưởng học sinh giỏi của huyện Thanh Trì, Hà Nội (quê hương thầy giáo Chu Văn An). Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

* Cùng ngày, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Cao An Phụ, thị xã Kinh Môn đã tổ chức khai hội Xuân Ất Tỵ năm 2025. Với truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Lễ hội là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giá trị tâm linh với chân - thiện - mỹ làm cho các thế hệ hôm nay hiểu được công lao to lớn của tổ tiên, bồi đắp niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc và truyền thống văn hiến của quê hương, đất nước.

Lễ hội diễn ra đến hết ngày mùng 1/4 năm Ất Tỵ với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ; trưng bày sách giới thiệu về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo. Cùng với đó còn có những hoạt động thể thao, giải trí để du khách vui Xuân, chiêm bái.

Mạnh Minh - Tiến Vĩnh (TTXVN)
Chủ tịch nước khai bút đầu xuân tại Khu Lưu niệm Nguyễn Trãi
Chủ tịch nước khai bút đầu xuân tại Khu Lưu niệm Nguyễn Trãi

Nhân dịp Xuân mới Giáp Thìn 2024, sáng 18/2, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới dâng hương và dự Lễ khai bút đầu xuân tại Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi, ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội. Cùng dự có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN