Sự kiện thấm đẫm yếu tố lịch sử
Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 với chủ đề “Dòng chảy di sản” được tổ chức với quy mô quốc tế từ ngày 24/11 đến ngày 30/11. Trong đó, dấu ấn lớn nhất của sự kiện là nhiều hoạt động nghệ thuật, văn hóa đặc sắc, sự kiện đã tạo nên bức tranh đa sắc màu văn hóa, di sản, vùng miền xuyên suốt chiều dài của lịch sử với điểm nhấn là những di sản văn hóa phi vật thể từ dân gian vào cung đình và từ cung đình ra dân gian.
Người dân và du khách đã trải qua 7 ngày sôi động cùng “Dòng chảy di sản” với: Chương trình khai mạc “Vàng son một thuở cố đô” - một màn trình diễn mãn nhãn, dàn dựng sống động tựa như một “bộ phim dã sử cổ trang” vượt thời gian với những câu chuyện dã sử đầy cảm xúc; thưởng trà, ngâm thơ trong không gian lãng mạn tại Hội quán Dục Thúy Sơn; trước khi hòa mình trong trong không gian di sản tại Lễ hội đường phố và cuối cùng là khép lại với đêm bế mạc đề Í A Fest - bữa tiệc âm nhạc bùng nổ, sôi động qua những trải nghiệm âm nhạc trẻ trung, tươi mới mà vẫn đậm chất di sản, truyền thống qua sự kết hợp của những loại hình âm nhạc dân gian 3 miền cùng chất liệu âm nhạc phương tây hiện đại như giao hưởng, rock, R&B, hiphop, rap, EDM…
Mở đầu với Lễ khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024, khán giả đã được hòa mình vào cảm xúc tự hào và tình yêu vùng đất Ninh Bình, yêu quê hương đất nước. Với chủ đề “Vàng son một thuở cố đô”, Lễ khai mạc Festival Ninh Bình như “bộ phim dã sử cổ trang” tái hiện những mốc son lịch sử huy hoàng, “giải mã” những câu chuyện ẩn sâu dưới lớp trầm tích lịch sử rực rỡ của Cố đô Hoa Lư xưa.
Trong gần 2 tiếng, chương trình nghệ thuật “Vàng son một thuở cố đô” khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 được khen ngợi giúp người dân hình dung một cách rõ ràng, mạch lạc và vô cùng sống động về các triều đại đã qua của đất nước, vai trò, sứ mệnh của từng kinh thành Hoa Lư, Huế và Thăng Long.
Đáng chú ý, lần đầu tiên ở một sự kiện nghệ thuật lễ hội, khán giả được thấy toàn bộ bối cảnh, không gian sân khấu không ngừng chuyển động từ đầu tới cuối, nhịp nhàng, sống động, đẹp mắt, khiến người xem giống như được xuyên không đi qua các triều đại, lướt qua các kinh thành, chứng kiến đủ những huy hoàng và cả những nốt trầm trong lịch sử.
Đội ngũ thiết kế sân khấu hàng đầu Việt Nam là các chuyên gia tư vấn, thiết kế, thi công…, đã thực hiện lễ khai mạc trên một sân khấu chuyển động hoàn toàn bằng cơ học. Đây có thể coi là sân khấu chuyển động cơ học đặc biệt nhất từ trước tới giờ tại Việt Nam, với 21 chiếc máy chiếu 3D mapping, những màn trình chiếu gây ấn tượng lớn về mặt thị giác… Chương trình cũng huy động hơn 800 người tham gia biểu diễn gồm các nghệ sĩ, diễn viên, đoàn nghệ thuật, sinh viên, chiến sĩ…
Sau Lễ khai mạc, tại công viên Núi Thúy, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đã diễn ra chương trình “Hội quán Dục Thúy Sơn”. Đây là điểm mới lạ của Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 chủ đề “Dòng chảy di sản”, nhằm giới thiệu đến công chúng và du khách những “di sản” tinh thần vô giá tại Dục Thúy Sơn - Di tích quốc gia đặc biệt tại Ninh Bình.
Theo đó, Công viên Núi Thúy được tạo dựng thành một không gian triển lãm thơ đương đại ngoài trời kết hợp với trải nghiệm thưởng trà, ngâm thơ, ngắm trăng và nghe nhạc cổ truyền theo phong cách dân gian. Đây là một không gian văn hóa nghệ thuật đậm chất thơ với những bàn trà cổ, các nghệ nhân pha trà mặc đồ cổ trang, được trang trí trưng bày các tác phẩm thơ khắc trên núi Dục Thúy bằng nghệ thuật sắp đặt, kết hợp trang trí ánh sáng... Tại đây, du khách được tham gia các hoạt động: Trình diễn pha trà và chia sẻ về văn hoá trà đạo; trình diễn ngâm thơ cổ; biểu diễn hát Chèo, hát Xẩm; trình diễn đọc thơ đương đại; giao lưu và bình các tác phẩm thơ, phú về Dục Thúy Sơn... với sự tham gia của Nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu, NSND Thanh Ngoan, nhà thơ Vi Thùy Linh, nhà thơ Bình Nguyên, nhà thơ Bùi Thị Nhài, cùng các nghệ sĩ đàn Tranh, nghệ nhân Xẩm và các trà nương…
Việc phục dựng, tổ chức Hội quán Dục Thúy Sơn với không gian mở trưng bày nhiều tác phẩm cổ thi, kết hợp trình diễn thơ đương đại, giao lưu trò chuyện về thơ như sự kết nối mạch nguồn thi ca từ quá khứ tới hiện tại, cho người yêu thơ, yêu văn hóa nhìn sâu hơn vào quá khứ, cảm nhận sâu hơn giá trị của những tầng vỉa văn hóa truyền thống, để lớp người đi sau thêm tự hào về di sản văn thơ mà lớp người xưa truyền lại. Hội quán Dục Thuý Sơn càng thêm ý nghĩa khi được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 750 năm ngày sinh của thi nhân Trương Hán Siêu - người đã để lại cho ngọn núi thơ này tên gọi Dục Thúy Sơn.
Đưa lễ hội vào đời sống
Tiếp nối dòng chảy văn hóa dân gian, Lễ hội đường phố - Festival Ninh Bình năm 2024 với chủ đề “Hành trình kết nối dòng di sản” được tổ chức tại cổng Tam Quan, đường Tràng An, thành phố Ninh Bình cũng để lại những dấu ấn lớn trong lòng người dân, du khách. Một Lễ hội đường phố được thực hiện công phu với con đường di sản với nhiều tác phẩm nghệ thuật tạo hình độc đáo bằng những vật liệu dân gian, lấy ý tưởng từ những di sản kiến trúc của Kinh đô Hoa Lư - Kinh đô Thăng Long và Kinh đô Huế.
Du khách đã được hòa mình vào không khí lễ hội sôi động qua các màn trình diễn, giới thiệu các loại hình văn hóa đặc sắc của Ninh Bình như: Màn trình diễn “Cờ lau tập trận”, múa lân, múa rồng; múa trống; múa cồng chiêng và đi cà kheo… Lễ hội còn có sự tham gia của các tiết mục dân ca, dân vũ độc đáo đến từ các vùng, miền trong cả nước như: Hòa tấu trống phách và múa tắc xình dân tộc Cao Lan đến từ Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc,múa Khèn người Mông - Yên Bái, đi cà kheo đến từ Nam Định, múa Chiêng đinh, múa mừng mùa - Đắk Lắk, xiếc đường phố, đoàn lân sư Hùng Anh Đường đến từ Hà Nội… vô cùng sôi động, hấp dẫn.
Bên cạnh đó, du khách được khám phá sự độc đáo, hấp dẫn của 26 gian hàng truyền thống “Chợ xưa nếp cũ” - nơi trưng bày, giới thiệu các di sản ẩm thực, sản phẩm thủ công truyền thống đến từ những nghệ nhân, làng nghề tiêu biểu trong tỉnh; các gian hàng cổ phục - nơi du khách có dịp hoá thân thành các nhân vật trong lịch sử để tham dự lễ hội. Đặc biệt, chương trình Carnival di sản trong khuôn khổ Lễ hội đường phố là hoạt động trình diễn với nhiều loại hình nghệ thuật sôi nổi, tạo không khí gắn kết, lan tỏa.
Nếu như lễ khai mạc để lại những dư âm khó quên về một sự kiện lễ hội có bùng nổ, có mãn nhãn nhưng hơn hết, chương trình đã có giá trị “thức tỉnh” tình yêu lịch sử của các thế hệ khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, thì lễ bế mạc với đại nhạc hội dân gian điện tử “Í A Fest” là cái kết mỹ mãn cho hành trình 7 ngày của Festival.
Đại nhạc hội dân gian điện tử “Í A Fest” diễn ra tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham, tỉnh Ninh Bình, với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ nổi tiếng như: NSƯT Như Huỳnh, ca sĩ Phương Mỹ Chi, Rapper Double2T, ca sĩ Thanh Duy, ca sĩ Yến Lê, ca sĩ Quách Mai Thy, Ban nhạc Ngũ Cung, Dzung, Last Fire Crew, Vũ đoàn Carmen… thu hút hàng ngàn khán giả đổ về từ muôn nơi, cả những du khách nước ngoài tìm đến.
Chương trình được chia thành với 3 phần: Í a, Inh lả và Hò ơ. Phần 1 với chủ đề “Í A” đưa khán giả lên một chuyến xe âm nhạc để về thăm làng quê Bắc bộ - vùng châu thổ phù sa cổ với bề dày nghìn năm lịch sử, đã bồi đắp và tích lũy nên những kho tàng ca dao, tục ngữ và các loại hình diễn xướng, dân ca, dân vũ phong phú, được nuôi dưỡng, phát triển và trở thành những di sản của nhân loại như dân ca, hát văn, chèo cổ… Phần 2 “Inh lả”, khán giả được đến với vùng văn hóa Tây Bắc đa sắc màu cùng một kho trầm tích văn hóa dân gian được hình thành, lưu giữ và phát triển từ ngàn xưa, rất nhiều giai điệu của núi rừng đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ tạo nên những tác phẩm âm nhạc hiện đại, đậm chất riêng. “Hò ơ” đưa khán giả đến miền Trung và Nam Bộ, thưởng thức các làn điệu dân ca mang sự uyển chuyển, gần gũi, tựa như nhịp điệu của mái chèo, tái hiện lại cuộc sống lao động sản xuất của người dân. Từ nguồn cảm hứng đó, các nghệ sĩ trẻ đã không gian của âm nhạc điện tử và chinh phục khán giả với những tác phẩm quen thuộc nhưng mới lạ và độc đáo.
“Í A Fest” là một bữa tiệc âm nhạc dân gian đương đại kết nối các thế hệ người yêu nhạc, là cuộc đối thoại giữa dân gian và đương đại, giữa quá khứ với tương lai, giữa di sản và thời đại, giữa không gian và thời gian, bằng sự giao thoa của giữa âm thanh và trải nghiệm thị giác.
Với cách thức phù hợp với đương thời, với âm nhạc của người trẻ, di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống có hướng đi mới, hòa vào đời sống hôm nay một cách ấn tượng, hấp dẫn, thu hút, tạo nên sức sống mới nối dài đến mai sau. “Í A Fest” cũng như các sự kiện tại Festival Ninh Bình 2024 đã và đang làm được điều đó.
“Í A Fest” là chương trình bế mạc Festival Ninh Bình 2024 nhưng mở đầu cho hướng đi đưa Ninh Bình trở thành điểm đến của các sự kiện, lễ hội âm nhạc mang tầm quốc tế trong tương lai gần, góp sức vào công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh Ninh Bình.
Ông Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024, nhận định: “Thành công rực rỡ của Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 thêm một lần nữa khẳng định năng lực và cam kết mạnh mẽ của tỉnh Ninh Bình trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa lớn tầm quốc gia và quốc tế; hiện thực hóa chủ trương xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trung tâm tổ chức sự kiện, công nghiệp văn hóa; góp phần truyền tải những giá trị truyền thống, yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc tới các thế hệ; đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của Nhân dân và du khách; góp phần thúc đẩy giao lưu, hợp tác, phát triển du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội”.
Ban tổ chức cho biết, Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 cũng đồng thời hiện thực hóa chủ trương, định hướng của tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trung tâm lớn có giá trị cao về du lịch, công nghiệp văn hoá và tổ chức sự kiện quốc gia, khu vực và quốc tế.