Đây cũng là vở diễn nhà hát sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ III, do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) phối hợp tổ chức.
“Hồn Trương Ba da hàng thịt” là kịch bản vốn đã trở nên quen thuộc với nhiều loại hình sân khấu như: Kịch nói, chèo, tuồng, kịch hình thể… Thế nhưng ở loại hình nghệ thuật rối cạn, vở diễn này được nhận xét mang một hơi thở mới đến với nghệ thuật sân khấu đương đại, đồng thời truyền tải đến công chúng thông điệp ý nghĩa, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ có ý nghĩa tư tưởng và triết lí nhân văn sâu sắc.
Vở diễn "Hồn Trương Ba da hàng thịt" mang đến sự háo hức cho khán giả. Ảnh: CTV |
Với kịch bản gốc dài hơn 2 tiếng, NSƯT Đăng Tiến đã chuyển thể kịch bản còn 65 phút, trong đó các nghệ sỹ phải lựa chọn những trích đoạn, hình ảnh cô đọng nhất để không làm thay đổi ý tưởng cũng như nội dung của kịch bản gốc. Và điều quan trọng nhất là tìm cách thể hiện trên loại hình rối cạn làm sao để tác phẩm trở nên hấp dẫn người xem. Trong vở diễn này, điều khiến người xem ấn tượng nhất đó chính là ý tưởng sân khấu với bàn cờ âm dương, kèm theo đó là tạo hình sân khấu với thiết kế 3 tầng, tượng trưng cho thiên đình và hạ giới, người trần và tiên cảnh. Bên cạnh với tạo hình sân khấu, phầm âm nhạc của vở diễn cũng được nhận xét là gây được "ép phê" cho người xem với những tiếng dép, tiếng guốc mộc loẹt quẹt, hòa quyện thành một bản nhạc mang đậm âm hưởng dân gian trong khu chợ đông đúc huyên náo, cũng chính là bối cảnh của vở diễn.
Điều đặc biệt, vở diễn đã được đạo diễn Lê Chí Kiên kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như: Chèo, hát xẩm, hát văn, múa… trên nền của rối cạn và có sự kết hợp thành công giữa người và con rối một cách tự nhiên mà không bị “kênh”, dù thể hiện ở nhiều tầng sân khấu. Để từ đó, người xem có thể cảm nhận rõ ràng bi kịch của con người khi bị đặt vào nghịch cảnh phải sống nhờ, sống tạm trên thân xác người khác, trái với tự nhiên, khiến tâm hồn nhân hậu bị tha hóa trước sự lấn át của thể xác phàm tục, thô lỗ.
NSND Hoàng Tuấn - Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long chia sẻ: “Điều khiến chúng tôi băn khoăn nhất khi xây dựng vở diễn này chính là phải làn sao để không đi theo lối mòn của những vở diễn trước đó. Rồi làm sao đưa được các thế mạnh của múa rối vào, để vở diễn đạt hiệu quả hình ảnh cao nhất. May mắn, sân khấu múa rối có được lợi thế khi thể thể hiện những hình ảnh, những cảnh diễn bay bổng mà ở các loại hình khác không làm được. Qua đó, vở diễn cũng đáp ứng được tiêu chí sáng tạo, độc đáo và mới lạ theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật”.
Còn theo đánh giá của TS-NSND Phạm Thị Thành: “Bên cạnh việc xâu chuỗi sự kiện kịch một cách rõ ràng và mạch lạc, vở diễn đã tạo nên sự sinh động, hấp dẫn nhờ có sự đầu tư vào phần thiết kế sân khấu với "bàn cờ âm dương" rất sáng tạo, có nhiều đất diễn cho diễn viên và những con rối. Vở diễn nhận được phản hồi tích cực từ phía Hội đồng nghệ thuật và từ phía khán giả, tôi cho rằng đây là một vở diễn thành công”.
Về định hướng của Nhà hát múa rối Thăng Long trong thời gian tới, NSND Hoàng Tuấn chia sẻ: “Việc xây dựng vở rối cạn “Hồn Trương Ba da hàng thịt” là hướng đi và cách làm mới của nhà hát. Bên cạnh việc gìn giữ giá trị của những vở rối nước truyền thống, nhà hát cũng định hướng xây dựng những vở diễn mới với phong cách mới mẻ hơn. Trước hết là để anh chị em nghệ sỹ có cơ hội sáng tạo, làm mới mình và sau là để mang đến sự mới mẻ cũng như thu hút sự quan tâm của khán giả đến với sân khấu truyền thống”.