Dự kiến năm 2016, trung tâm đạt doanh thu hơn 220 tỷ đồng; trung tâm dành khoảng 1/2 trong tổng số doanh thu phục vụ cho công tác trùng tu di tích.
Kể từ khi hệ thống di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đến nay, bằng các nguồn vốn Trung ương, địa phương và các nguồn khác, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai trùng tu, phục hồi gần 150 công trình. Cùng với đó hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan môi trường, phần nội thất công trình của hệ thống di tích Cố đô Huế đã được trùng tu, trả lại diện mạo vốn có cho di tích. Nhiều công trình được trùng tu đã phát huy giá trị trong việc đón du khách đến tham quan như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống trường lang Tử Cấm Thành, Minh Lâu, điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi Đình (lăng Minh Mạng); điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải Định), chùa Thiên Mụ, cung An Định, các cổng của kinh thành Huế...
Trùng tu Nhật Thành Lâu, Đại Nội, Huế. |
Bên cạnh nỗ lực của địa phương, đến nay đã có hơn 50 tổ chức quốc tế, đứng đầu là các tổ chức chính phủ, phi chính phủ của các nước Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Đức... để thực hiện các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn di sản trên lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường. Gần đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có một số thỏa thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế như Viện Nghiên cứu Di sản thế giới UNESCO Waseda - Nhật Bản về trùng tu điện Long An (Thái Miếu triều Nguyễn) và việc phục hồi điện Cần Chánh. Đáng chú ý, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức hơn 10 cuộc hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế về chủ đề nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và xuất bản hơn 20 công trình nghiên cứu về văn hóa Huế; giới thiệu, hợp tác quốc tế làm cho công tác kêu gọi trùng tu di tích Cố đô Huế ngày càng mang lại hiệu quả rõ rệt.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã có nhiều tiến bộ trong công tác trùng tu, đảm bảo chân xác các giá trị lịch sử của di tích. Đơn vị cũng vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), nhằm nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ và tư vấn trong lĩnh vực bảo tồn di tích thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế. Hai đơn vị tập trung thực hiện 5 nội dung chính theo thỏa thuận, gồm: Nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực bảo tồn di tích; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức trong lĩnh vực bảo tồn di tích cho các cán bộ chuyên môn, thợ lành nghề; trao đổi hoạt động truyền thông nhằm quảng bá phổ biến thông tin về di sản và công tác bảo tồn di tích; xuất bản sách và ấn phẩm về di sản và công tác bảo tồn di tích; tổ chức các hoạt động như: tọa đàm, hội thảo, tham quan, giao lưu, trao đổi nghiệp vụ trong lĩnh vực quản lý di sản và bảo tồn di tích, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế nói riêng và công tác bảo tồn di tích ở Việt Nam nói chung.
Theo ông Phan Thanh Hải, năm 1996, di tích Huế mới chỉ đón khoảng trên dưới 2.000 lượt khách/năm thì năm 2015 đã đón hơn 2 triệu lượt khách, trong đó có gần 55% là khách quốc tế. Nguồn thu từ di tích cũng tăng nhanh, nếu năm 1996 đạt khoảng 20 tỷ đồng một năm thì năm 2015 đạt hơn 200 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phấn đấu đến năm 2020, nguồn thu từ di tích khoảng 300 tỷ đồng, lúc đó, đơn vị có thể tự đáp ứng kinh phí cho nhu cầu trùng tu di tích.