Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng Vi Trần Thùy, Hội nghị thường niên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương được tổ chức luân phiên 2 năm/lần tại các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Mục đích chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng và phát triển Công viên địa chất theo các tiêu chí của UNESCO.
Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á Thái Bình Dương được tổ chức vào đầu tháng 9/2024 tại Cao Bằng. Hội nghị dự kiến có khoảng 800-1.000 đại biểu quốc tế là đại diện các Công viên địa chất trên toàn thế giới, chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả, nhà quản lý tham dự.
Trong khuôn khổ Hội nghị có hoạt động hội thảo chuyên đề, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, tổ chức các gian hàng quảng bá hình ảnh du lịch địa phương.
Hội nghị được tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hiệu quả, giải pháp hữu ích trong công tác xây dựng và phát triển Công viên địa chất giữa các thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương; xúc tiến, quảng bá tiềm năng du lịch, miền đất và con người Cao Bằng nói riêng, Việt Nam nói chung.
Đây cũng là dịp để tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh thực hiện các nội dung đột phá về phát triển du lịch, dịch vụ bền vững giai đoạn 2021-2023. Đồng thời, tỉnh tiếp tục học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát triển, phát huy giá trị mô hình Công viên địa chất với các nước trên thế giới; tăng cường quảng bá hình ảnh tỉnh Cao Bằng, mở ra cơ hội mới cho du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Qua đó, khẳng định năng lực của tỉnh trong công tác tổ chức sự kiện lớn, mang tầm quốc tế...
Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.683 km. Hiện nay, tỉnh Cao Bằng mở 4 tuyến khám Công viên địa chất này là: Khám phá Phia Oắc-Vùng núi của những đổi thay; “Trở về nguồn cội”; Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên; Một thời hoa lửa.