Thưa Hòa thượng, xin Hòa thượng cho biết nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Vu Lan tháng Bảy Âm lịch?
Mùa Vu Lan báo hiếu đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Lễ Vu Lan báo hiếu xuất phát từ một điển tích trong kinh điển của Phật giáo. Điển tích này nhắc tới tôn giả Mục Kiền Liên - 1 trong 10 đệ tử lớn của đức Phật và quá trình xin cho vong mẫu của ông được thoát khỏi chốn khổ đau.
Đức Phật nói, tháng Bảy là ngày mãn hạ 3 tháng an cư, các chư tăng, ni có rất nhiều năng lượng, hãy tới nhờ họ chú nguyện cho vong hồn mẹ, thì sẽ được siêu thoát. Tôn giả Mục Kiền Liên đã làm theo lời đức Phật và vong hồn mẹ ông được giải thoát khỏi chốn khổ đau.
Trong Phật giáo có 4 ơn lớn gồm: Ơn Tam bảo; ơn quốc gia xã hội; ơn cha mẹ sinh thành, thầy cô dạy bảo và ơn tất cả mọi loại chúng sinh. Nhưng riêng trong tháng Bảy Âm lịch thì nặng về báo ơn cha mẹ. Từ đó hình thành nên mùa tri ân và báo ân, hay còn gọi là mùa Vu Lan.
Khi Phật giáo truyền vào Việt Nam thì có một điểm chung với văn hóa của người Việt là lòng hiếu kính, nhớ ơn cha mẹ. Vì thế, lễ Vu Lan của Phật giáo cũng trùng vào mùa báo hiếu của dân tộc Việt Nam.
Người Việt Nam xưa có câu: “Cúng giỗ quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Bảy”với quan niệm Rằm tháng Bảy là ngày Đức Phật xá tội. Đây là ngày vong linh tiên tổ ông bà được giải thoát về cõi tịnh độ, nhận đồ cúng dàng của con cháu.
Ngày lễ mang tính chất nhân văn khi dạy cho con người ai cũng có cha mẹ, ông bà, tổ tiên hay nói cách khác là dạy cho con người cách nhớ về nguồn cội, “chim có tổ, nước có nguồn”. Từ đó, nhắc nhở người con luôn biết ơn cha mẹ, hiếu kính với cha mẹ.
Xin Hòa thượng cho biết về quan điểm hiếu kính cha mẹ trong đạo Phật?
Đức Phật đề cao vai trò của người cha, người mẹ. Phật dạy rằng: “Có cha mẹ trong nhà như Phật ở đời”, cha mẹ ở trong nhà mà con cái không biết kính quý, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ thì đến chùa cũng không gặp được Phật.
Đức Phật cũng là một tấm gương hiếu kính với cha mẹ trong nhiều kiếp. Đến khi thành Phật, Ngài còn về thăm vua cha 3 lần. Trong đó, lần về thăm vua cha đau yếu, Ngài bưng cháo cho cha ăn; lần về thăm thứ ba khi vua cha băng hà, Ngài khiêng kinh quan vua cha.
Mẹ của Đức Phật qua đời ngay sau khi sinh ra Ngài không lâu, thì ngay khi đắc đạo, Ngài lên trời giảng kinh cho mẹ nghe trên cung trời Đạo Lợi.
Từ tinh thần hiếu kính của Đức Phật, người Việt Nam theo Phật giáo có câu “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Tinh thần Rằm tháng Bảy và lễ Vu Lan được nhân rộng trong dân gian như là một nét đẹp truyền thống văn hóa đạo hiếu của người Việt Nam về hiếu kính với cha mẹ, phụng thờ ông bà, tổ tiên.
Xin Hòa thượng lý giải thêm về tục "bông hồng cài áo" trong lễ Vu Lan ở nước ta?
Bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan xuất phát từ một phong tục của người Nhật, được hoà thượng Thích Nhất Hạnh đưa về nước từ những năm 1960. Vì đây là một phong tục đẹp, nên dần dần người Việt học theo, làm theo trong mùa Vu Lan báo hiếu.
Khi du nhập vào Việt Nam, vào mùa Vu Lan báo hiếu, người ta cài những bông hồng lên ngực để tỏ lòng tôn kính, mến yêu cha mẹ.
Người nào còn đủ cả cha mẹ thì cài bông hồng đỏ tươi, người nào chỉ còn cha hoặc mẹ thì cài bông hồng màu nhạt hơn, người nào đã mất cả cha mẹ thì cài bông hồng trắng.
Bông hoa hồng tượng trưng cho niềm hạnh phúc. Bông hồng đỏ ví như niềm hạnh phúc khi cha mẹ còn. Bông hồng đỏ được cài lên ngực để nhắc nhở người con luôn luôn phải phụng dưỡng cha mẹ.
Bông hồng trắng nhắc nhở người con hãy luôn nhớ về mẹ, nhớ về cha. Dù cha mẹ có khuất bóng cũng chỉ là mất đi về hình hài, còn tinh thần, truyền thống, huyết thống vẫn còn.
Như câu nói “Con đâu cha mẹ đấy”, sau này được hiểu nôm na là đi đâu thờ cha mẹ theo cùng. Nhưng ý nghĩa thực của câu nói này là trong con có tất cả của cha, của mẹ; hình hài, tinh thần của mình chính là hình hài, tinh thần từ cha mẹ.
Lễ Vu Lan báo hiếu trước đây chỉ diễn ra ngày 14 - 15 của tháng Bảy Âm lịch, nhưng nay đã thành một lễ lớn, nhiều nơi đã làm thành mùa Vu Lan báo hiếu kéo dài trong cả tháng.
Thưa Hòa thượng, vậy những điều người con nên làm trong mùa báo hiếu này là gì?
Tháng Bảy hay mùa Vu Lan chỉ là tháng trọng tâm, còn người con có hiếu thì không chỉ có tháng này, ngày này. Như câu nói “Chung thân báo hiếu”, người con báo hiếu cha mẹ cả một đời.
Khi cha mẹ còn, người con cần luôn săn sóc, phụng dưỡng. Ở thời đại công nghệ, hàng ngày chỉ cần cầm điện thoại lên gọi một tiếng, để nhìn thấy hình mẹ, nghe thấy giọng cha.
Khi cha mẹ đau yếu, người con cần tận tâm thuốc thang, chữa trị.
Và khi cha mẹ qua đời, người con cần lo tang ma cho cẩn thận. Tang ma cẩn thận không có nghĩa là làm rình rang, lấy lễ tang của cha mẹ phục vụ các mục đích khác, mà phải lo lễ hiếu cho tròn, cha mẹ mồ yên, mả đẹp.
Trong dịp Rằm tháng Bảy hay mùa Vu Lan, người con nhớ ơn ông bà, cha mẹ nên có làm mâm cỗ cúng theo nghi lễ của người Việt. Nhưng tất cả lễ nghi đó vẫn cốt là thành tâm, không cần đến mâm cao, cỗ đầy.
Trong Phật giáo không dạy đốt mã. Trong trường hợp các gia đình vẫn theo tập tục đốt mã của người Việt xưa cho rằng cần đốt mã, thì chỉ nên làm tượng trưng, tránh bày biện rườm rà, tốn tiền của, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ sinh hỏa hoạn.
Tất cả đều cần phải từ lòng thành của con người, lễ từ tâm mà không nên chạy theo sự phô trương, hình thức.
Xin trân trọng cảm ơn Hòa thượng!