Hẹn mùa xuân tới lên thăm Công viên Văn Lang...

LTS: Năm 2013, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã đặt quyết tâm sẽ hoàn thành việc xây dựng Công viên Văn Lang tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ) nhằm tạo ra một "điểm đến văn hóa" cho du khách cũng như người dân khi về miền đất Tổ.


Công viên Văn Lang khi đưa vào hoạt động hứa hẹn sẽ trở thành một trung tâm văn hóa mang đậm dấu ấn thời Hùng Vương, và gắn với những huyền tích ra đời của dân tộc Việt Nam. Dự kiến công viên sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013, và đến mùa xuân năm 2014, du khách đã có thể "trảy hội" đến với công viên, như một sự "tưởng nhớ" về tổ tiên...


Khu du lịch Văn Lang được xây dựng ở trung tâm thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ). Việt Trì - thành phố mà thời dựng nước đã được các Vua Hùng chọn làm nơi đóng đô của nhà nước Văn Lang. Ngày nay, thành quách xưa không còn nhưng những di tích và những truyền thuyết về thời Hùng Vương, về Kinh đô của nhà nước Văn Lang vẫn còn đó: Cung điện của vua ở làng Cả; Lâu Thượng là nơi vợ con vua ở; Cẩm Đôi là nơi đóng quân; thôn Nỗ Lực là trường tập bắn cung nỏ; Gò Tro là nơi tập trận; cánh đồng Cấm là nơi vua luyện võ. Minh Nông là nơi vua dậy dân cấy lúa; Thậm Thình là nơi giã gạo công; Lầu kén rể ở Tiên Cát; sự tích bánh chưng, bánh dầy của Lang Liêu ở thôn Hương Trầm; núi Nghĩa Lĩnh là nơi đặt điện Kính Thiên... Các truyền thuyết về Thánh Gióng, về Tiên Dung - Chử Đồng Tử, về Mai An Tiêm với quả dưa đỏ, sự tích hạt thóc thần, trầu cau... còn đọng mãi trong tâm trí mỗi người Việt Nam.


Hình phối cảnh Nhà thuyền tại Công viên Văn Lang.


Theo quy hoạch, vào thăm Khu du lịch Văn Lang, du khách như được thấy lại phần nào cuộc sống của người dân Văn Lang thời dựng nước. Khu du lịch Văn Lang được xây dựng trên khu đất gắn liền với trung tâm thành phố Việt Trì. Địa hình khu du lịch đa dạng: Ở giữa là một hồ nước lớn diện tích gần 60 ha cùng với ba hồ nhỏ ở phía tây và phía nam, xung quanh là những đồi nhỏ thể hiện đặc trưng của vùng đất trung du.


Với diện tích trên 126 ha, khu du lịch được chia thành nhiều khu với các chức năng khác nhau. Đầu tiên là Khu văn hóa lịch sử thời Hùng Vương, với khu Lạc Long Quân - Âu Cơ nằm phía đông bắc công viên. Bà Âu Cơ với trang phục thời tiền sử, đứng giữa thảm hoa dân tộc xung quanh có biểu tượng “Trăm trứng”. Những biểu tượng này được khái quát hóa cao với những quả trứng đang nở đặt trên những thảm hoa dân tộc, tạo thành một vành đai hoa quanh mẹ Âu Cơ. Các tượng nhỏ đặc trưng cho các dân tộc Việt Nam như Kinh, Thái, Mường, Mông, Tày, Dao, Nùng, Mơ Nông, Ê Đê, Gia Lai... bằng gốm màu đứng trên các thảm hoa, mô phỏng hoa văn của từng dân tộc được đặt thành cụm trên đường dạo ven hồ. Cô gái Mông với trang phục dân tộc rực rỡ tay cầm ô, cô gái Tày cầm đàn tính, chàng trai Ê Đê với thân hình vạm vỡ đeo nỏ, cô gái Kinh với áo tứ thân, cô gái Chăm với bình nước trên đầu, cô gái Thái với váy áo đặc sắc của dân tộc mình; các chàng trai, cô gái Mường với dàn cồng chiêng âm vang...


Tất cả các dân tộc đang về với đất Tổ, với mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân.


Cung điện Lạc Long Quân được xây dựng dưới đáy hồ. Cung điện mang hình một con rồng lớn quay về tượng Âu Cơ, đuôi rồng ở cổng vào phía đông bắc. Rồng có bộ vây gốm nhiều màu rực rỡ. Du khách có thể vào bụng rồng để thăm thủy cung. Qua khung cửa kính, có thể thấy những lâu đài, cung điện dưới thủy cung trong ánh điện lung linh dưới nước. Những đàn cá chép đỏ, cá vàng và những loài thủy tộc bơi lượn xung quanh. Du khách cũng có thể dùng trà, cà phê do các con cháu, binh lính và vũ nữ của nhà vua phục vụ.


Khu Sơn Tinh - Thủy Tinh được bố trí trên đồi phía bắc hồ dọc trục đường lớn. Ở đây du khách sẽ được thấy những lễ vật của Sơn Tinh dâng Vua Hùng, đó là: Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Các cháu nhỏ được trèo lên mình voi, xem voi đung đưa vòi, trèo lên mình ngựa nghe ngựa hí và ngắm nhìn chú gà cất tiếng gáy. Những nam thanh, nữ tú có thể mặc y phục của Sơn Tinh, Thủy Tinh, Ngọc Hoa, Vua Hùng để chụp ảnh trong Lầu kén rể. Một bộ phim về cuộc chiến Sơn Tinh - Thủy Tinh sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về cuộc đua tài hiếm thấy, việc tuyển chọn người hiền tài của cha ông thuở trước.


Trên hồ nước có hai đảo nhỏ: đảo Mai An Tiêm và đảo Tiên Dung - Chử Đồng Tử. Đảo Mai An Tiêm nổi ở giữa nhánh hồ tây nam, trên đảo có biểu tượng hình quả dưa hấu. Du khách vào đây được giải khát bằng những miếng dưa hấu đỏ tươi, ngọt lịm của vợ chồng An Tiêm thuở nào. Lâu đài của Tiên Dung và Chử Đồng Tử được xây dựng trên một đảo nhỏ giữa hồ. Lâu đài hoa lệ ẩn hiện qua làn sương mù buổi sớm, hay trong khói lam chiều.


Một đài phun nước lớn được đặt ở khu vực phía bắc công viên. Bể nước có đáy lát hình trống đồng. Trên mặt hồ có dàn nhạc nước và hệ thống đèn màu huyền ảo, lộng lẫy góp phần làm đẹp cho trung tâm thành phố.


Đi vào dải đất phía đông, nhánh hồ khu vực Tiên Sơn, chúng ta được chiêm ngưỡng các biểu tượng gợi nhớ về những truyền thuyết. Giữa thảm cỏ xanh, một cây cau thân thẳng vút lên trời, dưới gốc có một tảng đá hình người và một khóm trầu không quấn quýt quanh tảng đá, gốc cau. Một giọng hát văng vẳng cất lên:


“Ngày xưa...


Có hai anh em bên nhà kia...


Cùng yêu thương một cô gái làng bên...” làm ta thấy lại một hình ảnh anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa. Du khách sẽ được nhận miếng trầu cánh phượng để thưởng thức hoặc mang về cho người thân.


Và du khách cũng sẽ tới thăm hạt thóc thần. Xưa hạt thóc thần được mô tả to như chiếc thuyền nan. Hạt thóc bằng gốm màu được dựng lên trên thảm hoa văn Lạc Việt. Hạt thóc đã từng nuôi người dân Văn Lang cho đến ngày nay nhưng đồng thời cũng để lại cho chúng ta một bài học về sự lười biếng bị trừng phạt. Đức tính cần cù, chịu thương chịu khó của Lang Liêu lại được đền đáp qua tích Bánh dày, Bánh chưng. Với một biểu tượng mang đậm tính triết học: “Trời tròn - Đất vuông”, những chiếc bánh chưng và những cặp bánh dày khổng lồ soi bóng lung linh trên mặt nước Đầm Cả.


Vào thăm khu thể dục thể thao bạn sẽ thấy các sân vận động, bể bơi đã được tu sửa, nâng cấp. Nhà thi đấu mới được xây dựng khang trang. Bên cạnh đó nhiều hoạt động thể dục, thể thao truyền thống như đấu vật, ném còn, đá cầu, đấu cờ, đánh phết được khuyến khích. Trên hồ sẽ bố trí thêm các loại hình thể thao dưới nước như bơi thuyền, câu cá, săn bắt cá dưới nước.


Vào khu thanh thiếu niên, bạn sẽ được thấy tượng cậu bé làng Gióng ngồi trên ngựa sắt bay về trời sau khi đánh tan quân xâm lược. Những trò chơi truyền thống, những buổi duyệt nghi thức đội hay những đêm lửa trại sẽ được tổ chức tại đây.


Khu biểu diễn hát xoan nằm ở bờ hồ Cây Sa. Tại đây sẽ dựng ngôi đình thờ Hùng Vương. Trước cửa đình có sân biểu diễn hát xoan để du khách được thưởng thức Di sản văn hóa của nhân loại, đồng thời ngắm bức tượng đẹp tôn vinh nàng Quế Hoa - người đã sáng tạo ra làn điệu xoan từ thời Vua Hùng.


Khu ẩm thực nằm ở phía tây nhánh hồ Đầm Cả, nơi đây có các nhà hàng đón du khách đến thưởng thức các món ăn có từ thời Hùng Vương theo kiểu những bữa “ngự thiện” của các Vua Hùng hay những bữa cơm dân dã độc đáo của người dân Văn Lang: Các món ăn chế biến từ sắn, khoai, kê, trám, măng... đã được các hoàng tử, công chúa con Vua Hùng đặt tên cùng với thịt thú rừng như hươu, nai, thỏ, gà rừng, cá, ba ba, rắn, trăn...; cuối bữa sẽ có các hoa quả tráng miệng như hồng Hạc, dưa hấu, quýt Thượng, quýt Hạ.


Trong phòng ăn lớn, các du khách sẽ được xem Lang Liêu dâng bánh dày, bánh chưng, các hoàng tử, công chúa dâng các món ăn đặc biệt, Mai An Tiêm dâng dưa hấu... Vua Hùng sau khi thưởng lãm sẽ ban phát cho các thần dân. Các vũ nữ sẽ mang lộc nhà vua ban phát tới từng bàn cho các du khách...


Khi hoàn thành, đến Công viên Văn Lang những con Rồng, cháu Tiên sẽ được cùng nhớ lại một truyền thuyết đầy chất thơ về lịch sử dân tộc, để thêm tự hào và thêm yêu tổ tiên, đất nước mình.


KTS Nguyễn Thế Khải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN