Hệ lụy của dịch COVID-19 tới ngành âm nhạc

Giám đốc âm nhạc của Trường Cao đẳng Âm nhạc và Kịch nghệ Royal Welsh (Anh) nhận định một thế hệ các nghệ sĩ âm nhạc có thể biến mất khi các biện pháp phong tỏa do dịch COVID-19 có nguy cơ khiến những người làm nghệ thuật trở nên e ngại khi cất lên giọng ca hay biểu diễn trước đông người.

Chú thích ảnh
Một thế hệ các nghệ sĩ âm nhạc có thể biến mất do dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Khi chính phủ bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa do COVID-19, cũng giống như nhiều ngành nghề khác, các nhóm nhạc, dàn hợp xướng đều phải tạm ngừng trình diễn. Giám đốc Rhys-Evans cho biết mối quan tâm lớn nhất trong sự nghiệp của mình là tạo cơ hội cho nhiều nghệ sĩ được hát, song giờ đây hoạt động này lại bị cấm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo ông, giọng hát cũng giống như cơ bắp, nếu không vận đồng thường xuyên sẽ mất đi sự linh hoạt và dẻo dai, dần dần các nghệ sĩ cũng sẽ mất đi sự tự tin vốn có khi trình diễn trước công chúng. Do đó, ông cho rằng cần tăng cường nỗ lực tổ chức các buổi hòa nhạc để các ca sĩ có cơ hội được cất giọng và theo thời gian, họ sẽ có thể tiếp tục tỏa sáng trên sân khấu.

Ông cũng khuyên các nghệ sĩ trẻ thay vì lãng phí thời gian trên TikTok, họ cần cùng nhau tập luyện thực sự. Việc tập luyện qua ứng dụng Zoom, với đường truyền Internet chất lượng kém, cũng ảnh hưởng đến chất lượng và cảm hứng biểu diễn.

Ông Rhys-Evans cũng chỉ ra rằng không chỉ riêng các nghệ sĩ mà tâm lý của những người yêu âm nhạc nói chung đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong khi nhiều người vẫn có thể làm việc trực tuyến hiệu quả, thì cũng có nhiều người mất đi tự do và thú vui được ca hát nơi đông người. Theo ông, đây là một hoạt động vui vẻ, khi mọi người có dịp tụ tập ăn uống, xem truyền hình và hứng khởi cất cao giọng ca. Ca hát cũng tự nhiên như hơi thở, song khi bản năng ấy bị kìm hãm thì sẽ để lại tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, đặc biệt là những thanh thiếu niên đang không có cơ hội tương tác xã hội và bất ngờ khám phá ra năng khiếu âm nhạc của bản thân. Ca sĩ cũng cần được rèn luyện như các vận động viên, song dịch bệnh đang khiến các thiếu niên có thiên phú về âm nhạc bị lỡ mất vài năm phát triển.

Nữ ca sĩ dòng nhạc cổ điển Elin Manahan Thomas tới từ thành phố Swansea (Anh) cũng thừa nhận cô có cảm giác lo lắng khi trình diễn ở mọi cấp độ. Trình diễn âm nhạc là hoạt động đầu tiên phải tạm dừng khi dịch mới bùng phát và là một trong những hoạt động cuối cùng được nối lại. Để phòng ngừa virus lây lan, mọi người đều phải đeo khẩu trang khi tham dự sự kiện đông người, nhưng các ca sĩ cần hít thở mới có thể cất giọng, nên hoạt động này bị hạn chế.

Sau thời gian dài không được biểu diễn, nhiều nhóm nhạc và hợp xướng đã rất xúc động khi được cùng nhau tập luyện và trình diễn trở lại, nhưng nhiều người trong số họ vẫn còn thiếu tự tin. Nữ ca sĩ Thomas chia sẻ sẽ mất thêm thời gian cô mới có thể lấy lại cảm giác ca hát, quen với cách điều chỉnh nhịp thở để lấy lại khả năng như trước kia, cũng như đạt được trình độ như bản thân kỳ vọng. Theo cô, điều quan trọng nhất vẫn là sự tương tác khi hát trong dàn hợp xướng, với những kỹ năng như lắng nghe, hòa nhịp và cất giọng. Các thành viên sẽ cần phải tập luyện trong một thời gian mới có thể phối hợp nhịp nhàng trở lại, đem đến buổi trình diễn hoàn hảo cho khán giả.

Đặng Ánh (TTXVN)
Mỹ: Nghiên cứu về hiện tượng COVID-19 kéo dài ở trẻ em
Mỹ: Nghiên cứu về hiện tượng COVID-19 kéo dài ở trẻ em

Các nghiên cứu về COVID-19 thời gian gần đây cho thấy cứ 4 trẻ em mắc COVID-19 thì 1 em có thể có những triệu chứng COVID kéo dài, có thể tới 3 tháng hoặc lâu hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN