Hà Nội đang trở thành đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế trên các lĩnh vực: Kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ...
Thúc đẩy hợp tác quốc tế
Nhiều năm qua, Hà Nội thực sự trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu; thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị với thủ đô, thành phố của các quốc gia, vùng lãnh thổ; tham gia tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng…
Thành phố luôn chú trọng đưa các quan hệ hợp tác đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ với các đối tác láng giềng hữu nghị truyền thống, các đối tác trong ASEAN, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện... Không chỉ mở rộng hợp tác song phương, Hà Nội còn là thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế lớn như: Mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ 21 (ANMC21), Hiệp hội các thành phố lớn trên thế giới (Metropolis), Mạng lưới các thành phố thông minh (ASCN), Mạng lưới các chính quyền địa phương về quản lý dân cư (Citynet)... Với sự chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn hợp tác đa phương, Hà Nội khẳng định vai trò thành viên quan trọng, tích cực, có trách nhiệm trong các tổ chức quốc tế liên đô thị, góp phần nâng cao uy tín và vị thế Thủ đô trên trường quốc tế.
Đánh giá cao hoạt động đối ngoại của Hà Nội, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Mỹ Nguyễn Tâm Chiến bày tỏ, Thủ đô của một đất nước chịu nhiều chiến tranh, giờ đây giương cao mục tiêu hòa bình trong các hoạt động xã hội, đóng góp cho cộng đồng thế giới là rất đáng trân trọng. Ông cho rằng, Hà Nội cũng như cả nước đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực nhưng công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế sẽ mang lại cho Hà Nội không ít cơ hội về thu hút nguồn lực. Giờ đây, Hà Nội cần thúc đẩy quan hệ đối ngoại một cách mạnh mẽ hơn, có thể kết hợp với các địa phương khác, các tổ chức xã hội để thực hiện một cách có hiệu quả.
Những năm qua, nhiều hội nghị quốc tế đã được tổ chức ở Hà Nội, trong đó có Hội nghị cấp cao APEC vào năm 2006, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132)... Gần đây nhất, danh hiệu Thành phố vì hòa bình, Điểm đến hữu nghị một lần nữa được khẳng định khi Hà Nội được lựa chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai. Không chỉ đóng vai trò cầu nối hòa bình, qua sự kiện quan trọng này, hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, phát triển năng động và yêu chuộng hòa bình đã được cả thế giới biết đến.
Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng, Hà Nội là nơi diễn ra nhiều hoạt động đối ngoại lớn. Các hoạt động đó chỉ có được thành công nếu có sự ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân thành phố. Bên cạnh hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân cũng có sự hưởng ứng nhiệt tình của lãnh đạo và nhân dân thành phố. Những đóng góp của Hà Nội vào công tác đối ngoại rất to lớn, hình thành nhiều công trình ý nghĩa về biểu tượng đoàn kết, hữu nghị với nhân dân thế giới như: Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, Cung Hữu nghị Việt – Trung...
Phát triển mạnh kinh tế đối ngoại
Hai bên tuyến đường Nội Bài – Thăng Long, ai cũng dễ dàng nhận thấy Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long ngày càng rộng mở với sự phát triển sôi động. Các khu nhà xưởng của doanh nghiệp Nhật Bản nằm san sát với diện tích rộng lớn, được xây dựng hiện đại. Đó chính là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Hà Nội trong những năm qua.
Kinh tế đối ngoại được coi là một trong những mục tiêu trọng tâm trong hợp tác quốc tế, bởi vậy các hoạt động đối ngoại của thành phố đều gắn liền với kêu gọi xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vào Hà Nội. Hà Nội hôm nay đã và đang khoác lên mình chiếc áo mới, diện mạo mới với những bước tiến dài, đổi thay ngoạn mục trong phát triển kinh tế, một phần nhờ vào phát triển kinh tế đối ngoại.
Với vai trò là đầu tàu kinh tế của các tỉnh phía Bắc, năm 2018, thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội đạt hơn 7,5 tỉ USD; đặc biệt 6 tháng đầu năm 2019 đạt trên 5 tỉ USD, đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập. Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã chọn Hà Nội là điểm đến an toàn và hiệu quả để đầu tư, kinh doanh. Điều đó có thể khẳng định đây là mảnh đất hòa bình, mảnh đất cho sự phát triển của cộng đồng quốc tế, thịnh vượng chung cho các đối tác. Hàng năm, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 16% vào GDP của thành phố.
Đáng lưu ý, Hà Nội cũng là địa điểm của 1.600 văn phòng đại diện nước ngoài, 14 khu công nghiệp cùng trên 1,6 vạn cơ sở sản xuất công nghiệp. Đây là những cơ sở để Hà Nội trở thành thành phố có tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Vốn đầu tư nước ngoài sẽ ưu tiên thu hút dự án vào lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sinh học, phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ chất lượng cao… Thành phố sẽ đổi mới chính sách thu hút đầu tư theo hướng tập trung kêu gọi các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và thực hiện các giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư hiện có mở rộng sản xuất kinh doanh.
Một trong những sự kiện lớn đang được mong đợi trong năm 2020 là Giải đua xe công thức 1 sẽ diễn ra tại Hà Nội. Đây là thành công trong cuộc đàm phán của Hà Nội với Tập đoàn Formula One để chính thức trao quyền đăng cai tổ chức Giải. Thông qua giải này, Hà Nội càng được bạn bè quốc tế biết tới, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và du lịch. Tháng 5/2019, Hà Nội cũng ký biên bản ghi nhớ Mạng tin tức truyền hình cáp CNN (Hoa Kỳ) hợp tác tuyên truyền, quảng bá thành phố Hà Nội trên kênh CNN quốc tế giai đoạn 2019-2024. Giai đoạn này, CNN tiếp tục giới thiệu về Hà Nội dựa trên các nền tảng giá trị về văn hóa, lịch sử và con người Thủ đô, cửa ngõ liên kết tới những điểm đến khác của đất nước. CNN cũng sẽ đồng hành cùng sự phát triển của Hà Nội trong tương lai cùng những sự kiện quốc tế, sự phát triển về công nghệ, sáng tạo, đưa Hà Nội trở thành một thành phố của tương lai, vươn tới hòa nhập cùng các thành phố tương lai trên thế giới.
Cùng với việc chú trọng quan hệ đối ngoại, thành phố cũng đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, quan tâm sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ...
Bài 4: Hướng đến một Thủ đô văn minh, hiện đại