GS Hoàng Ngọc Hiến đã ra đi: Nhẹ bước một hồn văn...

Sự ra đi của cây đại thụ của nền phê bình văn học Việt Nam hiện đại - GS, nhà văn, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến - không bất ngờ. Sau ca phẫu thuật đầu tháng 1/2011 vì căn bệnh ung thư đại tràng hiểm nghèo, ông đã bị hôn mê sâu gần hai chục ngày, cho tới khi ngừng hơi thở (23 giờ ngày 24/1 tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội).

Gia đình, bạn bè, giới phê bình văn học và cả làng văn Việt Nam đã "ngột ngạt" trong những ngày đó, mong chờ một phép màu để cứu lại người tài.

Nhưng phép màu đã không thể đến. Người tài đã ra đi ở tuổi 81, và để lại một gia tài khổng lồ gồm những công trình nghiên cứu, lý luận phê bình văn học hiện đại mang dấu ấn tài năng văn chương đặc biệt uyên bác và sâu rộng của riêng ông...

Người thầy của nhiều thế hệ

Chàng trai quê Đức Thọ, Hà Tĩnh Hoàng Ngọc Hiến sinh ngày 21/7/1930 trong một gia đình có truyền thống Nho học kết hợp với Tây học, tại làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Sau năm 1945, ông cùng gia đình đi tản cư kháng chiến, trở thành học sinh trường trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng. 19 tuổi (năm 1949), ông bắt đầu sự nghiệp với nghề dạy học.

Tang lễ GS - nhà văn Hoàng Ngọc Hiến (ảnh) được tổ chức vào hồi 12 giờ 30 - 13 giờ 30 ngày 28/1 (tức 25 tháng Chạp âm lịch) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.


Hoàng Ngọc Hiến là một trong những nghiên cứu sinh thế hệ vàng của Việt Nam. Những năm 50 của thế kỷ XX, ông là một trong số những trí thức được cử sang du học ở trường Đại học Lomonoxov ở Mátxcơva. Với sự thông minh vốn có, cùng lòng ham mê hiểu biết, ông đã mày mò nghiên cứu và bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn chương về thi sĩ vĩ đại của nước Nga Xô viết (cũ): Maiacovxki. Đây cũng là thi sĩ Nga đã gắn với ông cả đời, khiến cả giới nghiên cứu của Nga Xôviết (cũ) lẫn Việt Nam đều trìu mến gọi ông là "Nhà Maiacovxki học ở Việt Nam".

Sau khi về nước, Hoàng Ngọc Hiến đã tiếp tục nghề giáo của mình. Ông đã tham gia giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Văn hóa. Đặc biệt, ông đã phụ trách Trường Viết văn Nguyễn Du - chiếc nôi và cũng là "bà đỡ" cho rất nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ của Việt Nam, cho đến khi về hưu. Nói về ông, PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định: "Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến là thầy của nhiều học trò văn chương các trường đại học lớn ở VN và không chỉ trong trường đại học. Ông cũng là bạn của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, văn chương và các nghệ sĩ và không chỉ thuần là nghệ sĩ của con chữ".

Nhà văn Hoàng Ngọc Hiến nổi tiếng với các công trình nghiên cứu, lý luận phê bình văn học hiện đại. Các tác phẩm văn học chính của ông gồm: "Văn học Xô viết đương đại"; “Maiacovxki, con người, cuộc đời và thơ", "Maiacovxki, hài kịch"; "Văn học - học văn"; "Văn học gần và xa"; "Triết lý văn học và triết luận văn chương"... Ông được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1985 cho tác phẩm dịch "Maiacovxki - hài kịch". Những năm cuối đời, ông nổi tiếng với một số công trình nghiên cứu chuyên sâu về minh triết Đông - Tây.

Trân trọng những con chữ

GS Hoàng Ngọc Hiến luôn là người trân trọng những con chữ. Những con chữ mình viết ra, và cả những con chữ của những "người văn" khác. Hoàng Ngọc Hiến luôn muốn tìm những "điểm sáng" trong các tác phẩm văn chương mà ông chấp bút với tư cách nhà phê bình và cũng luôn khao khát với những điểm sáng ấy, tìm tòi nó, phân tích nó, giúp nó thật sự tỏa sáng và đến được với đông đảo bạn đọc. Ông bảo: “Phân tích tác phẩm gay nhất là đọc hết cuốn sách mà chẳng thấy có ý gì cả. Ý là một ý nghĩa mới đích đáng trả lời một câu hỏi ta đang tìm tòi, đang suy nghĩ để giải đáp. Tác phẩm chẳng giải đáp được một câu hỏi nào cần thiết, là vô nghĩa. Phân tích tác phẩm là phân tích chi tiết. Phải chọn chi tiết có vấn đề. Phân tích một chi tiết mà mở ra cả một vấn đề về đạo lý về triết lý. Phân tích một chi tiết như thế có sức thuyết phục và sang trọng hơn là phân tích tràn lan. Cuối cùng phải tìm từ, tìm chữ đích đáng để diễn đạt. Một bài viết hay là có được một - hai từ đích đáng, kết tinh được cái hiểu, cái ý của mình. Đó là cái thần của bài viết...”.

Nói về ông, những người trong giới có lẽ luôn hết lời, bởi ông giống như một "mô phạm" về phê bình lý luận, và là một trong số những nhà phê bình lý luận tạo được bản sắc rất riêng của mình". Ông là người lập ngôn rực rỡ với cách diễn đạt linh hoạt, chặt chẽ, sáng sủa, thông minh không ai sánh kịp, khi đăng đàn thuyết giảng trước đám đông bạn nghề và học trò, với một tư duy luôn phát sáng bất ngờ, bởi vốn nó đã hàm chứa phẩm chất sáng tạo cao nhất, theo định nghĩa thâm trầm của ông: Phẩm chất của tư duy lý thuyết" - TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định.

Còn với nhà nghiên cứu văn học Phan Hồng Giang thì "Ông có một năng lực thiên phú phát hiện ra cái mới, cổ vũ cho cái vượt ngoài mọi khuôn mẫu, giáo điều trong sáng tác văn học. Ông nhận diện và gọi đúng tên đặc điểm bất cập của văn học Việt Nam một thời là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Nhiều năm sau nhận định này của Hoàng Ngọc Hiến, nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu mới viết “Lời ai điếu cho một nền văn học minh họa”. Ông nhiệt thành cổ xúy cho sự đổi mới trong văn học Việt Nam".

Trong cuộc đời riêng, bạn bè bảo, Hoàng Ngọc Hiến giản dị hơn hẳn "văn" của ông. Với người vợ hết lòng vì ông, ông giống như “một người trẻ mãi không già". Với hai cô con gái, ông như một người bạn để có thể cùng trò chuyện, cùng trao đổi...

Giờ, mọi chuyện đều đã ở lại phía sau. Tiễn GS ra đi trong một ngày cận kề xuân, thấy ngậm ngùi vẫn còn rất nhiều, bởi dẫu gì, bạn bè, đồng nghiệp, người thân đều mong muốn ông sẽ có thêm một cái Tết nữa trên dương thế. Nhưng, chuyện gì cũng đều có thể... GS đã ra đi, để lại sự nuối tiếc cho một tài năng phê bình lý luận mà chắc nhiều năm nữa, không biết làng phê bình Việt Nam có thể lại có...

Tác phẩm đã xuất bản

Ngọn gió thổi những chiếc lá bay qua đại dương. Tập ký Maiacôpxki. Con người, cuộc đời và thơ (Khảo cứu. Tuyển dịch 1976); Maiacôpxki. Hài kịch (Dịch, 1984); Văn học Xô Viết đương đại (Khảo cứu, 1987); Văn học - học văn (Tiểu luận và phê bình, 1992); Văn học và học văn (Tiểu luận và phê bình, 1997); Văn học gần và xa (Tiểu luận, 2000); Triết lí văn hóa và triết luận văn chương (Khảo cứu, 2006); Văn hóa và văn minh - Văn hóa chân lý và văn hóa dịch lý (2007); Hoàng Ngọc Hiến. Tuyển tập chọn lọc (2008); Xác lập cơ sở cho đạo đức, Bàn về tính hiệu quả (dịch từ sách của Francois Jullien); Minh triết phương Đông và triết học phương Tây (Tuyển tập những công trình của nhà triết học đương đại Pháp F.Jullien, NXB Đà Nẵng, 2004).



P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN