Giữ gìn nghệ thuật Đờn ca tài tử

Huyện Vị Thủy là một trong những địa phương có phong trào Đờn ca tài tử mạnh của tỉnh Hậu Giang. Tỉnh có 8 câu lạc bộ hoạt động tại Trung tâm văn hóa huyện, mỗi xã có một câu lạc bộ Đờn ca tài tử chủ lực và nhiều câu lạc bộ nhỏ sinh hoạt tại các ấp.

Trong đó, xã Vị Trung được đánh giá là có nhiều câu lạc bộ hoạt động sôi nổi, góp phần phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử tại địa phương.

Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Vị Trung có 12 thành viên. Chủ nhiệm câu lạc bộ là bà Võ Thị Hoài Thu - một cựu giáo chức có niềm đam mê Đờn ca tài tử. Sau khi nghỉ hưu, bà Hoài Thu dùng tiền tiết kiệm xây một căn nhà gỗ mái lá trên ao nước cạnh nhà dùng làm nơi sinh hoạt văn nghệ của người dân trong vùng. Sau những ngày làm việc vất vả trên đồng lúa, vườn rau, lúc nông nhàn những người nông dân lại tập hợp tại nhà bà Hoài Thu cùng nhau hát những bài Đờn ca tài tử - một loại hình nghệ thuật quen thuộc của người dân sông nước miền Tây. Sau một thời gian hoạt động và có nhiều người cùng tham gia sinh hoạt, bà Thu vận động chồng hỗ trợ mua loa và các nhạc cụ của Đờn ca tài tử để nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt.

Bà Võ Thị Hoài Thu - Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử Vị Trung.

Năm 2011, do hoạt động thường xuyên, được nhiều người biết đến, huyện Vị Thủy đã hỗ trợ thành lập câu lạc bộ Đờn ca tài tử Vị Trung. Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ vào cuối tuần, nhưng cũng có nhiều thay đổi khi vào mùa vụ bận rộn, hoặc đi hát giao lưu với câu lạc bộ khác, đi biểu diễn khi có lời mời. Trong Đờn ca tài tử có 3 bài chính trong thể loại Nam, 6 bài thể loại Bắc, 7 bài hát chính trong thể loại Bài và 4 bài hát chính trong thể loại Quán. Mỗi thể loại có điệu hát riêng nên thành viên phù hợp với bài, với điệu nào thì hát bài đó, tùy theo sở thích và năng khiếu của bản thân.

Hoạt động của CLB.

Tham gia câu lạc bộ Đờn ca tài tử Vị Trung phần lớn là những người nông dân yêu thích ca hát, lúc nông nhàn hoặc theo lịch sinh hoạt định kỳ thì đến nơi sinh hoạt câu lạc bộ, mang theo bánh tự làm, trái cây tại vườn nhà mời mọi người hoặc cùng góp rau, bột, lá chuối, lá dừa để làm bánh xèo, bánh lá dừa, bánh ít, vừa làm vừa hát những bài Đờn ca tài tử, đôi lúc ngẫu hứng những câu hát về bản thân, gia đình, quê hương. Từ câu lạc bộ Vị Trung mà nhiều giọng ca Đờn ca tài tử được phát hiện và mọi người yêu mến, nhận được nhiều lời mời tham dự liên hoan, hội thi, tham gia biểu diễn giao lưu như Hoàng Thoại, Trần Hữu, Vũ Phát, Xuân Hiền...

Ông Nguyễn Xuân Hiền - nghệ nhân chuyên sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống trong Đờn ca tài tử tại câu lạc bộ Vị Trung từ năm 15 tuổi đã học đàn ghi ta phím lõm để chơi trong các buổi sinh hoạt Đờn ca tài tử, sau này ông học thêm đàn sến, song loan, nắm rõ cách chơi 20 bài tổ thuộc các thể loại chính của Đờn ca tài tử. Ông tham gia câu lạc bộ và đi biểu diễn giao lưu để học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm của bản thân. Tham gia biểu diễn Đờn ca tài tử cũng có một nguồn thu nhập lúc nông nhàn nhưng trên hết là ông và mọi người được thỏa mãn niềm đam mê trong tiếng đàn, lời hát, giúp quên đi mệt nhọc của nghề nông vất vả, thấy càng thêm yêu và gắn bó với quê hương, yêu quý bà con hàng xóm.
Nguyễn Xuân Dự
Sức sống đờn ca tài tử
Sức sống đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử Nam Bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, có phạm vi ảnh hưởng lớn ở 21 tỉnh, thành phía Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN