Giới thiệu về Hoàng thành Thăng Long tại Pháp


“Lịch sử ngàn năm Thăng Long - Hà Nội dưới ánh sáng của những khai quật khảo cổ thực hiện từ năm 2002” là nội dung chính của Hội thảo diễn ra ngày 29/9, tại Nhà Châu Á - thủ đô Paris (Pháp), dưới sự chủ tọa của Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội sử gia Việt Nam, Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp, nhân chuyến thăm và làm việc của Giáo sư Phan Huy Lê tại Viện hàn lâm Pháp.

Hội thảo do Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tổ chức.


Giáo sư Phan Huy Lê. (Nguồn: Internet)

Tại buổi hội thảo, Giáo sư Phan Huy Lê đã trình bày những kết quả khảo cổ được phát hiện và khai quật từ năm 2002 nhằm giới thiệu với các bạn đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu, các nhà khảo cổ và các bạn bè Pháp và Việt Nam ham hiểu biết lịch sử, quá trình hình thành và phát triển về Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ, cũng như những điểm đặc sắc trong kiến trúc xây dựng và trang trí ở Hoàng thành Thăng Long.

Tham dự hội thảo có đông đảo các nhà nghiên cứu Pháp thuộc nhiều thế hệ khác nhau như các nhà sử học Philippe Patin, Alain Ruscio, các nhà nghiên cứu về Việt Nam và bà con kiều bào tại Pháp....

Trong số những người tham dự hội thảo có ông Pascal Bourdeaux, Phó giáo sư Trường cao học thực hành Sorbonne (EPHE), người chuyên nghiên cứu về tôn giáo châu Á, trong đó có tôn giáo Việt Nam và một số sinh viên Học viện Quốc gia về ngôn ngữ và văn minh Pháp (INALCO).

Theo ông Pascal Bourdeaux, hội thảo của Giáo sư Phan Huy Lê được coi là một sự kiện quan trọng vì trong đó, Giáo sư Phan Huy Lê trình bày một số kết luận của một tiến trình nghiên cứu khảo cổ lâu dài. Qua đây, nhiều nhà nghiên cứu Pháp không có cơ hội tới Hà Nội dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long có thể phần nào hiểu thêm về thành phố ngàn năm tuổi của Việt Nam. Không những thế, sự có mặt của đông đảo nhà nghiên cứu Pháp cũng thể hiện sự tôn trọng đối với một nhà nghiên cứu lịch sử bậc thầy của Việt Nam.

Ông khẳng định đối với những người quan tâm tới Việt Nam nói chung và với lĩnh vực sử học nói riêng, Giáo sư Phan Huy Lê là một người quan trọng, không chỉ vì những nghiên cứu cá nhân mà ông thực hiện, mà còn vì tất cả những sự ủng hộ, giúp đỡ mà ông dành cho những nhà nghiên cứu nước ngoài. Giáo sư Phan Huy Lê là người đồng sự quan trọng và chuyên nghiệp trong tất cả các lĩnh vực nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam, rộng hơn là trong các mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực khoa học lịch sử và khoa học xã hội giữa Pháp với Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Pháp theo lời mời của Viện hàn lâm Pháp, Giáo sư Phan Huy Lê còn có một buổi trình bày về xã hội nông thôn và lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ tại Viện hàn lâm Pháp.

Hồi đầu tháng 7/2011, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê đã được bầu vào Viện hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn, một trong 5 Viện Hàn lâm khoa học - nơi vẫn được coi là “Nghị viện của các nhà thông thái” của Pháp./.

Lê Hà-Phương Nam/Paris
Theo Vietnam+

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN