Gìn giữ cội nguồn sự sống

Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Trung Minh đưa chúng tôi thăm các gian trưng bày. Hơn 3.000 hiện vật trên diện tích 300 mét vuông. Một không gian đậm đặc hiếm thấy về các mẫu vật, hình ảnh mô tả nguồn cội và quá trình phát triển của sự sống trên trái đất.

Chú thích ảnh
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Có hai số liệu đáng chú ý: Đây chỉ là phần nhỏ trong số 200.000 mẫu vật bảo tàng đang lưu giữ. Con số đó đang tiếp tục tăng lên. Hiện bảo tàng đón khoảng 100.000 khách tham quan mỗi năm. Nếu so sánh với diện tích trưng bày, mật độ khách thăm trên một mét vuông ở đây là một con số kỷ lục so với nhiều bảo tàng trên thế giới. Mở cửa từ năm 2006, bảo tàng trở thành địa chỉ ngày một quen thuộc với các nhà khoa học, sinh viên, học sinh, những người yêu thích tìm hiểu thiên nhiên, khách du lịch và các đối tượng khác.

Chú thích ảnh
Giới thiệu các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Trên lối vào khu trưng vào khu trưng bày có hình ảnh trái đất thời kỳ sơ khai, cách ngày nay khoảng 4, 5 tỷ năm, khi chỉ có macma và núi lửa phun trào; mô hình cây tiến hoá sinh giới, thế hiện 5 giới sinh vật trong quá trình tiến hoá: Giới tiền nhân; giới nguyên sinh; giới nấm; giới thực vật và giới động vật.

Phần lịch sử sự sống có các mẫu hoá thạch tiêu biểu của 4 thời kỳ phát triển địa chất: Thời kỳ Tiềm Cambri (4500-541 triệu năm), Đại Cổ Sinh (541-252 triệu năm), Đại Trung Sinh (252-66 triệu năm) và Đại Tân Sinh (65 triệu năm đến ngày nay).

Phần về tiến hoá người có các hiện vật, mô hình trình bày quá trình hình thành loài người từ những dạng linh trưởng đầu tiên, tiến hoá lên những chủng người khác nhau và cuối cùng đến con người hiện đại ngày nay. Các phần trưng bày về thực vật và nấm, các loại động vật... có nhiều mẫu vật phong phú.

Chú thích ảnh
Các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Làm bảo tàng, quá trình tìm kiếm và lưu giữ các hiện vật đòi hỏi nhiều công sức. Lượng các mẫu vật lưu giữ, trưng bày ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã nói lên quy mô công việc được thực hiện. Đấy là nỗ lực rất lớn của đội ngũ các chuyên gia ở đây. Công việc ấy còn có sự đóng góp, chung tay của các cộng tác viên. Chúng tôi đã có dịp chứng kiến một buổi trao tặng hiện vật khi đến thăm bảo tàng.

Anh Phú Văn, một người say mê tìm kiếm các mảnh thiên thạch ở mọi miền đất nước đã mang từ Nghệ An ra hiến tặng cho bảo tàng một mẫu nặng hơn 7 kg. Bảo tàng đã làm lễ đón nhận rất trân trọng. Tất nhiên, các nhà khoa học sẽ phải tiếp tục công việc để xác định nguồn gốc và tính chất của mảnh thiên thạch ấy. Nhưng những đóng góp như thế thật đáng quý. Được biết, anh Phú Văn là một trong nhiều cộng tác viên của bảo tàng.

Chú thích ảnh
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam trưng bày hơn 3.000 hiện vật trên diện tích 300 mét vuông.

Theo PGS TS Nguyễn Trung Minh, hiện nay nước ta quy hoạch hệ thống 30 bảo tàng thiên nhiên, thực đang hoạt động là 12 bảo tàng, gồm có các bảo tàng khu vực ở Tây Nguyên, Nam Bộ, miền Trung, Tây Bắc, các bảo tàng chuyên đề, vườn động vật, vườn thực vật. Trong đó, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là bảo tàng cấp quốc gia, giữ vị trí đứng đầu.

Cách đây không lâu, tôi cũng đã có dịp đến thăm Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên, thành phố Đà Lạt. Đây là lần thứ hai tôi đến thăm bảo tàng trên đỉnh đồi Tùng Lâm này. Tôi rất ấn tượng với bộ sưu tập hàng trăm loài động thực vật quý hiếm được trưng bày tại đây. Các gian trưng bày có hơn 1.300 mẫu động vật, gồm hơn 400 mẫu thú của 68 loài, hơn 300 mẫu chim của 112 loài, các mẫu lưỡng thể bò sát của 18 loài, và hơn 600 mẫu của các loài côn trùng.

Chú thích ảnh
Các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên.

Nhiều loài động vật trong danh sách đỏ cũng được bảo tàng giữ, trong đó có các loài nguy cấp đang bị đe dọa tuyệt chủng. Trong các loài thực vật được trưng bày có hơn 2200 giò, chậu phong lan các loại. Trong hơn 20 năm hoạt động, Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên là một địa chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước.

Chú thích ảnh
Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên - một địa chỉ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

PGS TS Nguyễn Trung Minh cho biết, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã được quy hoạch trên diện tích 38 héc ta ở Quốc Oai, Hà Nội. Nhiều bảo tàng khác trong hệ thống bảo tàng thiên cũng đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng, nhằm phục vụ cho quá trình tìm kiếm, lưu giữ, trưng bày các mẫu vật, thúc đẩy việc tìm hiểu, nghiên cứu khoa học, góp phẩm nâng cao hiểu biết, sự quan tâm, trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với thiên nhiên, môi trường - những điều ngày càng có ý nghĩa hơn trong cuộc sống hiện nay.

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng
Đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng

Dù đã được cho phép hoạt động trở lại nhưng hệ thống bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh lại đang rơi vào cảnh yên ắng, vắng vẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN