Gia đình làm thiên nga bông cuối cùng ở Hà Nội

Hơn 70 năm gắn bó với nghề làm những lẵng thiên nga bằng bông, đến nay gia đình bà Vũ Thị Thanh Tâm là gia đình duy nhất còn giữ nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống này.

Chiếc bàn nhỏ với dãy lẵng thiên nga bông lọt thỏm giữa những gian hàng đồ chơi rực rỡ trên phố Hàng Lược. Trong mỗi chiếc lẵng có 2 con thiên nga xinh xắn, đôi cánh trắng muốt, nằm như bồng bềnh trên những bông hoa màu đỏ, màu hồng, màu tím rực rỡ. Đây là món đồ chơi Trung thu truyền thống, được tạo nên bởi đôi bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của người nghệ nhân.

Bồng bềnh những cánh thiên nga

Những lẵng hoa này do gia đình bà Vũ Thị Thanh Tâm, hiện đang sống ở phố Hàng Lược làm. Đây cũng là gia đình cuối cùng giữ nghề làm thiên nga bông hiện nay ở Hà Nội.

Bà Vũ Thị Thanh Tâm, người đã 70 năm làm đồ chơi thiên nga bông truyền thống.

Căn phòng nhỏ trên tầng 4 phố Hàng Lược giăng đầy những lẵng thiên nga bằng bông. Giữa nhà, bà Tâm cùng con dâu đang tỉ mẩn hoàn thiện những khâu trang trí cuối cùng cho các lẵng thiên nga, để tối mang xuống phố bán. Người gắn cánh, người gắn hoa, trang trí thêm phụ kiện để sản phẩm đẹp hơn.

Bà Tâm kể, bản thân bà cũng chẳng biết nghề này có từ bao giờ, chỉ biết rằng, cách đây khoảng 60 - 70 năm, trên phố Hàng Gai bày bán rất nhiều đồ chơi là các con giống bằng bông, từ con gà, con vịt, chim chóc, rồi thiên nga… Đây là những món đồ chơi mà trẻ em thời đó mơ ước, nhất là vào dịp Trung thu. Những con giống khi đó được làm đơn giản, không có nhiều phụ kiện như bây giờ. Giỏ được làm bằng những tờ giấy bìa, có cài nan tre để giữ cho chắc. Công đoạn khó nhất là tạo hình những con vật.

Khi đó, thấy mọi người làm con giống bông, bà cũng tập làm theo. Để có được một con thiên nga, bà Tâm phải dùng giấy gấp lại thành mình, sau đó nhồi bông vào bên trong cho cứng, tiếp đến chiếc cổ được uốn bằng dây thép rồi gắn vào thân. Toàn bộ thân và cổ sau đó được phủ bằng bông y tế loại mềm, trắng muốt. Để có những đôi cánh, bà dùng bông bóc thành từng lớp mỏng, dàn đều ra mặt phẳng rồi phết hồ, dán nhiều lớp bông vào với nhau, ép cho phẳng, sau đó, lấy miếng bông ép mỏng này cắt thành những đôi cánh của gà, vịt, thiên nga. Để trang trí cho lẵng hoa thêm đẹp, bà dùng giấy gói kẹo, giấy pơluya trắng, nhuộm thành các màu xanh, đỏ, vàng, tím… rồi cắt và cuốn thành những bông hoa xinh xắn, tô điểm cho lẵng hoa.

Nặng lòng với nghề truyền thống

Bà Tâm cho biết, những năm kháng chiến chống Pháp, bà cùng gia đình đi tản cư, sau giải phóng Thủ đô năm 1954, gia đình bà trở về Hà Nội. Từ đó đến nay, bà miệt mài với “nghề” làm thiên nga bông. Những năm 70 - 80, trẻ em thích những món đồ chơi bằng bông này lắm, mỗi mùa Trung thu, gia đình bà bán được hàng nghìn lẵng. Bây giờ, làm thiên nga đã đơn giản hơn ngày xưa. Giỏ đựng, các phụ kiện như giấy màu, giấy kim tuyến trang trí đã có bán sẵn, cốt của cánh thiên nga có thể dùng xốp, cánh cứng và đẹp hơn nhiều. Chỉ tiếc là, hiện nay, trẻ em bây giờ không mấy trẻ thích những đồ chơi truyền thống, mà dần thích những món đồ chơi hiện đại. Những lẵng thiên nga cũng không còn nhiều khách mua nữa nên người làm cũng thưa dần. Chỉ có gia đình bà, năm nào đến mùa Trung thu, cũng vẫn làm những lẵng thiên nga bông, rồi mang bày bán dưới phố.

Hỏi bà Tâm lý do khiến bà giữ nghề đến giờ, bà Tâm cho biết, ngày xưa, bà làm những lẵng thiên nga bán để cải thiện cuộc sống gia đình. Sau gần 70 năm làm, bây giờ, nếu không được làm bà lại thấy… tiếc, thấy nhớ. Bà bảo, vì nhớ nghề, vì tiếc nghề nên bà giữ đến giờ, chứ làm món đồ chơi này mất nhiều công, mất nhiều thời gian lắm, không thể làm giàu được. Bà Tâm kể, để có được một lẵng thiên nga bông, bà phải làm dần từng công đoạn. Những khi rảnh rỗi, bà lấy giấy gấp thân mình thiên nga rồi nhồi bông, để một chỗ, gấp hoa, tạo cành, rồi cắt sẵn cánh để một chỗ, đến khi có người mua thì bỏ ra trang trí giỏ hoa, gắn cánh, gắn mỏ cho thiên nga. Những ngày Tết Trung thu, tính trung bình, mỗi ngày, gia đình bà cũng chỉ làm được khoảng 4-5 lẵng, giá bán lẵng nhỏ là 50.000 đồng, lẵng to là 100.000 đồng, thu nhập không đáng kể.

Năm nay bà Tâm đã 88 tuổi, đã ở tuổi “cổ lai hy” rồi, bà cũng không còn nhanh nhẹn như ngày xưa. May có cô con dâu của bà, chị Quách Thị Bắc từ khi về làm dâu vẫn thường xuyên phụ giúp mẹ, rồi dần dần học được nghề. Bây giờ, những việc chính, khó làm là chị Bắc thay mẹ làm, còn bà Tâm phụ giúp con dâu những việc nhẹ nhàng như tết hoa, tết cành…

Chị Bắc khoe, chị vừa hoàn thành một lẵng thiên nga bông lớn rất đẹp cho khách đặt để chuẩn bị tổ chức Trung thu. Chị kể, những năm nay, khách hàng mua thiên nga bông của gia đình chủ yếu là các phường, các quận ở Hà Nội, đặt để tổ chức Trung thu cho các cháu. Bên cạnh đó, có một số khách từ miền Nam, khách nước ngoài cũng đến đặt hàng gia đình. Có vị khách nước ngoài khi thấy những giỏ thiên nga nhồi bông được gia đình bà bày bán trên phố cổ, thích lắm. Vị khách này bảo, họ chưa bao giờ nhìn thấy đồ chơi đẹp và lạ như vậy, nên họ mua liền mấy lẵng để làm quà.

Chị Bắc tâm sự, làm nghề này đòi hỏi sự tỉ mẩn, nhiều lúc mệt, cũng chán, nhưng cứ có khách đặt lại làm, như một thói quen. Và hơn thế nữa, gia đình chị vẫn tiếp tục làm, bởi chị thấy lưu luyến với nghề. “Nếu sau này, trẻ em Hà Nội không được biết đến những con thiên nga bằng bông nữa thì thật đáng tiếc”, chị Bắc chia sẻ.
Lan Lộc
Tổ chức Tết Trung thu trong khu phố cổ Hà Nội
Tổ chức Tết Trung thu trong khu phố cổ Hà Nội

Ban quản lý phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa Tết Trung thu năm 2016 từ ngày 9 đến 15/9, tại các điểm di tích, trung tâm giao lưu văn hóa trong khu phố cổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN