Đừng để gameshow truyền hình thành ‘cái chợ’

Dàn dựng để lấy nước mắt khán giả, đưa các yếu tố nhảm nhí vào các gameshow... nhiều chiêu trò nhằm gây sự chú ý của khán giả trong các chương trình truyền hình thực tế hiện nay đã dần biến môi trường truyền hình thành “cái chợ”.

Ngợp trong nhảm nhí

Không thể phủ nhận hiện nay có nhiều gameshow truyền hình có chất lượng, nội dung tốt, được lòng khán giả. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít những chương trình bị coi là nhảm nhí với những nội dung phản cảm, dung tục, nhạt nhẽo. 

Các gameshow truyền hình ngày càng nở rộ.

Đơn cử như sự việc nghệ sĩ Trung Dân đã phải tức giận bỏ về không tham gia gameshow “Siêu sao đoán chữ” khi bị xúc phạm nghiêm trọng. Trong một số phát sóng, MC có đọc câu hỏi dành cho các thí sinh và yêu cầu điền vào chỗ trống: “Cát Tường hay than phiền anh Trung Dân thích tìm tòi khám phá máy móc, xem xem nó hoạt động như thế nào. Có một lần, ông ấy đút đầu vào... và ông ấy bị thương”. Trong khi các nghệ sĩ khác chọn đáp án lò vi sóng, tủ lạnh... thì Hương Giang lại “hồn nhiên” cho đáp án thiếu văn hóa. 


Trong khi nghệ sĩ Trung Dân thẳng thắn yêu cầu cô ca sĩ này thay những từ ngữ thiếu văn hóa bằng đáp án khác thì cô lại phản ứng bằng cách cho rằng mình có quyền suy nghĩ và lựa chọn như vậy và không hề có động thái xin lỗi người nghệ sĩ đáng tuổi cha, chú mình. Cách cư xử thiếu văn hóa, thất kính của Hương Giang trên một gameshow truyền hình với sự theo dõi của hàng triệu người xem đã khiến cho dư luận vô cùng bức xúc, tức giận và lên tiếng phản ứng dữ dội. Điều đáng nói là không chỉ sự việc trên mà gameshow này cũng từng có rất nhiều câu hỏi và câu trả lời khiến cho người xem đỏ mặt khi nghệ sĩ đưa ra những đáp án nhạy cảm...


Hay như những hình ảnh sờ soạng, lời nói tục tĩu của các nghệ sĩ trong gameshow “Bí mật đêm chủ nhật” (phát sóng trên HTV7) cũng đã không ít lần khiến khán giả phải đỏ mặt. Có vẻ như nhiều gameshow hiện nay đang sử dụng các nội dung phản cảm, dung tục như một thứ vũ khí nhằm câu rating.


Không chỉ nội dung nhảm nhí, thiếu tôn trọng khán giả, nhiều gameshow còn tìm mọi cách lấy nước mắt, lòng thương của khán giả. Nhiều cuộc thi tài năng còn chú trọng việc kêu gọi lòng thương của khán giả hơn là tôn vinh tài năng của thí sinh. Như trong một tập phát sóng của “Giọng hát Việt nhí”, có tới 4 - 5 thí sinh có hoàn cảnh đáng thương. Nhà đài thậm chí còn dày công tìm về tận nơi các em sinh sống để làm những clip hậu trường nhằm làm nổi bật những hoàn cảnh éo le của các thí sinh.


Thậm chí có nhiều hoàn cảnh còn được cố tình dựng lên, đánh lừa khán giả. Như sự việc của Anh Thúy - cựu thành viên nhóm Mắt Ngọc đã đóng giả cô gái tên Huyền Minh mang hoàn cảnh đáng thương, làm phục vụ ở nhà hàng, bị tai nạn khiến khuôn mặt bị biến dạng bởi sẹo, quá tự ti về khuôn mặt của mình nên phải đeo mặt nạ tham gia chương trình X - Factor. Tuy nhiên, sau đó, sự thật đã bị phanh phui khiến Anh Thúy phải nói lời xin lỗi, tự rút khỏi cuộc thi và nhận không ít những lời đàm tiếu.


Những sự việc như trên dường như chẳng còn là hiếm trên nhiều gameshow truyền hình. Với sự bùng nổ của các chương trình truyền hình thực tế, việc sử dụng các chiêu trò thiếu lành mạnh để lôi kéo khán giả đang ngày càng trở nên phổ biến, bất chấp sự khen, chê.


Cần chấn chỉnh nghiêm túc


Sau nhiều sự việc tiêu cực, nhiều chương trình gameshow đã mất đi niềm tin với khán giả, các chiêu trò lôi kéo sự chú ý cũng đang ngày càng trở nên nhàm chán, nhạt nhẽo. Bởi vậy, nhạc sĩ Lê Minh Sơn từng thẳng thắn chia sẻ, anh đã chẳng còn mấy quan tâm và chẳng còn tin vào những câu chuyện đẫm nước mắt trên truyền hình thực tế. Thí sinh đến với các cuộc chơi là để khẳng định tài năng chứ không phải để lấy nước mắt người xem bằng hoàn cảnh.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long chia sẻ, điều đáng buồn là nhiều câu chuyện lấy nước mắt của người xem trên truyền hình nhưng đã bị phanh phui bởi sự thật phía sau không phải như thế. Câu chuyện nhân văn đã bị phản tác dụng, người xem truyền hình mất dần lòng tin vào truyền hình thực tế. Và đó cũng là một dấu hiệu cho thấy truyền hình thực tế đang đi vào “ngõ cụt”.


Theo các chuyên gia, không chỉ đơn thuần mang tính chất giải trí trên truyền hình, các gameshow cũng là những sản phẩm văn hóa gắn liền với đời sống của người dân. Chính vì thế, những chương trình thiếu văn hóa sẽ tác động xấu tới khán giả và vô tình dẫn tới sự mai một văn hóa dân tộc, vi phạm đạo đức và thuần phong mỹ tục của người Việt, khiến giới trẻ không biết lựa chọn và từ đó làm nảy sinh các tệ nạn xã hội. Vì thế, rất cần sự quản lý của các nhà đài trong việc duyệt nội dung các gameshow trước khi lên sóng.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin Tức
Mượn hơi game show để cứu danh tiếng
Mượn hơi game show để cứu danh tiếng

Khi mắc phải những tai tiếng xấu xí trong sự nghiệp, các ngôi sao Mỹ đã chọn cách bấu víu vào các chương trình trò chơi trên truyền hình (game show) đắt khách hòng vực dậy tiếng tăm của mình, xóa đi vết nhơ trong lòng khán giả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN