Tết hoa mào gà (Tết hoa dân tộc Cống) đã được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ngày 29/8/2019. Lễ hội diễn ra thường niên vào khoảng tháng 11, tháng 12 Dương lịch hàng năm (thường vào rằm tháng 10 Âm lịch). Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Cống tỉnh Điện Biên nói chung và dân tộc Cống xã Pa Thơm nói riêng.
Lễ hội diễn ra từ hai đến ba ngày và chia thành 2 phần gồm: Phần lễ và phần hội. Lễ cúng diễn ra vào một buổi xế chiều, vì theo quan niệm của đồng bào dân tộc Cống là tổ tiên, người đã khuất và các vị thần linh chỉ về nhà, về bản vào buổi xế chiều đến ban đêm. Những ngày này, nhân dân trong bản sẽ dâng lễ vật gồm: Gạo, bánh chưng, củ, quả đã trồng được trên nương tại nhà thầy cúng. Sau nghi lễ này, các gia đình trong bản bắt đầu cúng gia tiên để dâng lên tổ tiên, những người đã khuất.
Dân tộc Cống canh tác chủ yếu là làm ruộng nước và nương rẫy, một năm một vụ chính; ngoài ra, còn trồng trọt các loại rau màu trên đất bãi ven sông, suối, phát triển nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm. Người dân tộc Cống có đời sống tinh thần phong phú thông qua các phong tục, tập quán, lễ hội như: Tết hoa, lễ cúng bản, lễ cúng tổ tiên, lễ cưới, lễ lên nhà mới, lễ tạ ơn... Trong đó, Tết hoa mào gà là lễ hội độc đáo nhất; bởi đây là nghi lễ trong ngày Tết cổ truyền của người Cống, có nghĩa là kết thúc một năm cũ.
Các nghi lễ diễn ra trong lễ hội Tết hoa mào gà ngoài yếu tố thiêng liêng còn có sự tham gia của các yếu tố nghệ thuật trình diễn dân gian, cuốn hút cả cộng đồng cùng hướng về cội nguồn tổ tiên và bày tỏ lòng biết ơn tới các thần linh, các quan thần thổ địa nơi đồng bào sinh sống. Tết Hoa mào gà còn là dịp để đồng bào Cống nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn sau những ngày lao động miệt mài vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc; là dịp để mọi người cùng hướng về cội nguồn, để con cháu tạ ơn ông bà, cha mẹ; tạ ơn trời đất, thần linh… đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh; cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới...
Ông Nạ Văn Phanh, thầy cúng của đồng bào Cống (xã Pa Thơm) cho biết, với đồng bào dân tộc Cống, hoa mào gà là hoa linh thiêng nên không thể thiếu trong lễ cúng. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc nơi đây, hoa mào gà là hoa để xua đuổi tà ma phá hoại mùa màng; là cầu nối tâm linh giữa các thành viên trong gia đình và những người đã khuất. Theo lưu truyền, nếu lễ hội chưa được tổ chức thì chưa ai được phép đi phát nương, đào củ mài và vui chơi, ca hát… Buổi tối, khi men rượu đã ngấm, mọi người tập trung ở nhà văn hóa gõ chiêng, hát múa tưng bừng. Cả bản cùng hân hoan trong tiếng chiêng đồng âm vang, cùng nhảy múa, hát ca. Mọi người đến xem hò reo, cổ vũ náo nhiệt, khiến không khí của lễ hội thêm tưng bừng...
Theo ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, các chính sách của Đảng và Nhà nước đã góp phần ổn định cuộc sống của đồng bào nơi đây; nhờ đó, không còn tình trạng di cư tự do như trước nữa. Cùng với đó, đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Cống ngày một cải thiện, cơ sở hạ tầng kinh tế ngày một nâng cao, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững... Thời gian tới, huyện tiếp tục vận động đồng bào phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người dân tộc Cống nói riêng, đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn xã Pa Thơm nói chung. Qua đó, củng cố, lưu truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp cho thế hệ sau và phát huy thế mạnh về bản sắc văn hóa dân tộc nhằm thu hút người dân và khách du lịch đến địa phương...