Đi lễ đầu năm như một nét văn hóa được hình thành từ lâu đời của người dân Việt Nam, từ đó phát sinh khái niệm phát lộc, xin lộc, theo ông chúng ta cần ứng xử như thế nào cho phù hợp?
Trước đây, vào đêm 30 Tết, có tục đi hái lộc và gánh nước tiên về nhà. Lộc thì hái những lộc non của các loài cây có tên mà đồng nghĩa với may mắn như sung (sung sướng), đa (đa lộc, đa tài, đa thọ…), đào (đỏ là may mắn). Không ai hái lộc si (ngu ngốc), lộc chuối (trượt vỏ chuối)… Việc đó là mong muốn năm sau sẽ có nhiều lộc về nhà mình. Có người cho rằng làm vậy là phá hoại môi trường. Vấn đề là ở ý thức con người và hoàn cảnh thực tế. Các miền quê thì hàng năm phải cắt bớt cành đi kẻo nó sum suê quá, ảnh hưởng đến đất canh tác. Một nhành lộc về nhà không ảnh hưởng gì cả.
Còn ngày mùng 1 có tục mừng tuổi cho người già và trẻ em. Có nhiều cách gọi tục này tùy từng vùng như “mở hàng”, “phát vốn” (mong năm mới buôn may bán đắt hoặc làm ăn thuận lợi), lì xì (tức “lợi thị” là tiền lãi do bán buôn mà có, mong tiếp tục may mắn vì “lộc bất tận hưởng”).
Ngày giỗ hoặc ngày Tết, cũng như cúng công đức ở đền chùa, đều có lộc mang về, đó là truyền thống vì lộc đó đã được tổ tiên, thần phật chứng giám cho lòng thành của mình và gia ân gia phúc. Bởi vậy, lộc mang ý nghĩa tín ngưỡng, ý nghĩa biểu tượng về tinh thần. Thực ra, lộc không thiếu vì người ta đã chuẩn bị cho tất cả. Ít nhiều đều là tinh thần cả, nhanh chậm cũng đến lượt mình.
Những năm trước đây, một số lễ hội diễn ra cảnh “cướp lộc” khiến nét văn hóa đi lễ đầu năm bị méo mó, gây thiện cảm xấu với người dân, ông đánh giá việc này như thế nào?
Cuộc sống thì có người này người khác, vì lòng tham mà tranh giành lẫn nhau đến Thần Phật cũng ngao ngán. Từ đó mà sinh ra cái dị tục “cướp lộc”. Cướp lộc như thế thành ra có hại chứ không lợi lộc. Trước thần thánh, mà giành giật thì không còn chút gì thiêng liêng cả. Có những nơi thành “tục” và khăng khăng giữ lấy vì hiểu nhầm đó là văn hóa. Nhưng đó là tục lệ chứa đựng những yếu tố phản văn hóa, phản văn minh (khái niệm văn hóa, tự thân nó đã bao chứa những giá trị, tức là chân, thiện, mỹ, có ích cho con người) cần phải nghiên cứu và thay đổi dần dần. Các nước Bắc Âu họ có cướp như vậy đâu, họ biến thành môn thể thao hoặc nghệ thuật trình diễn để sống một cuộc sống nhân văn, vì con người, vì hạnh phúc.
Hệ lụy thì rõ ràng, trước hết là tranh giành, xô đẩy, dẫm đạp ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng của nhau. Sau nữa về tâm lý, nó gia tăng tâm lý cướp đoạt, bạo lực trong cuộc sống. Và thứ ba, quan trọng hơn, trên truyền thông mạng, cả thế giới chứng kiến những hình ảnh "xấu xí", vậy thì họ có tôn trọng và thân ái với mình không?
Theo ông, cần làm gì để các lễ hội được tổ chức tốt hơn, phù hợp với sự phát triển nhưng vẫn giữ được những bản sắc văn hóa tốt đẹp của ông cha ta?
Tôi thấy rằng, trước hết phải thấu hiểu các giá trị văn hóa ngày càng sâu sắc. Việc thấu hiểu này không chỉ người bản địa mà đến các nhà nghiên cứu, nhà quản lý cũng cần chú tâm hơn nữa. Đây là công việc thường xuyên. Khi đã hiểu sâu hơn, thì sẽ rút ra được những gì cần bảo tồn, cần gìn giữ, những gì cần phát triển, sáng tạo cho hôm nay để thành truyền thống cho mai sau. Thế hệ nào có đóng góp của thế hệ đó.
Về truyền thông, phải khách quan và hài hòa khi phản ánh những tục lệ, phong tục và các hiện tượng diễn ra. Không vì “câu view” mà nhấn quá mạnh về hiện tượng tiêu cực ở một số lễ hội. Cả nước đâu phải toàn như vậy. Phải công bằng.
Sự hiểu nhầm “phi văn hóa” thành “văn hóa” của các dị tục là việc mà các cơ quan nghiên cứu và thực thi văn hóa cần tuyên truyền sâu rộng, lượng định những tác hại lâu dài của nó. Đồng thời phát triển, sáng tạo không ngừng để gia tăng phần giá trị truyền thống và bớt dần những tác động tiêu cực. Tục lệ từ trong quá khứ cũng biến đổi phát triển trong lâu dài mới có chứ nó không ở một thời nào là chuẩn cả. Nó luôn luôn biến đổi để phù hợp với cuộc sống thực sinh, ngày càng văn minh của cộng đồng, của nhân loại. Ngành văn hóa hoàn toàn có đủ năng lực và khả năng để thực hiện các việc đó.
Trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ có rất nhiều hoạt động lễ hội văn hóa quy mô lớn được tổ chức trên khắp cả nước, ông có những lưu ý gì để người dân đi lễ đầu năm được an toàn, may mắn?
Việc đi lễ đầu năm ở các đền chùa, di tích tôi chỉ mong muốn mọi người nhất thiết phải tạo một thói quen: trước khi vào lễ cúng dường, đọc kỹ hai văn bản mà hầu như nơi nào cũng có: quy định về hành vi khi vào làm lễ và ngoạn cảnh, đọc bảng giới thiệu di sản văn hóa ở đó. Một cái là để biết mà ứng xử, một cái gia tăng nhận thức về di sản.
Hiện nay, có nhiều người chỉ nhăm nhăm hành lễ rồi cầu xin Thần Phật phù hộ trong làm ăn, thăng tiến. Chả khác gì là hành vi hối lộ các đấng anh linh đó.
Dẫu biết rằng, sự nghiệp văn hóa là một sự nghiệp lâu dài và khó khăn nhưng có được chủ trương, cách làm, con người và nguồn lực tốt thì sẽ càng ngày càng tốt đẹp lên: “Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” như Bác Hồ mong muốn từ năm 1960.
Xin trân trọng cảm ơn ông!