Văn hóa ứng xử là "gương mặt" của văn hóa, thể hiện thái độ của con người với nhau và với xã hội, đồng thời thể hiện quan niệm sống gắn với những giá trị văn hoá trong quá trình vận động của đời sống.
Báo động về hành vi ứng xử
Những hiện tượng tiêu cực gần đây trong văn hóa ứng xử đã trở nên đáng báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến tiếng thơm của “người Tràng An”.
Ông Nguyễn Hòa, Trưởng ban Tuyên truyền lý luận, báo Nhân Dân kể, trong một chuyến công tác tại Anh, ông rất ấn tượng khi được nghe những lời cảm ơn, xin lỗi hầu như ở mọi nơi, mọi lúc. Là người da trắng, da màu, là người đến từ các nước Ả Rập, Trung Á hay người thất nghiệp thì khi đi trên đường muốn vượt trước, lúc được nhường chỗ đứng, chỗ ngồi trên xe buýt… mọi người đều cảm ơn hoặc xin lỗi một cách nhã nhặn và lịch sự. "Có lần, đứng trước quầy hàng, vì muốn nhìn từ xa và rộng hơn, tôi lùi vài bước, vô tình va vào người đang đứng sau, vừa ngoảnh lại định xin lỗi thì người đó đã nói lời xin lỗi trước… Nhưng khi về đến Hà Nội, ông lại thấy buồn, vì cách ứng xử như thế giờ quá hiếm hoi", ông Nguyễn Hòa chia sẻ.
Quả thật, những hành vi ứng xử thiếu văn hoá đang xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là ở những nơi công cộng hay trên đường phố.
Nét đẹp của thanh niên tình nguyện và chiến sĩ CSGT giúp người cao tuổi vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại số nhà 30 Hoàng Diệu. Doãn Tấn - TTXVN |
Trên một chuyến xe buýt cuối ngày, vẻ mặt ai nấy đều mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng, chỉ có nhóm học sinh lớp 12, vừa từ lớp ôn thi đại học về cười nói rôm rả, thậm chí còn trêu chọc, chửi bới nhau “con này, thằng kia…” ầm ĩ, mà không hề chú ý gì đến sự khó chịu, bất bình của những người xung quanh.
Những hành vi thiếu văn hoá khi tham gia giao thông trên đường nhiều không kể hết. Chỉ cần tới các ngã ba, ngã tư là có thể chứng kiến thói ích kỷ, thái độ vô cảm của rất nhiều người khi tham gia giao thông. Thấy đèn đỏ vẫn vô tư vượt, thậm chí còn quay lại mắng cả người đang tuân thủ đúng luật giao thông vì “cản trở” đường đi của họ. Một người đi ngược chiều, va quệt vào một chiếc xe khác, không những không xin lỗi lại còn hùng hổ xông lên quát nạt người đi đúng đường: “Đi đứng thế à, mắt mũi để đâu?...”. Đến các cổng trường vào giờ tan học, các bậc phụ huynh phóng xe máy vèo vèo, tuýt còi inh ỏi, sẵn sàng trợn mắt, văng tục với những xe nào chẳng may chắn lối hoặc va quệt… Họ cũng không hề quan tâm đến sự an toàn của con em người khác, không ngần ngại tranh đường với cả các cháu học sinh đang trên vai đeo chiếc cặp nặng trĩu sách vở, mướt mả mồ hôi, chật vật chen chúc giữa rừng khói và xe để ra ngoài…
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội, kể cả cơ quan quản lý văn hóa cũng thừa nhận, chưa có thời điểm nào, vấn đề văn hóa ứng xử ở Hà Nội và người Hà Nội được đặt ra cấp thiết như hiện nay. |
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội, kể cả cơ quan quản lý văn hóa cũng thừa nhận, chưa có thời điểm nào, vấn đề văn hóa ứng xử ở Hà Nội và người Hà Nội được đặt ra cấp thiết như hiện nay. TS Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, bà đã rất đau lòng khi thấy giữa một Hà Nội kinh kỳ lại có rất nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hoá như bún “mắng”, “cháo chửi”, xả rác bừa bãi, hay hành xử thiếu văn hoá với di tích như trèo lên đầu rùa, viết, vẽ bậy lên các di tích…
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, hành vi con người được điều chỉnh bởi đạo lý và pháp lý, mà đạo lý lại gắn với chuẩn mực trong mối quan hệ gia đình, làng xóm, họ hàng… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, những mối quan hệ này ngày càng lỏng lẻo, những giá trị đạo đức truyền thống cũng đang dần bị mai một. Thêm vào đó, việc xây dựng nền kinh tế thị trường cũng đem lại nhiều giá trị mới, song không phải giá trị nào cũng phù hợp.
Xây dựng bộ quy tắc ứng xử
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (VH, TT&DL HN) đang xây dựng dự thảo đề án Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội “thanh lịch, văn minh”, khi hoàn thành sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng, của các nhà quản lý, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân… Cũng theo Sở VH, TT&DL Hà Nội, hệ thống quy tắc này tập trung vào các đối tượng ở 7 khu vực gồm: Các cơ quan hành chính, doanh nghiệp sản xuất, các đơn vị với tính chất kinh doanh thương mại, với giáo dục, y tế, các khu dân cư và khu vực công cộng. Trong khu vực công cộng thì vấn đề ứng xử trong giao thông là nơi cần nhất, nhạy cảm nhất và đa dạng nhất,
Trước lo ngại về “văn hoá sống ở Hà Nội đang thực sự có vấn đề…”, TS. Lê Thị Bích Hồng cho rằng, việc xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng một Hà Nội thanh lịch, văn minh là vô cùng quan trọng và cần thiết. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi người Hà Nội hiện đại đang tiếp thu, giao thoa với nhiều hình thái văn hoá, đang sống vội vã và gấp gáp. Tuy nhiên, đó chỉ là một cẩm nang hướng dẫn, chứ nó không thể giải quyết tận gốc vẫn đề. Muốn giải quyết tận gốc của vấn đề thì cần tạo sự chuyển biến từ trong nhận thức của những người dân sống ở Thủ đô.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH, TT&DL HN, cũng thừa nhận, việc đưa hệ thống quy tắc ứng xử này đi vào thực hiện sẽ không đơn giản, vì liên quan đến văn hóa và các hành vi ứng xử. “Nhưng dù có khó thì cũng vẫn phải làm. Chúng tôi sẽ nỗ lực để đưa ra hệ thống quy tắc ứng xử với những chuẩn mực tương đối cụ thể, còn việc tuyên truyền, vận động và để những quy tắc ấy từng bước thâm nhập vào đời sống xã hội thì sẽ là cả một chặng đường dài, cần có cả một cuộc vận động và phải làm từ từ, chứ không thể thực hiện ngay trong một vài tháng hay một vài năm.
Rõ ràng, việc đưa ra một quy định thì không khó, nhưng để những quy định đó đi vào cuộc sống một cách hiệu quả thì không hề dễ dàng. Đơn cử, như một hành vi ứng xử văn minh đã được luật hóa như cấm hút thuốc lá nơi công cộng, cho đến nay vẫn có nhiều người vi phạm, thì việc đưa vào thực hiện hệ thống quy tắc ứng xử này lại càng khó khăn hơn. Do đó, việc xây dựng và triển khai hệ thống quy tắc ứng xử cần có sự nỗ lực của các cơ quan, đoàn thể và quan trọng nhất là làm sao để mỗi người dân tự nâng cao nhận thức, tự mình làm theo, thì những hiện tượng không đẹp trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội mới có thể được hạn chế.
Phương Lan
TS Mai Anh, Đại học Quốc gia Hà Nội: Đối với một quốc gia hay một thành phố, quy tắc ứng xử sẽ góp phần xây dựng nên một môi trường văn hoá văn minh, lành mạnh, từ đó giúp duy trì và phát triển các giá trị sống tốt đẹp nhất cho xã hội và con người nói riêng. Đối với một cộng đồng hay tổ chức, quy tắc ứng xử được coi là một công cụ quản lý, một bộ tiêu chí chuẩn mực về hành vi và cách ứng xử của các thành viên mà tổ chức đó mong muốn. Ông Trương Mạnh Tiến, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Việc có một hệ thống quy tắc ứng xử là việc làm quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là ở các khu dân cư và nơi công cộng. Theo tôi, khi xây dựng quy tắc ứng xử cần kết hợp cả về mặt luật lệ và tự nguyện. Luật thì cần phải xử phạt thật nặng, nhưng bên cạnh đó cũng cần động viên, khuyến khích những tấm gương tốt. Ví dụ ở Singapore, tuy là một quốc gia rất phát triển, nhưng họ vẫn duy trì hình thức đánh roi. Ở ta, có thể áp dụng hình thức phạt lao động công ích. Anh Nguyễn Quốc Hùng, quận Long Biên, Hà Nội: Tình trạng báo động trong văn hoá ứng xử không chỉ ở riêng thành phố mà nó đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong xã hội… Ở nhiều nơi, sự xuống cấp của đạo đức, lối sống đang ngày càng phổ biến. Nếu cứ “thả nổi” như vậy thì sẽ vô cùng tai hại. Các cơ quan hữu quan cần phải nhanh chóng có biện pháp khôi phục lại văn hóa ứng xử của người Tràng An nói riêng, của cả xã hội nói chung. Tôi cho rằng, bây giờ mới xây dựng bộ quy tắc ứng xử là đã muộn, nhưng muộn còn hơn không. Tuy nhiên, làm thế nào để người dân tiếp nhận, làm theo mới là quan trọng và chắc chắn sẽ không dễ dàng gì. |