Theo các chuyên gia, do bảo tàng là một lĩnh vực đặc thù, vì vậy, ngoài việc đòi hỏi xây dựng một kế hoạch bảo tồn, phát triển dài hơi, người hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng cũng phải có trình độ chuyên môn để đáp ứng những nhu cầu mới trong lộ trình phát triển của ngành. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, hoạt động bảo tàng không còn gói gọn trong khuôn khổ chỉ lưu giữ, bảo tồn mẫu vật, mà còn góp phần vào phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là một điểm đến thu hút du khách. Ảnh: Tư liệu của Bảo tàng Lịch sử |
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó xác định việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa; đầu tư trang bị kỹ thuật hiện đại để bảo quản, giữ gìn lâu dài tài liệu hiện vật tại các bảo tàng, cơ quan lưu trữ tư liệu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ở Trung ương và địa phương là một nhiệm vụ trọng tâm. Về cơ bản hệ thống pháp luật về bảo tàng đến nay đã hoàn thiện, trong đó Luật Di sản văn hóa năm 2001 và sửa đổi năm 2009 là điểm mấu chốt nhất. “Quá trình phát triển của hệ thống bảo tàng Việt Nam nói chung, thực tiễn 10 năm triển khai Quy hoạch nói riêng, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, công tác xây dựng hệ thống pháp luật về bảo tàng được đẩy mạnh; hệ thống bảo tàng được củng cố, nâng cấp và phát triển; hoạt động bảo tàng tiếp tục được đổi mới cả về hình thức và nội dung, nhiều bảo tàng đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thực hiện tốt việc giáo dục truyền thống, nâng cao tri thức văn hóa, khoa học cho công chúng, đồng thời góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên khẳng định.
Sau 10 năm triển khai quy hoạch, hệ thống bảo tàng cũng ghi nhận đã được củng cố và nâng cấp lên rất nhiều. Cụ thể như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã được chỉnh lý nội dung trưng bày, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới phương thức hoạt động. Một số bảo tàng cấp quốc gia khác như Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cũng đã được xây mới, góp phần tạo nên diện mạo của hệ thống bảo tàng Việt Nam.
“Hoạt động bảo tàng không chỉ giáo dục lòng yêu nước của người dân mà còn góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước, đưa nguồn lợi ngành du lịch tăng mạnh. Đặc biệt, trong những năm gần đây các bảo tàng Việt Nam đã mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều nước, tổ chức và bảo tàng trên thế giới. Một số cuộc triển lãm về di sản văn hóa Việt Nam đã được các bảo tàng phối hợp với các đối tác nước ngoài như: Nga, Mỹ, Pháp, Bỉ, Singapore, Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật... , qua đó hình ảnh một Việt Nam giàu truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc được các nước bạn ghi nhận”.
Thứ trưởng Bộ VH,TT &DL Đặng Thị Bích Liên |
Ngoài bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng đầu hệ, thì hệ thống bảo tàng khác như bảo tàng chuyên ngành; bảo tàng tỉnh, thành phố; bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh các địa phương; bảo tàng thuộc Bộ Quốc phòng; bảo tàng ngoài công lập, đặc biệt là hệ thống bảo tàng tỉnh, thành phố cũng ghi nhận những bước đột phá. Trong 10 năm qua, đã có 22 bảo tàng các tỉnh, thành phố thực hiện xây mới, trưng bày mới như các tỉnh: Nghệ An, Sóc Trăng, Nam Định, Hà Nội, Ninh Thuận...
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận còn nhiều hệ thống bảo tàng vẫn còn phát triển chậm, chưa phù hợp với tiến độ của quy hoạch. Đơn cử như hệ thống bảo tàng chuyên ngành về các lĩnh vực giáo dục, khoa học kỹ thuật, ngành nghề thủ công truyền thống phát triển chậm, chưa đa dạng và mang nặng tính hình thức chứ chưa chú trọng nội dung, quảng bá thu hút du khách tham quan. Còn hệ thống bảo tàng tỉnh, do kinh phí hạn hẹp, chưa chú trọng đầu tư nên việc đổi mới nội dung trưng bày nhiều nơi chưa đạt. Hệ thống bảo tàng thuộc Bộ Quốc phòng tuy được đầu tư mạnh mẽ, nhưng về mặt quảng bá, thu hút du khách thì chưa đạt. Hiện nay hệ thống bảo tàng quốc phòng chủ yếu dành cho cán bộ, chiến sĩ trong ngành chứ chưa được mở rộng thành phần tham quan mà nhất là công chúng và thế hệ trẻ.