Cầu thủ Việt rất đặc biệt
* Tới bây giờ anh là cầu thủ Việt Nam duy nhất từng tham dự giải Pepsi World Challenge giữa các ngôi sao sân cỏ. Kỷ niệm của anh trong những ngày được so giày với những ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới ra sao?
- Vào tháng 7/2001, tôi vinh dự được hãng Pepsi mời sang Ai Cập tham dự giải World Challenge cho các ngôi sao bóng đá tới từ 5 châu lục. Giải đấu năm ấy góp mặt nhiều hảo thủ hàng đầu mà tôi chỉ thường thấy trên tuyền hình: Rui Costa (Bồ Đào Nha), Juan Veron (Argentina), Roberto Carlos, Rivaldo (Brazil) hay David Beckham (Anh)... Vinh dự có cơ hội đối đầu với các thần tượng ngay trước mắt, tôi thực sự run và mất ngủ cả tuần trước giờ thi đấu.
Tới lúc sang Ai Cập, tôi mới thấy cách biệt ghê gớm giữa mình và các ngôi sao đó. Như tôi, đơn độc sang, còn các ngôi sao kia luôn có cả tá người quản lý, bảo vệ. Tôi tự nhủ khi ra sân phải thể hiện hết kỹ năng của mình để khẳng định cầu thủ Việt Nam không hề thua kém ai cả. Lòng tự trọng, tự tôn dân tộc đã khiến tôi gạt bỏ mặc cảm lẫn tự ti để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi nhận được sự tôn trọng của các ngôi sao, họ bảo cầu thủ Việt Nam rất đặc biệt. Khoảnh khắc đó sẽ đi theo suốt đời tôi như là một trong những kỷ niệm đẹp nhất.
* Có điều gì khác biệt giữa cầu thủ Việt và những ngôi sao thế giới ấy trong những ngày anh tham gia tranh tài?
- Cuộc thi được chia thành 5 phần: Thi kỹ thuật, chuyền bóng, lừa bóng, sút phạt và đối kháng qua lưới. Kết thúc giải, tôi đứng vị trí thứ nhì sau tiền vệ người Ai Cập - Hazem Enam. Khi bước lên bục vinh danh, tôi hạnh phúc vì mang lại vinh quang cho bóng đá nước nhà, ở sân chơi khẳng định thương hiệu giữa các ngôi sao bóng đá.
Khi còn thi đấu, Nguyễn Hồng Sơn luôn khiến khán giả phải trầm trồ thán phục. Ảnh: VSI
Từ cuộc thi ấy, tôi hiểu cầu thủ Việt Nam đầy tiềm năng, nhưng lại ít được va chạm và thử lửa trong môi trường đỉnh cao. Một trở lực nữa, cầu thủ gốc châu Á ít có cơ hội để cọ xát và nâng cao bản thân so với những đồng nghiệp ở Nam Mỹ, châu Âu. Nên mỗi khi đối đầu, các đội bóng Nam Mỹ, châu Âu thường chiếm ưu thế, nhờ kinh nghiệm và khả năng làm chủ trái bóng, chiến thuật tốt hơn hẳn. Một phần nào đó là tố chất thể hình, thể lực của họ cũng tốt hơn hẳn.
* Anh ấn tượng với ai nhất trong số 17 “ngôi sao” bóng đá anh từng đối đầu?
- Roberto Carlos, hậu vệ người Brazil. Cảm giác đầu tiên, Carlos cao ngang với tôi nhưng thể hình vạm vỡ như một “rambo” hầm hố. Lúc ngồi cạnh, tôi thấy Carlos tỏ ra rất tự tin vào bản thân mình. Dù không rành tiếng Anh, Carlos vẫn thích pha trò. Tới giờ anh ta vẫn thi đấu ở môi trường đỉnh cao và có được bản thành tích đồ sộ.
Bảo vệ tài năng là trách nhiệm của cả xã hội
* Nhìn lại bóng đá Việt Nam qua 11 năm chuyên nghiệp, anh đánh giá đâu là mặt thành công nhất của V-League?
- Tôi là cầu thủ gắn liền quá trình bóng đá Việt Nam chuyển mình từ thời kỳ bao cấp qua doanh nghiệp hóa các CLB. Điểm dễ nhìn thấy nhất là V-League xuất hiện nhiều ngoại binh khiến chất lượng và sự cạnh tranh gắt gao hơn. Cầu thủ ngoại xuất hiện nhiều và cầu thủ Việt Nam có cơ hội trui rèn, thử lửa. Họ không còn e ngại việc giáp mặt với cầu thủ nước ngoài như chúng tôi thời điểm trước đó. Cùng với sự thay đổi về cơ chế quản lý - điều hành và quy luật thị trường quá sâu sắc ở ta, cầu thủ cũng có cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn. Chứ thời chúng tôi nào có chuyện định giá tiền tỷ như bây giờ.
* Còn những mặt yếu kém mà bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại?
- Báo chí từng nói về vấn đề này nhiều rồi và tôi cũng không muốn nhắc lại làm gì. Nhưng tôi nói thẳng thắn môn bóng đá được Nhà nước và dư luận quan tâm và ưu đãi rất lớn so với nhiều bộ môn khác. Song sự phát triển, thành tích vẫn còn chưa đáp ứng được sự mong đợi của xã hội. Đó là điều tất cả những ai tham gia hoạt động bóng đá cần xem xét lại một cách nghiêm túc. Cầu thủ lương thưởng quá cao nhưng đá không nghiêm túc khiến khán giả mất dần. Theo tôi, đây là vấn đề nghiêm trọng nhất của bóng đá Việt Nam.
* Bằng chứng là hàng loạt biểu tượng truyền thống như Thể Công, Công an Hà Nội, Cảng Sài Gòn... biến mất.
- Tôi thực sự đau lòng khi thấy khán đài ở ta ngày càng thưa thớt khán giả. Tôi thấy chỉ lúc nào đội tuyển quốc gia hay U23 Việt Nam tập trung thi đấu thì mới lại xuất hiện cảnh xếp hàng mua vé. Các CLB bây giờ chơi quá vị kỷ và không còn cống hiến, phục vụ hết mình người xem nữa. Việc các đội bóng có truyền thống biến mất vì cơ chế một phần, nhưng phần lỗi phải nhìn thẳng là chính bản thân cầu thủ tự đánh mất đi hình ảnh, sự kiêu hãnh nghề nghiệp.
Tình yêu của khán giả không phải tự nhiên có, mà phải bồi đắp theo thời gian. Việc các đội bóng “thay tên, đổi họ” liên tục thì việc CĐV khó lòng chấp nhận là điều dễ hiểu. Muốn khán giả trở lại sân cỏ, không chỉ đá hay, đá đẹp, các CLB cũng cần phải có truyền thống và sự phát triển lâu dài. Cầu thủ chuyên nghiệp, anh có giàu cỡ nào nhưng ra sân khán đài vắng hoe, anh không được khán giả tôn vinh, réo gọi tên một cách thân thương trong các trận đấu, coi như vứt. Thời chúng tôi đá, cầu thủ tự tôn màu cờ sắc áo cao lắm, các khán giả cũng thế.
Cầu thủ thế hệ bây giờ tôi tin rất nhiều người chưa từng có cảm giác rạo rực khi thi đấu giữa biển người. Đấy là nỗi đau với đời cầu thủ chuyên nghiệp.
* Trong 11 năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp, vẫn chưa thấy sự xuất hiện của một tiền vệ tài hoa và có tố chất như anh. Lý do nào khiến bóng đá Việt Nam thiếu hụt đi người kế cận như vậy?
- Nhân tài bóng đá không phải lúc nào cũng có, mà nó xuất hiện theo chu kỳ. Ngay thời điểm này, bóng đá thế giới cũng đang đi theo chu kỳ của nó. Khoảng cách giữa những cầu thủ xuất chúng như Pele, Maradona hay Lionel Messi tầm 10 tới 20 năm. Bóng đá ta còn có những bất cập trong cách quản lý và đào tạo trẻ, thì việc xuất hiện những tài năng thật sự càng trở nên khó khăn hơn. Chúng ta buộc phải chờ đợi và tiếp tục tìm kiếm những cầu thủ có khả năng gây đột biến.
Khi phát hiện được người tài, cách đào tạo và rèn giũa để tài năng ấy trở thành ngôi sao sân cỏ thực sự lại là một thách thức không nhỏ. Tôi nhớ nhà báo Hữu Thọ từng nói: Nhân tài không có năng lực bảo vệ mình. Thế nên, bảo vệ người tài, trong đó có tài năng bóng đá, là trách nhiệm của cả xã hội.
* Trong 10 năm qua, anh đánh giá những cầu thủ nào ấn tượng nhất ở từng vị trí?
- Ở vị trí thủ môn, Hồng Sơn có được phong độ ấn tượng tại Hà Nội T&T, cũng như cùng đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008. Nhưng tôi cũng đánh giá cao Tấn Trường, bởi cậu ấy có thể hình lý tưởng và đủ khả năng để ra nước ngoài thi đấu. Riêng vị trí hàng thủ, tôi vẫn ấn tượng nhất lối chơi của hậu vệ Như Thành. Cậu ấy có lối chơi hiện đại và khả năng phán đoán tình huống cực tốt. Còn tuyến tiền vệ, nhất là đảm trách vị trí “lá phổi”, thú thực lúc này tôi chưa ưng ý với bất cứ cầu thủ nào. Riêng hàng công, tôi vẫn coi Văn Quyến là cầu thủ có tố chất thủ lĩnh và bản năng của một tiền đạo lớn. Tiếc rằng cậu ấy vấp ngã và đánh mất đi tương lai của mình. Tôi luôn nghĩ về Quyến với sự tiếc nuối không nguôi.
Chừng nào, thấy cả nước xuất hiện hình ảnh các em bé mặc những chiếc áo cầu thủ trong nước, chừng đó mới hy vọng bóng đá ta vươn tầm đúng nghĩa. Bóng đá ta đang thiếu những cầu thủ đạt đến tầm thần tượng, ngôi sao đúng nghĩa, có tính hướng nghiệp cao. Thế hệ chúng tôi và trước đây đã làm được điều đó.
Đào tạo trẻ - Gieo gì, gặt nấy
* Đúng là bóng đá Việt Nam lúc này đang thiếu đi những cầu thủ hớp hồn khán giả bởi những tình huống xử lý đẹp mắt và ngẫu hứng. Dưới góc độ đào tạo và cả phát hiện tài năng, anh có nghĩ bóng đá Việt Nam đang có vấn đề?
- Người xưa thường có câu: “Gieo gì, gặt nấy”. Thời điểm này, bóng đá không còn là môn thể thao được lựa chọn duy nhất trong xã hội. Bây giờ cuộc sống đổi khác, cha mẹ các em cũng muốn con mình lựa chọn học hành hay những môn thể thao khác dễ mang lại tương lai ổn định hơn. Trong khi ấy, không gian đá bóng cho các em nhỏ ngày càng thu hẹp. Ngày xưa, những vỉa hè, nắp cống hay lòng đường là nơi nhiều danh thủ bóng đá Việt Nam bắt đầu con đường đá bóng. Nhưng bây giờ, không gian đó cũng không còn. Chưa kể, sự đầu tư, quan tâm chăm sóc và giáo dục đạo đức cầu thủ trẻ vẫn chưa được coi trọng thật sự.
* Đội hình U23 Việt Nam không có nhiều cá nhân xuất sắc. Hình như HLV Falko Goetz đang thiếu một cầu thủ số “10” đúng nghĩa, có khả năng thay đổi cục diện chỉ với một tình huống xử lý xuất thần.
- Một phần nào đó nguyên nhân từ khâu đào tạo và phát hiện nhân tài. Còn mặt khác, cầu thủ Việt Nam bây giờ phải chơi thực dụng. Một tình huống đi bóng hay biểu diễn kỹ thuật thường rất dễ nhận những pha vào bóng ác ý, có thể gặp chấn thương nặng. Áp lực thành tích đã khiến các huấn luyện viên ít tạo cơ hội cho các cầu thủ phát huy tính sáng tạo, sự ngẫu hứng. Thay vào đó, họ phải thi đấu theo sơ đồ chiến thuật vạch ra sẵn. Khi đá bóng mà lúc nào cũng trong tâm lý như thế, cầu thủ khó có thể thăng hoa và dần mất đi tố chất của mình. Đó mới là điều nguy hiểm nhất, bởi nó làm mòn đi khả năng sáng tạo ở các cầu thủ và khiến sân cỏ Việt khô khan hẳn đi.
Nguyễn Hồng Sơn là mẫu cầu thủ có lối chơi hào hoa hiếm hoi của bóng đá Việt Nam trong 20 năm qua. Ảnh: VSI
* Công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam chưa tốt cũng góp phần làm thị trường chuyển nhượng điên đảo.
- Khi khâu đào tạo chưa thực sự bài bản và có lộ trình đàng hoàng, thì việc các đội bóng tuyến trên thiếu đi lớp kế cận là điều dễ hiểu. Kiểu đầu tư thiếu trước, hụt sau dẫn tới việc giá trị cầu thủ bị đẩy lên quá cao. Tôi không hiểu một cầu thủ trẻ giải hạng 3 giá trị ra sao mà CLB ở V-League đôi khi chi cả tỷ đồng lót tay và mức lương 10 triệu/tháng để tuyển mộ. Nó vô tình làm hỏng sớm cầu thủ và triệt tiêu sự cầu tiến trong sự nghiệp của họ.
Lo cho U23 ở SEA Games 26
* Năm nay, nhiều đội bóng mạnh như Indonesia, Philippines sử dụng chính sách nhập tịch cầu thủ ngoại ồ ạt để giành tấm HCV SEA Games 26. Anh nghĩ chuyện này thực sự tốt cho bóng đá khu vực?
- Bóng đá Đông Nam Á vẫn nằm trong “vùng trũng” của bóng đá thế giới, nên rất khó khẳng định chính sách nhập tịch là tốt hay xấu. Tôi chỉ nghĩ bóng đá Đông Nam Á cần có một cú hích nào đó để thay đổi cách nhìn và sự phát triển. Tôi lấy ví dụ như bóng đá Qatar cũng rất mạnh, nhưng họ sẵn sàng nhập tịch để phấn đấu lọt vào VCK World Cup. Ngay Indonesia và Philippines cũng chẳng sai khi họ nhập tịch những cầu thủ có gốc gác nước mình, trở lại phục vụ và nâng tầm bóng đá quê nhà. Những cầu thủ này có tố chất lại được đào tạo ở môi trường chuyên nghiệp, sẽ giúp bóng đá quốc gia phát triển.
* U23 Malaysia và U23 Thái Lan đang trẻ hóa lực lượng một cách triệt để trong thời gian qua. Liệu có cửa nào để U23 Việt Nam giành HCV tại Jakarta tới đây hay không?
- Bóng đá Việt Nam đã đuổi kịp các nước trong khu vực, thậm chí vượt lên từ 7, 8 năm trước. Có chăng chỉ thua chút ít Thái Lan. Nhưng hơn 10 năm qua, bóng đá Việt Nam chỉ giành được 1 chức vô địch AFF Cup 2008 là quá ít ỏi so với thực lực và sự kỳ vọng của người hâm mộ. Dù hy vọng nhiều nhưng tôi vẫn thấy cửa vô địch của U23 Việt Nam không cao ở SEA Games năm nay. Lý do, chúng ta tiến bộ rất chậm và không chịu làm mới mình so với đối thủ, trong đó phải kể đến Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Ngày trước, muốn vô địch chúng tôi xác định phải thắng Thái Lan. Bây giờ, Malaysia quá xương, trong khi thực lực giữa ta với Indonesia và Singapore là như nhau.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
Theo thethaovanhoa.vn