Đừng nói với tôi là bạn chưa từng một lần nghe và cảm thấy một dòng điện tràn qua người, giống như một luồng khí thế của tinh thần dân tộc sống dậy. Bởi có những điều, có những lời ca, có những giai điệu của quá khứ, mà lại giống như một sự đồng hành cùng năm tháng, mãi mãi chinh phục con tim mỗi chúng ta.
“Cùng nhau đi Hồng binh
Đồng tâm ta đều bước
Đừng cho quân thù thoát
Ta quyết chí hy sinh.
Nào anh em nghèo đâu
Liều thân cho đời sống
Mong thế giới đại đồng
Tiến lên quân Hồng.
Đời ta không cần lo
Nhà ta không cần tiếc
Làm sao cho toàn thắng
Ta mới sống yên vui.”
Đó, là trọn vẹn phần lời của “Cùng nhau đi Hồng binh” của nhạc sĩ Đinh Nhu (ảnh) - người nhạc sĩ chỉ có duy nhất một ca khúc nổi tiếng, nhưng cũng chỉ cần duy nhất một ca khúc để mãi sống cùng dân tộc và sống trong lịch sử âm nhạc nước nhà.
Còn phần nhạc, cái phần nhạc cũng không kém phần tráng ca như phần lời, nếu muốn cảm nhận đủ, có lẽ hãy tìm và nghe, bạn nhé. Để hiểu một thời, dân tộc ta đã hào hùng ra sao. Để hiểu một thời, có những điều đột nhiên lớn lao hơn cái “giường chiếu hẹp” và “giấc mơ con” ra sao... Thì đó: “Đời ta không cần lo. Nhà ta không cần tiếc. Làm sao cho toàn thắng. Ta mới sống yên vui”.
Ca khúc “Cùng nhau đi Hồng binh”. |
Sở dĩ vì sao thời điểm này tôi nhắc tới “Cùng nhau đi Hồng binh”, bởi đó là ca khúc mà dân ta, những công - nông - binh đã hát vang lên trong những ngày tiền Khởi nghĩa, những ngày Tổng khởi nghĩa và cả những ngày đất nước lập lại hòa bình sau năm 1945. Cùng với “Cờ Việt Minh” (Vương Gia Khương), “Tiếng gọi Thanh niên”, “Lên đàng” (Lưu Hữu Phước), “Du kích ca” (Đỗ Nhuận), “Phất cờ Nam tiến” (Hoàng Văn Thái), “Tiến quân ca” (Văn Cao), “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi), “Đoàn vệ quốc quân” (Phan Huỳnh Điểu)... thì “Cùng nhau đi Hồng binh” đã được xem là ca khúc của Cách mạng tháng Tám, của những ngày dân tộc sục sôi đứng lên giành độc lập. Ngày ấy, trên mọi nẻo đường, cùng với cờ đỏ sao vàng, cùng với súng, với liềm, gậy gộc, giáo mác, là những lời ca. Một người bắt nhịp, cả đoàn người hát vang, không cần ai bảo ai, mà ai cũng thuộc lời. Nó, giống như một sự động viên tinh thần, để giúp chúng ta “tay không” mà chiến thắng được quân thù.
“Cùng nhau đi Hồng binh” ý nghĩa là thế. Giờ đây, nó cũng thành một tài sản của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam. Còn hơn thế nữa, nhiều người đánh giá nó là ca khúc mở đầu cho thời kỳ tân nhạc cách mạng. Thế nhưng, ít ai biết, ca khúc này hoàn toàn không ra đời vào thời điểm Cách mạng tháng Tám và tác giả của ca khúc cũng không hề có may mắn được hòa vào dòng người đi biểu tình, mít tinh đòi hòa bình ngày ấy. Ông đã chết trước thời điểm đó hơn 5 tháng, vào tháng 3/1945.
Câu chuyện về tác giả “Cùng nhau đi Hồng binh” vì thế mà cũng là những điều đặc biệt. Đặc biệt của một người vốn không phải là nhạc sĩ, cũng không có ý định trở thành nhạc sĩ, chỉ nhờ tinh thần yêu nước và ý chí của người lính cách mạng mà viết nên ca khúc này.
Đinh Nhu sinh năm 1910, trong một gia đình làm nghề bán hoa tươi ở Hải Phòng, cha mẹ không ai biết gì về nghệ thuật. Nhưng vì sống ở một căn nhà trên gác 2, đằng sau rạp hát tuồng Hải Đài, gần đền thờ nữ tướng Lê Chân, mà Đinh Nhu có cơ hội được tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ, nhất là các nghệ nhân tuồng, chèo giàu kinh nghiệm. Vốn là người ham thích âm nhạc, sân khấu, hội họa, Đinh Nhu đã làm quen với con ông chủ rạp hát, để tối nào cũng được vào rạp xem không mất tiền.Trong một thời gian ngắn, cậu cả đã học “lỏm” được nhiều ngón của một số bộ môn âm nhạc, như kéo nhị, thổi tiêu, đánh đàn bầu, đàn nguyệt...
Đinh Nhu tham gia các phong trào hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1927, đã góp mặt trong Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Đến cuối năm 1929, bị đế quốc Pháp bắt giam ở Hỏa Lò và bị kết án tù chung thân đầy đi Côn Đảo. Tại Hỏa Lò, Đinh Nhu mang số tù 10549. Trong tù, được sự gợi ý của anh em, năm 1930, khi chưa đầy 20 tuổi, Đinh Nhu đã sáng tác bài hành khúc “Hồng quân ca” bằng cây sáo trúc ở ngoài chuyển vào, chính là ca khúc “Cùng nhau đi Hồng binh” sau này, được anh em tù hát khắp các nhà lao Bắc, Trung, Nam trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và trở thành một ca khúc phổ biến cả nước. Nhưng bài hát chỉ thực sự lan truyền rầm rộ khi cao trào kháng Nhật, Pháp lên đến đỉnh điểm, dẫn đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Bên cạnh nhiều bài khác, “Cùng nhau đi Hồng binh” được người ta hát ở khắp nơi, trong những cuộc biểu tình, mít tinh những ngày tháng tám ấy.
Đó là chuyện của sau này, còn ở thời điểm sau khi ca khúc ra đời, thì Đinh Nhu tiếp tục bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, ông mang số tù 3641, chung phòng giam với các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt)... Thời gian ở tù, Đinh Nhu tiếp tục sáng tác nhạc, viết bài ca kêu gọi công - nông - binh làm cách mạng, kỷ niệm về lãnh tụ Lênin... nhưng không bài nào nổi tiếng và thành công như “Cùng nhau đi Hồng binh” cả.
Năm 1936, Đinh Nhu được ân xá và trở về Hải Phòng tiếp tục hoạt động. Năm 1940, ông lại bị bắt cùng người em trai là Đinh Hoạt và cùng bị giam ở “Căng Bắc Mê”, rồi chuyển đến “Căng Nghĩa Lộ” (Yên Bái). Trong trận nổi dậy tại “Căng Nghĩa Lộ” ngày 17/3/1945, Đinh Nhu cùng 8 chiến sĩ khác đã hy sinh, còn người em trai chạy thoát.
Đánh giá về “Cùng nhau đi Hồng binh”, một nhà phê bình âm nhạc chia sẻ, nó giống như một lời hiệu triệu toàn dân đứng lên lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Bài hát khúc thức gọn gàng, dễ nhớ, dễ thuộc. Tính chất hùng tráng, khích lệ, đầy hào khí, với phần lời vừa giản dị vừa có sức lôi cuốn, như ngọn lửa không bao giờ tắt trong trái tim những người con đất Việt...
Xuân Thi