Cao Văn Tuấn là một doanh nhân nổi tiếng với nghề nuôi cá sấu, đã thành tên gọi Tuấn Cá Sấu trên đất Hải Phòng. Việc thành lập Bảo tàng Đông Dương này lại cho thấy một gương mặt khác của Cao Văn Tuấn. Đấy là tình yêu anh dành cho các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. 15 ngàn hiện vật, trong đó nhiều cổ vật độc đáo, quý hiếm và trên 300 tác phẩm của các các họa sĩ nổi tiếng của Mỹ thuật Việt Nam hiện đại đã nói lên điều đó.
Trên diện tích 1.000 mét vuông, bảo tàng được trưng bày khá công phu, theo niên đại hoặc theo sự tương đồng về văn hóa của các cổ vật. Cao Văn Tuấn say sưa giới thiệu về từng gian, từng khu trưng bày. Đằng sau mỗi hiện vật trưng bày là cả một câu chuyện, cho thấy công sức, tâm huyết và sự hiểu biết của anh.
Nhiều hiện vật đến với anh như duyên phận: Bộ đĩa, bát, thạp, bình cổ có niên đại 2.000 năm; chiếc trống đồng Đông Sơn rất nhỏ và hiếm với những chạm khắc rất tinh xảo; những con thuyền cổ trục với từ sông Bạch Đằng có tuổi hàng ngàn năm; đôi câu đối cổ trong một đển thờ Ngô Quyền bị thất lạc mà anh phải bán một mảnh đất để có tiền mua lại; ngôi nhà cổ nguyên vẹn được đưa về với nhiều công phu; chiếc dương cầm và rương đựng tư trang của Nam Phương hoàng hậu… Có những cổ vật anh phải đấu giá mua từ nước ngoài về. Có những hiện vật anh phải tìm và mất nhiều công sức đưa từ miền Nam, miền Trung ra, như những thanh tà vẹt của tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt nay đã không còn, và nhiều hiện vật khác nữa.
Phòng tranh của Bảo tàng Đông Dương có các tác phẩm nổi tiếng của các họa sĩ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, với bộ tứ nổi tiếng “Trí - Lân - Vân - Cẩn”; tranh của các họa sĩ tài danh của thế hệ sau đấy như bộ tứ “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái”; tranh của Văn Cao, Trịnh Hữu Ngọc, Nguyễn Tiến Chung, Lương Xuân Nhị, Văn Giáo... đến các thế hệ họa sĩ sau này.
Cao Văn Tuấn kể, niềm say mê sưu tầm tranh và các cổ vật đến với anh từ rất sớm. Năm 1986, mới 24 tuổi, chàng thanh niên Cao Văn Tuấn, bằng tiền bán chiếc xe đạp của bố, đã nhảy tàu lên Hà Nội để mua những bức tranh đầu tiên của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Niềm say mê ấy anh theo đuổi suốt những năm tháng sau này. Tuấn đã làm đủ nghề để kiếm sống từ thời bao cấp khó khăn đến những năm sau này, trong đó có việc "đánh" hàng bãi từ Nhật về, sau đó là nghề nuôi cá sấu, mở nhà hàng... Anh đã thành công trong việc thuần hóa giống cá sấu Xiêm ở miền Nam ra nuôi ở miền Bắc với quy mô lớn, có thời kỳ cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho hàng trăm hộ dân trong vùng.
Trong cuộc mưu sinh ấy, có được bao nhiêu tiền, Tuấn đều dành cho việc sưu tầm tranh và cổ vật. Anh đã đi khắp nơi trong nước và ra nước ngoài để tìm kiếm và sưu tầm những hiện vật, những tác phẩm nghệ thuật yêu thích. Quá trình tìm kiếm và sưu tầm cũng là quá trình Tuấn tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi để nâng cao vốn văn hóa, sự hiểu biết, trau dồi tình yêu đối với những giá trị truyền thống của dân tộc. Đi cùng Tuấn thăm các gian trưng bày, nghe anh kể về quá trình sưu tầm từng hiện vật, với không chỉ tiền bạc mà rất nhiều mồ hôi công sức, chúng tôi thêm hiểu sự đam mê ấy của anh.
Cao Văn Tuấn chia sẻ: "Bảo tàng Văn hóa - Nghệ thuật Đông Dương là tình yêu, là tâm nguyện của tôi, là tài sản vô giá không gì có thể đánh đổi được. Văn hóa là những điều cuối cùng còn lại nên sẽ có giá trị vĩnh cửu! Việc làm cho các giá trị văn hóa được gìn giữ, ngày một lan toả qua các thế hệ, trong cộng đồng là điều rất cần thiết!".
Với suy nghĩ ấy, Cao Văn Tuấn hướng hoạt động của Bảo tàng Đông Dương đến với cộng đồng: Tổ chức các hoạt động nghiên cứu giao lưu, trao đổi văn hóa; miễn phí vào thăm bảo tàng cho tất cả người xem; tổ chức hoạt động tham quan, học tập tại chỗ cho các cháu học sinh các trường trong thành phố; có kế hoạch phục dựng lại có chọn lọc một số hoạt động, nghi lễ văn hóa trước đây… Đấy là một hướng đi rất đáng được cổ vũ.
Được biết, đến nay, toàn quốc có gần 70 bảo tàng tư nhân, xuất phát từ các bộ sưu tập của những người yêu văn hóa, say mê công việc sưu tầm. Bảo tàng Đông Dương của doanh nhân Cao Văn Tuấn ở trong số đó. Chúng tôi đã có dịp thăm bảo tàng tranh của làng hội họa Cổ Đô (Ba Vì), bảo tàng về nghề nhiếp ảnh và bảo tàng Nguyễn Văn Huyên ở làng Lai Xá (Hoài Đức, Hà Nội), Bảo tàng Đồng Quê ở Giao Thuỷ (Nam Định)… Dù đang trong bước đầu phát triển và còn không ít khó khăn, các bảo tàng tư nhân đã góp phần cùng hệ thống bảo tàng của nhà nước ở trung ương, các tỉnh, thành phố trong việc sưu tập, gìn giữ, phát triển và lan tỏa tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật truyền thống của đất nước, góp phần vào sự nghiệp chấn hưng văn hóa. Việc giúp đỡ các bảo tàng tư nhân phát triển rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển từ ngành văn hóa và các địa phương.