Gần đây, dư luận bàn nhiều về những hạn chế của hai bộ phim truyền hình “Anh chàng vượt thời gian” và “Xin thề anh nói thật” (được công chiếu trên các kênh sóng của VTV). Quả tình, xét riêng về nội dung của từng bộ phim này còn nhiều điều để đáng bàn. Tuy nhiên, nếu nhìn ở mộc góc độ khác, đặt trong mối tương quan tổng thể chúng ta có thể nhận ra phim truyền hình Việt Nam đang có một sự chuyển động nhất định.
Từ những quy phạm cầm hơi…
Một thời gian dài thưa thớt và ảm đạm, nhường chỗ cho phim truyền hình Trung Quốc, Hàn Quốc đến mức khiến giới trẻ thuộc lịch sử Trung Quốc hơn cả sử ta, cập nhật thường xuyên các kiểu thời trang Hàn Quốc nhờ vào phim của họ…, bởi thế, sự trở lại của phim truyền hình Việt vào những “giờ vàng” và phủ rộng trên nhiều kênh sóng là rất đáng quý và cần thiết. Tuy nhiên, sự đông đảo về số lượng, thời lượng không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự vận động và phát triển.
Trước đây, khi phim truyền hình Việt Nam còn ít, đa phần các bộ phim đều bị “khuôn” trong những đề tài quen thuộc và có một cấu trúc toàn vẹn. Phim thường có sự đan xen cả chất hài, chất bi, những phút trầm lặng và vỡ òa của sự gặp gỡ, đoàn tụ. Có lẽ, chính vì “đất diễn” nhỏ hẹp mà khuynh hướng nào cũng phải đặt lên mặt giấy cân nhắc kĩ càng. Nói đâu xa, ngay những bộ phim hài trước đây cũng phải khéo “gói lại” tiếng cười trong dăm bẩy tập, hướng người xem đến nhưng cái “đích”về tư tưởng mà tác phẩm hướng tới trước khi hạ màn.
Một cảnh trong phim “Xin thề anh nói thật”. |
Có lẽ vì thế mà khi phim truyền hình Việt đã có điều kiện phát triển hơn, nó vẫn chưa thể thoát ra khỏi tính quy phạm cầm hơi một thời. Thực ra cũng không có gì lạ và đáng chê trách cả. Có được vài bộ phim đi sâu vào một thể loại hài như “Đếm ngược cho đến 30”; “Trường dạy yêu”, “Tháng củ mật”… khá thú vị nhưng cũng chỉ có dung lượng hạn chế. Loạt phim về hình sự cũng chỉ xoay quanh vài vụ án. Khi người xem vừa ấn tượng với một nhân vật nào đó thì lập tức lại phải quên ngay bởi đến phim hình sự sau anh diễn viên này, chị diễn viên nọ lại vào vai một nhân vật khác. Điều đáng tiếc là sự trùng lặp, quen mặt ấy không nhằm mục đích tạo ra kiểu nhân vật trở đi trở lại trong loạt phim cùng chủ đề mà đôi khi còn tạo ra sự nhầm lẫn bật cười theo kiểu: Thế hóa ra lại đổi tên à. Cậu này phim trước hiền thế mà phim này gớm mặt… Những ấn tượng như thế, phỏng có ích gì.
Có lẽ nguyên nhân sâu xa của những điều đáng tiếc này không bắt nguồn từ sự khô cạn về cảm hứng sáng tạo hay sự nghi ngại ở sức lôi cuốn của phim truyền hình Việt Nam (theo kiểu sợ làm dài người xem sẽ ngán) mà đó là một quán tính cũ. Quán tính của cái khuôn khổ thủa nào làm phim còn hạn hẹp về kinh phí, còn khó trăm bề.
… đến hướng đi riêng cho từng thể loại Có lẽ điện ảnh cũng như các loại hình nghệ thuật khác, trước khi có sự bứt phá toàn diện, đạt tới một trình độ cao hơn nó phải trải qua một thời kỳ quá độ. Thời kỳ của động cựa, nứt vỡ lớp vỏ cũ kỹ để thiết lập một hình hài mới. Từ một dạng phim khá “trung tính” có cả tâm lý, hành động, hài hước,… phim truyền hình Việt đã bắt đầu có những thể nghiệm cho riêng mình. Chúng ta đã có những phim hành động đúng nghĩa như “Đầm lầy bạc”, “Hoa xương rồng”… Có những phim tâm lý xã hội công phu như Nếp nhà, Vệt nắng cuối trời… hay phim cổ trang nghiêm túc như Lều chõng, Huyền sử thiên đô… Để tạo thành những dòng riêng, người làm phim phải tạo ra những chiều kích để mở rộng thêm phạm vi hiện thực trong tác phẩm. Đó là các yếu tố kỳ ảo, tính phi lý với hiện thực bên ngoài nhưng hợp lý trong tác phẩm, phá bỏ những rào cản về thời gian… Nhiều khi sự mới mẻ đó làm cho khán giả chưa kịp thích nghi ngay và có những phản ứng tức thời. Người xem ứng chiếu theo kiểu phim là đời và đánh giá cao những gì sát với chất liệu đời sống hơn là việc cần phải “đọc” ra những thông điệp nghệ thuật. Những tiêu chí quen mòn “vừa phải”, “hài hòa”, “phản ánh hiện thực” đơn giản… bấy lâu đã đồng nghĩa với khái niệm chất lượng. Bởi thế một bộ phim có nhiều ước lệ như Xin thề anh nói thật (đạo diễn Phi Tiến Sơn, kịch bản Nguyễn Quỳnh Trang) bị nhiều người cho là quá nhiều phi lý.
Trước hết, phim ảnh, hay văn chương không làm cái việc “chiếu chụp” bệnh tật cuộc sống như các thiết bị y tế. Nó đem đến những sự thật bằng một cách xây dựng, tổ chức riêng của mình. Bạn sẽ không bao giờ gặp những ngẫu nhiên, oái oăm đến thế, bạn không có cơ hội được ngồi xe hơi, ném phi tiêu, được dịp yêu lại như thời trẻ… nhưng những gì mà tình huống ấy đem lại sẽ giúp bạn thỏa mãn được những vấn đề nội tâm. Bạn thấy hóa ra cuộc đời còn nhiều vẻ đẹp khuất lấp, có cái để tin, để yêu và từ đó quay lại chiêm nghiệm về cuộc đời mình. Trở lại với bộ phim vừa nói ở trên, đã lâu lắm rồi mới có một bộ phim tạo được chuỗi cười theo kiểu hoạt kê như thế này. Trong muôn vàn anh công tử nhà giầu tham lam gái gú, tiền bạc, tệ nạn, buôn lậu… mà người ta dễ liên tưởng trong sách báo, lại có anh chàng biết làm ảo thuật, nói dối vô hại như Phan Vũ. Có vẻ là lạc lõng ư? Hình ảnh quen thuộc về những cô nhân viên là váy ngắn, áo trễ, tiến thân bằng hình thức hơn là năng lực bỗng dưng có một Bảo Lâm thẳng thắn, bướng bỉnh cũng thật lạ. Hai người đó như một cái gì trong trẻo, cứu rỗi những giá trị cao đẹp của một thuở nào đang bị vùi lấp trong sự xô bồ của cuộc sống hôm nay. Hai kẻ “rạch giời rơi xuống” như hai kỵ sĩ mặt buồn đơn độc trong cuộc chơi duy tình của riêng mình. Riêng sự chuyển hóa từ ghét đến yêu của họ cũng rất hợp lý và thuyết phục. Nó hơn hẳn cái kiểu gán ghép gấp gáp của nhiều “ông Tơ bà Nguyệt” làm phim trước đây. Điều ấy đáng để xem, để nghĩ hơn những gì lặt vặt mà bạn cho là vô nghĩa lý kia.
Có thể là quá sớm để nói về một giai đoạn mới cho phim truyền hình Việt Nam. Nhưng, nếu nhìn vào tổng thể, cũng đáng để ghi nhận ở sự mạnh rạn phá bỏ những khuôn mẫu phim ảnh của một thời làm phim cầm hơi để đi sâu khám phá từng thể loại. Hy vọng từ những bước khởi đầu này, các nhà làm phim sẽ không để người xem phải chờ lâu và được thưởng thức những bộ phim hiện đại, độc đáo, mang dấu ấn tâm hồn người Việt Nam.
Lâm Việt