Chiếu phim tài liệu về nạn nhân da cam Việt Nam tại Pháp

Ngày 13/4, Trung tâm Walonnie-Bruxelles tại Paris vừa trình chiếu bộ phim tài liệu "Câu chuyện của Liên ở Mê Linh hay Chiến tranh và tội ác chiến tranh" đồng thời giới thiệu cuốn sách cùng tên của tác giả - đạo diễn người Bỉ Jean-Marc Turine với nội dung tố cáo những di chứng của chất độc da cam đối với cuộc sống của hàng triệu nạn nhân tại Việt Nam vào thời điểm chiến tranh đã đi qua nhiều thập kỷ.

Đông đảo người dân Paris đến xem phim về nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm Walonnie-Bruxelles.


Trong bộ phim cũng như trong cuốn sách, người xem được gặp gỡ với Liên, 18 tuổi, một nạn nhân chất độc da cam sống tại Mê Linh, ngoại thành Hà Nội. Bố em là một người lính, ông đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin trong những những năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Trung-Tây Nguyên và đã di truyền chất độc đó sang em. Cuộc sống của Liên là cả chuỗi ngày những đau khổ thể chất và tinh thần do những cơn co giật hành hạ, di chuyển chủ yếu giữa giường và xe lăn. Với em, việc cắp sách đến trường là giấc mơ không bao giờ được thực hiện.

Cũng giống như Liên, rất nhiều nạn nhân ở nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước Việt Nam đang hàng ngày phải chịu đựng những nỗi đau đó. Nếu những đứa trẻ bệnh tật không hiểu được hết hoàn cảnh đáng thương của mình thì những giọt nước mắt lại không ngừng lăn trên gương mặt của cha mẹ chúng.

Tuy nhiên, trong số các nạn nhân, rất nhiều người đã vượt qua sự nghiệt ngã của số phận bằng nỗ lực vươn lên của chính mình hoặc bằng sự giúp đỡ của người thân. Bên cạnh đó, nhiều trung tâm bảo trợ được xây dựng bằng ngân sách nhà nước, sự đóng góp của toàn xã hội, sự hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh và các tổ chức phi chính phủ nhiều nước cũng tạo ra một hệ thống hỗ trợ của xã hội đối với các nạn nhân vẫn đang phải hứng chịu nỗi đau da cam.

Tác giả - đạo diễn Jean-Marc Turine (người ngồi phía bên phải) xúc động khi nói về hoàn cảnh đáng thương của các nạn nhân chất độc da cam.


Bộ phim cũng cung cấp nhiều thông tin mang tính tư liệu cho biết trong cuộc chiến tranh Việt Nam, từ năm 1961 đến năm 1972, quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ và khai quang trong đó phần lớn là chất độc da cam/dioxin xuống một diện tích khoảng 1/4 tổng diện tích tự nhiên của miền Nam Việt Nam. Đây là cuộc chiến tranh hoá học với quy mô lớn nhất trong mọi thời đại của lịch sử chiến tranh. Nó không chỉ hủy diệt con người mà hủy diệt nhiều thế hệ người Việt Nam đồng thời hủy diệt cả môi trường và hệ sinh thái.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, đạo diễn Jean-Marc Turine cho biết ông đã dành khoảng 6 tháng để làm bộ phim này. Lúc đầu, với tư cách là phóng viên, ông đã làm các phóng sự và phát trên một đài phát thanh của Bỉ nơi ông làm việc. Tuy nhiên, ông nhận thấy khán giả ở châu Âu cần hình ảnh để nhận thức được rõ hơn những tác hại của các di chứng đối với các nạn nhân, những cảnh tượng thương tâm đối với gia đình của họ. Vì vậy, ông đã quyết định làm bộ phim tài liệu với hai phiên bản dài 74 và 95 phút để chiếu cho các đối tượng công chúng khác nhau.

Cuốn sách "Câu chuyện về Liên ở Mê Linh" của tác giả Jean-Marc Turine được bày bán bên ngoài phòng chiếu.


Đạo diễn Jean-Marc Turine cũng cho biết đã gặp gỡ và trò chuyện rất lâu với các nạn nhân. Tận mắt chứng kiến cuộc sống của những con người bệnh tật, tàn phế, những bi kịch cuộc đời, ông không thể cầm được lòng mình, nhưng ông bất lực vì không thể làm gì để giúp họ thay đổi số phận.

Ông cũng lên án hành động thiếu trách nhiệm của chính phủ Mỹ và các công ty sản xuất các hóa chất độc hại như Monsanto, Dow Chemical…, đã từ chối bồi thường các nạn nhân Việt Nam và cho rằng không có mối liên hệ giữa chất diệt cỏ và các căn bệnh mà các nạn nhân phải hứng chịu. Theo ông, đó là sự bất công. Chính vì vậy, thông qua tiếng nói của các nạn nhân-nhân chứng, ông muốn thức tỉnh lương tri người dân các nước châu Âu về những "nỗi đau da cam", những vết thương vẫn đang rỉ máu. Bộ phim cũng truyền đi thông điệp về tình yêu thương đối với những con người vẫn không ngừng vươn lên cũng như những việc làm thiết thực nhằm giúp đỡ các nạn nhân trong cuộc sống.

Bộ phim càng trở nên có ý nghĩa khi nó được trình chiếu chỉ ít ngày trước phiên xử vụ án chất độc da cam tại thành phố Evry, ngoại ô Paris. Ngày 16/4 sắp tới, tòa đại tụng thành phố Evry sẽ xử phiên đầu tiên vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ do bà Trần Tố Nga, một Việt kiều tại Pháp khởi kiện, đòi công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam.


Bích Hà
(P/v TTXVN tại Pháp)
Tọa đàm về cuộc đấu tranh giải phóng của Việt Nam tại Pháp
Tọa đàm về cuộc đấu tranh giải phóng của Việt Nam tại Pháp

Hội "Những người bạn của Léo Figuères" phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Việt Nam từ đấu tranh giải phóng dân tộc đến hiện nay”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN