Ngay sau khi cầm trên tay chiếc cúp vô địch Champions League, người hùng Didier Drogba đã trao lại nó cho… ông chủ Roman Abramovich. Chiến thắng nghẹt thở trước Bayern Munich đã khép lại một mùa giải kỳ lạ đối với Chelsea. Trong cái năm đội bóng của tỷ phú người Nga chơi tệ nhất, trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất, thì họ lại giành được chiếc cúp danh giá nhất mà Abramovich luôn đau đáu kể từ khi mua lại CLB, năm 2003.
Trong 9 năm qua, Abramovich đã đổ cả tỷ bảng để mua về những ngôi sao đắt giá, đã chiêu mộ những HLV cừ khôi nhất, từ Mourinho, Ancelotti, Hiddink (đều là các HLV đã từng đoạt cúp C1/Champions League) cho tới Grant, Scolari hay Andre Villas-Boas. Tuy nhiên, không ai trong số đó giúp ông chủ người Nga thỏa mãn. Mà người làm được điều ấy lại là HLV tạm quyền Roberto Di Matteo, người đã cùng Chelsea kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 6 tại Premier League, vị trí thấp nhất trong “kỷ nguyên Roman”, song bù lại đã giành cú đúp (FA Cup và Champions League).
Trận chung kết kịch tính ở Allianz Arena chính là một bản sao thu nhỏ của Chelsea ở mùa này, tưởng chết đi rồi sống lại, thậm chí là sống khỏe! Trong phần lớn thời gian thi đấu, họ luôn phải chống đỡ vất vả, bị dẫn trước ở phút 83, bị phạt penalty ở trong hiệp phụ, rồi đá hỏng quả penalty đầu tiên, vậy mà rốt cuộc lại giành được chiến thắng.
Sẽ có người nói rằng Chelsea đã quá may mắn khi Drogba ghi được bàn gỡ hòa từ quả phạt góc đầu tiên mà họ được hưởng, khi trận đấu đã bước sang phút cuối cùng. Tuy nhiên, chi tiết đó lại càng chứng tỏ sự lì lợm và dạn dày của các lão tướng bên phía Chelsea. Những nỗi đau từ thất bại trong quá khứ đã hun đúc cho họ một tinh thần thép để vượt qua tất cả. Trong trận chung kết năm 2008, Drogba lĩnh thẻ đỏ rời sân, Chelsea thua M.U sau loạt luân lưu 11m. Ở trận bán kết năm 2009, khi Chelsea thua Barca oan uổng, Drogba chửi trọng tài rồi sau đó bị phạt cực nặng. Có trải qua những nỗi đau như thế thì lão tướng người Bờ Biển Ngà mới có thể bình tĩnh thực hiện quả đá luân lưu quyết định một cách nhẹ nhàng để mang về chiến thắng cho Chelsea.
“Chúng tôi đã vượt qua được nỗi đau Mátxcơva (thua M.U bằng đá luân lưu 11m)”, người hùng Drogba chia sẻ. “Cech đã làm tốt phần việc của mình khi chặn được những quả penalty quan trọng. Nên đến lượt mình, tôi phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất”. Trận chung kết này cũng có thể được coi là trận đấu của một thế hệ. Ở tuổi 34, Drogba đã đem về cho Chelsea chiếc cúp danh giá nhất, và đó có thể là một lời chia tay đẹp của anh với đội bóng, cho dù anh cũng đã nói rằng “tôi không muốn đề cập tới chuyện tương lai trong thời khắc đầy cảm xúc này”.
Niềm vui của người này lại là nỗi đau của người khác. Một cầu thủ từng gia nhập Chelsea cùng thời điểm với Drogba là Robben lại phải tự dằn vặt mình sau trận chung kết. Tiền đạo người Hà Lan là một trong những cầu thủ chơi hay nhất ở sân Allianz Arena, song điều đó trở nên vô nghĩa khi anh đá hỏng quả penalty trong hiệp phụ. Điều đáng nói là tại Bundesliga mùa này, chính Robben cũng là cầu thủ đá hỏng quả phạt đền trong trận “chung kết” của mùa giải với Dortmund, khiến Bayern để tuột chiếc đĩa bạc vào tay đối thủ. “Quả bóng đã không chịu tuân theo lời tôi, đó là pha đá phạt khủng khiếp. Chủ tịch UEFA Platini và Drogba đã động viên tôi, nhưng tôi không thể quên được nỗi cay đắng ấy”, Robben nói trong thất vọng.
Thất bại trong trận chung kết Champions League ngay trên sân nhà đã khiến Bayern lặp lại tấn thảm kịch như của đội bóng đồng hương Leverkusen năm 2002, khi về nhì ở cả ba mặt trận (Giải vô địch quốc gia, Cúp Quốc gia và Champions League). Thậm chí, Bayern còn đau đớn hơn cả “Neverkusen” bởi cơ hội được đá trận chung kết Champions League ngay trên sân nhà là ngàn năm có một. Nhưng hùm xám đã ném mất cơ hội ấy, Munich giờ giống như một lễ tang.
Còn ở Tây London, hàng vạn CĐV Chelsea đã đổ ra đường ăn mừng chiến thắng, đón chiếc xe buýt hai tầng diễu hành chở các cầu thủ cùng chiếc cúp. Bóng đá “kiểu xe buýt” đã thực sự lên ngôi.
Tuệ Minh